Làm Giàu Từ Mô Hình Cây Ăn Quả
Điện Biên không chỉ là vùng đất lịch sử mà còn là nơi xây dựng ước mơ, ấp ủ làm giàu của rất nhiều nông dân vượt lên cái khó khăn, nghèo đói để trở thành những tấm gương sản xuất giỏi. Ông Lò Văn Tỉnh sống tại bản Khá, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên là tấm gương như thế.
Ông Lò Văn Tỉnh sinh ra và lớn lên tại xã ẳng Cang, huyện Mường ảng trong gia đình nhiều anh em, có hoàn cảnh khó khăn vất vả. Với suy nghĩ vượt lên cái nghèo đói, năm 2002, vợ chồng ông chuyển đến xã Mường Phăng lập nghiệp. Thời gian đầu, ông khai hoang được 2,5ha nương tại bản Khá, xã Mường Phăng.
Do không có vốn sản xuất nên ông chủ yếu trồng sắn và làm nương, lương thực không đủ ăn. Không thể chấp nhận nghèo đói đeo bám, năm 2003, vợ chồng ông về tỉnh Sơn La thăm mô hình trồng đào và thấy rất hiệu quả nên đã mua giống đào Mỹ về trồng thử. Sau 2 năm chăm sóc, cây đào sinh trưởng nhanh và phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng địa phương.
Năm 2004, gia đình ông được dự án của Viện Cây ăn quả (Hà Nội), đầu tư giống đào Mỹ và hồng không hạt. Nhận thấy đây là mô hình thí điểm nên vợ chồng ông quyết tâm làm. Từ khi trồng, bón phân, chăm sóc làm cỏ, ông đều tuân theo qui trình kỹ thuật do vậy cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Thời gian đầu ông trồng xen cây lạc và đậu tương để cải tạo đất, tăng thêm thu nhập.
Từ năm 2006-2007, vườn đào và hồng của ông Tỉnh đã được thu hoạch; cuộc sống của vợ chồng ông cũng dần ổn định và có điều kiện nuôi các con ăn học. Vợ chồng ông đã dựng được ngôi nhà sàn to đẹp, 3 người con đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định. Năm 2012, vườn đào của ông thu được 4 tấn quả, vườn hồng Đài Loan không hạt thu được 1,5 tấn quả. Tổng thu nhập từ vườn cây ăn quả đạt 50 triệu đồng.
Ngoài trồng cây ăn quả, vợ chồng ông nuôi 10 con bò, trung bình mỗi năm bán bê và bò cũng được 40 triệu đồng. Thu nhập từ vườn cây và chăn nuôi của gia đình ông sau khi đã trừ hết chi phí đạt 70 triệu đồng/năm.
Ông Tỉnh tâm sự: Để có được ngày hôm nay, vợ chồng ông luôn tìm tòi các biện pháp kỹ thuật mới trên báo nông thôn, báo khuyến nông, trên các trang mục bạn của nhà nông và các chương trình khuyến nông do huyện và tỉnh tổ chức. Từ những hướng dẫn đó, ông áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi trong gia đình.
Ông Lò Văn Tinh, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: “Gia đình ông Lò Văn Tỉnh có nguồn thu nhập cao và ổn định từ mô hình cây ăn quả. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Tỉnh còn giúp đỡ các hộ gia đình trong bản kỹ thuật trồng cây ăn quả và truyền đạt những kinh nghiệm sản xuất. Mô hình gia đình ông Tỉnh là mô hình kiểu mẫu để người dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm…
Có thể bạn quan tâm
Theo thống kê của ngành lâm nghiệp tỉnh, năm 2010, Lào Cai có 7.785 ha sắn, đến cuối năm 2012 diện tích tăng lên là 9.305 ha sắn và trong năm 2013, con số này được đánh giá là tương đương.
Nằm trong hợp phần B của Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ, liên minh sản xuất cà phê bền vững Chư Prông (Gia Lai) giữa Tổ hợp tác gồm 100 hộ nông dân các xã Ia Phìn, Ia Băng, Ia Kly và thị trấn Chư Prông được triển khai thực hiện năm 2010.
Anh Lâm Văn xuyến, 58 tuổi, ở thôn đầu suối A (xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc) trồng thí điểm 3.000 cây chuối trên 3 ha đất rẫy.
Là huyện miền núi ven biển có gần 70% là người dân tộc thiểu số, 5/6 xã là vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế, nên việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa không chỉ đối với đời sống người dân mà còn là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế huyện Thuận Bắc phát triển.
Nhìn lại năm qua, với tổng sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh lên khoảng 63.669 tấn, vượt 11,7% kế hoạch và tăng 13,9% so với năm trước, có thể lạc quan trước sức phát triển mới về năng lực tàu cá tỉnh ta. Tuy nhiên, nếu nhìn ở cơ cấu hải sản đánh bắt với 80% sản lượng là cá cơm, cá nục và hầu như chưa có sự chuyển dịch đáng kể nào về thuyền nghề, chúng tôi không khỏi băn khoăn trước tương lai nghề cá tỉnh nhà.