Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cam Sành, Cây Chủ Lực Cây Làm Giàu

Cam Sành, Cây Chủ Lực Cây Làm Giàu
Ngày đăng: 05/07/2014

Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đến năm 2015, tỉnh ta sẽ phát triển đạt 5.000ha cam, quýt. Và theo mục tiêu phát triển của tỉnh, từ năm 2016 – 2020, mỗi năm toàn tỉnh sẽ tiếp tục trồng mới 350ha, đầu tư thâm canh xây dựng vườn cam kinh doanh theo tiêu chuẩn VietGAP mỗi năm 400ha.

Đó là những con số được nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai Dự án phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm cam, quýt tỉnh đến năm 2020 được tỉnh ta tổ chức tại huyện Bắc Quang tháng 6 vừa qua.

Có thể nói, vùng đất Hà Giang đã ưu ái cho chúng ta không ít đặc sản nông nghiệp. Đó cũng là tiềm năng, là cơ hội để khai thác, phát triển. Trong phát biểu chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh tại hội nghị tổng kết sản xuất vụ Đông 2013, sơ kết vụ Xuân và triển khai vụ Mùa 2014, có nhắc đến trọng tâm cần phải xây dựng thế mạnh chuyên sâu trong sản xuất nông nghiệp đó là “2 cây, 2 con”.

Trong “2 cây” được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhắc tới có cây cam sành. Đã từ lâu, trái cam sành giường như đã gắn với tên gọi Hà Giang bằng những lợi thế về hương vị đặc biệt thơm ngon. Đặc biệt là vùng đặc sản cam sành của chúng ta ở ngay cửa ngõ của tỉnh, đó chính lợi thế về chỉ dẫn địa lý một cách rất tự nhiên mà không cần phải xây dựng...

Mặc dù sản phẩm cam sành Hà Giang đã có tiếng trên thị trường trong nước, nhưng theo đánh giá của tỉnh, vẫn còn bộc lộ rất nhiều điểm hạn chế trong việc khai thác giá trị của sản vật này.

Đó là người sản xuất chưa áp dụng các quy trình kỹ thuật và đầu tư đúng mức, chưa xây dựng được mô hình khép kín từ sản xuất giống tới thâm canh, sử dụng nhãn hiệu hàng hóa đúng với giá trị bán trên thị trường nên giá trị sản phẩm không cao, chưa tương xứng với tiềm năng của loại cây trồng chủ lực của Hà Giang.

Một trong những lý do khiến sản phẩm cam sành chưa đạt được giá trị tương xứng mà tỉnh và các chuyên gia đưa ra đó là những năm trước đây, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, chưa đúng kỹ thuật, chưa đảm bảo thời gian cách ly, làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng cam sành Hà Giang...

Từ việc phân tích rõ tiềm năng, lợi thế và hạn chế đặt ra đối với cam sành Hà Giang, việc xây dựng, triển khai Dự án phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cam, quýt tỉnh Hà Giang đến năm 2020 là hết sức cần thiết.

Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, việc tập trung theo hướng nâng cao giá trị cam sành sẽ hướng tới đa hiệu quả, trong đó có hiệu quả về kinh tế, hiệu quả về xã hội và môi trường.

Chính vì thế, trong những phát biểu nhấn mạnh của đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, người luôn quan tâm sát sao và đề ra quyết tâm cho ngành Nông nghiệp, các ngành, các cấp, các địa phương trong mục tiêu phát triển cây cam sành, thì cây cam không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp mà còn là cây làm giàu của người nông dân.

Theo ngành NN&PTNT, tỉnh ta đề ra mục tiêu phấn đấu tăng giá trị thu nhập bình quân 1 ha cam từ 120 – 150 triệu đồng hiện nay lên 250 triệu đồng đến năm 2015 và từ 300 – 400 triệu đồng/ha đến năm 2020. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, việc đẩy mạnh đầu tư thâm canh, quản lý tiêu chuẩn sản xuất, xây dựng thương hiệu của sản phẩm cam sành là rất cần thiết.

Cùng với đó, cần phải thực hiện tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, thành vùng chuyên canh hàng hóa, có sự liên kết “4 nhà”, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp nhỏ. Cần duy trì việc phát triển diện tích cam hàng năm hợp lí, đảm bảo đúng theo quy trình kỹ thuật. Vấn đề bảo tồn các cây giống đầu dòng và việc xây dựng các cơ sở sản xuất giống tập trung cũng hết sức quan trọng...

