Cam Ranh (Khánh Hòa) Cá Mú, Cá Chẻm Được Mùa, Được Giá
Vài năm trước, diện tích nuôi cá mú, cá chẻm trên địa bàn TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) phát triển rất lớn, nhưng do gặp dịch bệnh, năng suất thấp, rớt giá, lãi không cao nên nhiều hộ đã chuyển sang nuôi ốc hương hay trồng rong. Tuy nhiên năm nay việc nuôi cá mú, cá chẻm lại rất thuận lợi, giá bán cao nên người nuôi rất phấn khởi.
Nhộn nhịp các điểm thu mua cá
Những ngày này, đi dọc Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn TP. Cam Ranh rất dễ bắt gặp cảnh nhộn nhịp thu mua cá mú, cá chẻm.
Tại điểm thu mua bên sân vận động phường Cam Nghĩa, bà Nguyễn Thành Đoàn (phường Phước Long, TP. Nha Trang) cho biết, do năm nay sản lượng thấp vì không còn nhiều người nuôi như trước nên mấy ngày qua, mỗi ngày bà cũng chỉ gom được 2 chuyến xe với tổng khối lượng trên dưới 10 tấn cá mú và cá chẻm.
Ông Võ Văn Tài (tổ dân phố Mỹ Ca, phường Cam Nghĩa) hiện có 2 đìa cá chẻm, 1 đìa cá mú, sản lượng ít hơn so với 5 đìa năm ngoái, nhưng nhờ được giá nên dù vất vả, tất bật giữa trưa nắng để kiểm soát nhân công lựa cá, cân cá cho thương lái, ông vẫn hồ hởi ra mặt.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Nghĩa: “Diện tích nuôi cá mú và cá chẻm trên địa bàn năm nay sụt giảm nhiều so với các năm trước. Toàn phường chỉ có khoảng 30ha đìa nuôi cá mú và 15ha đìa nuôi cá chẻm. Hiện giá cá đang cao nên hầu hết người nuôi đang thu hoạch để bán”.
Tại điểm thu mua cá ở phường Cam Phúc Bắc, không khí mua bán cũng rất nhộn nhịp với hàng chục nhân công bốc xếp hàng lên 3 xe tải cho bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - chủ Doanh nghiệp tư nhân Hạnh Như (Cam Ranh).
Trên những con đường mòn trong khu vực, từng đoàn xe thồ chở cá thuê hối hả tập kết cá từ đìa về điểm thu mua này. Bà Hạnh cho biết, mấy ngày nay, mỗi ngày bà thu mua được khoảng gần 15 tấn cá mú và cá chẻm, ít hơn nhiều so với dịp này các năm trước.
Theo các đầu nậu, hiện giá cá chẻm từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, cá mú 220.000 đồng - 260.000 đồng/kg tùy loại, cao hơn nhiều so với năm ngoái và các năm trước. Cá chẻm chỉ để cung cấp cho thị trường nội địa, trong khi phần lớn cá mú được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Niềm vui của người nuôi cá
Anh Nguyễn Anh Tuấn (tổ dân phố 5A, phường Cam Phúc Bắc) đầu tư 5 đìa cá chẻm và 10 đìa cá mú; hiện đã thu hoạch xong đúng vào thời điểm được giá nên anh rất phấn khởi. “Mỗi đìa cá chẻm tôi thả nuôi 10.000 con giống, tổng chi phí khoảng 300 triệu đồng, thu hoạch trên dưới 5,5 tấn.
Mật độ thả nuôi đối với cá mú cũng tương tự, nhưng phải đầu tư nhiều hơn, khoảng 500 - 600 triệu đồng/đìa, năng suất cũng tương đương cá chẻm. Từ đầu vụ đến nay, giá cá mú và cá chẻm đều cao hơn mấy năm trước, cá không bị dịch bệnh nên dù giá thức ăn có tăng hơn mọi năm nhưng người nuôi vẫn lãi khá”, anh Tuấn chia sẻ.
Không đầu tư nuôi nhiều như anh Tuấn, nhưng vụ cá năm nay, gia đình ông Vũ Thanh Hội (tổ Ngô Mây, phường Ba Ngòi) cũng thu được một khoản tiền lãi không nhỏ từ 4 đìa nuôi cá mú. Ông Hội vui mừng nói: “Nhà tôi có 8 ô đìa, mấy năm trước tôi nuôi cả cá chẻm và cá mú. Nhưng sau thất bại vụ năm ngoái, tôi quyết định chuyển một nửa diện tích sang nuôi ốc hương, còn lại nuôi cá mú. Tuần trước tôi đã bán hết, tính ra trừ chi phí cũng lãi khoảng 1,5 tỷ đồng”.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, cán bộ khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông - khuyến lâm - khuyến ngư TP. Cam Ranh), trước đây diện tích nuôi cá chẻm và cá mú trên địa bàn thành phố rất lớn, nhưng do gặp dịch bệnh, nhiều người đã chuyển sang nuôi ốc hương, tu hài hay trồng rong nên năm nay chỉ còn lại 130ha nuôi cá mú và 170ha nuôi cá chẻm.
Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã thu hoạch khoảng 400 tấn cá mú và cá chẻm. Do năng suất đạt cao, bán được giá nên nhìn chung người nuôi đều có lãi.
Đến thời điểm này, người dân nuôi cá mú, cá chẻm ở Cam Ranh đã có một vụ cá bội thu. Vì thế, không ít người đã có ý định đầu tư mở rộng hay nuôi lại các lại cá này vào vụ sau. Tuy nhiên theo bà Hương: “Nay năm được mùa, được giá nên chắc chắn vụ tới bà con sẽ đầu tư nuôi nhiều. Tuy nhiên chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng, thả nuôi chừng mực, tuân thủ các yếu tố kỹ thuật để đề phòng rủi ro như mấy năm trước”.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, cụm từ chuyển đổi đất sản xuất lúa vụ 3 (lúa thu đông) sang trồng màu đã không ít lần được một số nhà chuyên môn lẫn lãnh đạo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) nhắc đến. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra: “chuyển sang trồng màu, ai lo đầu ra cho nông dân?
Thời điểm này, nhiều hộ nuôi con đặc sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang rơi vào cảnh nợ nần, thua lỗ vì giá một số loại con đặc sản xuống thấp hoặc không có đầu ra.
Hiện nay, tại các vùng nông thôn, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho người dân chưa đạt được yêu cầu đề ra. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó khá nhiều hộ nông dân nghèo gặp khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi làm thủ tục xin giấy CNQSDĐ.
Theo quốc lộ 14 đi thành phố Buôn Ma thuột, cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 20 km chúng tôi ghé vào thôn 11 xã Nâm Njang thăm một gia đình nông dân sản xuất giỏi - anh Hoàng Quốc Hùng.
Có tiếng là nơi cây tiêu sống bền nhờ ít bệnh vì đất đai, nguồn nước phù hợp nên từ khi giá tiêu tăng cao thì xã Lộc An (Lộc Ninh - Bình Phước) đã trở thành địa chỉ đỏ để nông dân tìm về mua giống. Đó cũng là nguyên nhân diện tích hồ tiêu ở Lộc An tăng vọt. 1 tỷ đồng/ha đất đỏ trồng tiêu là cơn sốt tăng giá đất hay chỉ là giá ảo thời hoàng kim của hồ tiêu ở Lộc An!?