Khi thực hiện tốt việc phát triển, nâng giá trị sản phẩm cam, quýt sẽ đem đến hiệu quả rất lớn về giá trị kinh tế cho người nông dân, đúng như quan điểm của tỉnh về chú trọng xây dựng thế mạnh chuyên sâu.

Với sản lượng dự báo khoảng từ 16.800 tấn – 21.000 tấn và với giá trị đạt khoảng trên 420 tỷ đồng/năm, cây cam, quýt sẽ giữ vững vai trò là cây làm giàu, cây chủ lực. Đồng thời, với việc nâng cao giá trị, sản phẩm sẽ từ đứng vững trước sự canh tranh của thị trường. Cùng với đó, giá trị mà sản phẩm cam sành chính hiệu Hà Giang mang lại còn là hiệu quả về mặt xã hội và môi trường.

Trong lộ trình xây dựng Nông thôn mới, đối với các huyện vùng thấp, có tính động lực trong phát triển nông nghiệp như Bắc Quang, Vị Xuyên và Quang Bình thì khi thực hiện dự án phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm cam, quýt sẽ tạo chuỗi sản phẩm khép kín, giảm các bước trung gian để người sản xuất tiếp cận trực tiếp với thị trường.

Từ đó, người nông dân phải tự ý thức trong việc ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật đảm bảo trong sản xuất, bảo quản sản phẩm, đảm bảo sản phẩm của mình được tiêu thụ. Qua quy trình sản xuất tiên tiến, góp phần cải thiện và tạo môi trường sinh thái, từng bước gắn phát triển nông nghiệp nông thôn với du lịch sinh thái ở vùng cam sành Hà Giang.


Có thể bạn quan tâm

Bí Xanh… “Đỏ Mắt” Người Trồng! Bí Xanh… “Đỏ Mắt” Người Trồng!

Năm 2013, bí xanh được mùa, giá cao, lãi nhiều, điều này khiến nông dân nhiều nơi ở Hòa Bình đầu tư mở rộng diện tích. Tuy nhiên, vụ mùa năm 2014, nhiều hộ gia đình lại “đỏ mắt” vì năng suất và giá đều giảm.

24/06/2014
Sản Xuất Nông Nghiệp Ở Quản Bạ Và Xín Mần Bị Ảnh Hưởng Do Thời Tiết Sản Xuất Nông Nghiệp Ở Quản Bạ Và Xín Mần Bị Ảnh Hưởng Do Thời Tiết

Những diện tích này được trồng từ đầu tháng 2, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vụ Đông - xuân 2013 – 2014 có những diễn biến phức tạp như đầu vụ rét, sương mù, mưa phùn kéo dài đã làm một số diện tích ngô và đậu tương phát triển chậm, cây thấp, vàng.

03/06/2014
Nguồn Rau Chính Ở Đảo Phú Quý Nguồn Rau Chính Ở Đảo Phú Quý

Nhiều năm về trước, huyện đảo Phú Quý phần lớn phải nhập các loại rau xanh từ Phan Thiết, vào mỗi tuần. Nan giải nhất là mùa bấc cuối năm, thời tiết không mấy thuận lợi, sóng to gió lớn kéo dài, tàu hàng không ra đảo được, nguồn cung rau xanh thiếu trầm trọng. Nỗi lo ấy bây giờ không còn nữa, bởi đảo đã hồi sinh làng trồng rau truyền thống, cung cấp cơ bản cho nhu cầu ở đây…

24/06/2014
Tù Mù Mua Giống, Dân Tây Nguyên Đổ Xô Trồng “Tiêu Lạ” Tù Mù Mua Giống, Dân Tây Nguyên Đổ Xô Trồng “Tiêu Lạ”

Nhiều người dân Tây Nguyên đua nhau trồng giống “tiêu lạ” với gốc ghép có nguồn gốc ngoại lai là cây trầu amazon. Trong khi đó, năng suất, chất lượng và khả năng chống sâu bệnh của gốc ghép này chưa được cơ quan chức năng kiểm định.

03/06/2014
Ngôi Nhà Của Nông Dân Thành Đạt Ngôi Nhà Của Nông Dân Thành Đạt

Ngày 2.6, Hội nông dân (ND) tỉnh Hưng Yên đã tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” (CLB ND SXKD). Nhiều người kỳ vọng CLB sẽ là ngôi nhà chung, sân chơi bổ ích của những nhà nông thành đạt.

03/06/2014