Thanh Luông Với Phong Trào Trồng Cây Cảnh
Những năm gần đây Thanh Luông được đánh giá là xã có tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhanh và mạnh của huyện Điện Biên. Hiện toàn xã có trên 500ha đất canh tác cây nông nghiệp, thì có gần 400ha đạt giá trị sản xuất 50 triệu đồng/ha/năm; các mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, vùng đồi khó canh tác sang trồng hoa, cây cảnh cho giá trị thu nhập từ 100 - 120 triệu/ha/năm đã không còn xa lạ với người dân xã Thanh Luông. Kết quả này đã và đang tạo đà để Thanh Luông thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2015.
Trong những năm qua, đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Thanh Luông đã phát huy tiềm năng thế mạnh như: đất đai, nguồn lao động để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Từ năm 2000 tới nay Thanh Luông đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; trong đó đặc biệt chú trọng đến việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, vùng đồi khó canh tác sang trồng hoa, cây cảnh, rau mầu các loại cho hiệu quả kinh tế cao.
Thôn Chế Biến 1 (Thanh Luông) tuy có diện tích lớn, những phần lớn là đất nghèo dinh dưỡng và đất lúa 1 vụ do không chủ động được nước tưới. Chính vì điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên rất khó để người dân làm giàu từ sản xuất lúa. Nhận thức rõ điều này, các hộ gia đình trong thôn 1 đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, trong đó trồng hoa, cây cảnh gắn với phát triển chăn nuôi đang là một thế mạnh giúp người dân nơi đây làm giàu.
Thăm mô hình của gia đình ông Phạm Văn Lực, đội 1, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên - hộ có số lượng đào thế và cây cảnh nhiều nhất xã. Ông Lực cho biết: Trước đây khu đất này gia đình trồng lúa nhưng hiệu quả kém nên chuyển sang trồng ngô; nhưng ngô hiệu quả kinh tế cũng không cao vì thế cuộc sống gia đình luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Nhận thấy đất không thể làm giàu từ trồng cây lương thực, năm 1997 gia đình tôi chuyển một phần diện tích sang trồng hoa, cây cảnh.
Thấy trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập khá và tương đối ổn định nên tôi chuyển toàn bộ diện tích đất vườn sang trồng đào cảnh, đào thế và ươm trồng cây công nghiệp thuê cho các cơ sở cung ứng giống. Đến nay, sau hơn 10 năm, gia đình tôi có trên 2.500 cây đào cảnh, đào thế và gần 600 cây cảnh các loại, như: câu vua, sanh, si, lộc vừng… Có cây trị giá hơn chục triệu đồng"; doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trong khi ông Lưc là đại diện cho những người cao tuổi, chơi cây cảnh lâu năm thì anh Nguyễn Văn Cường, thôn Thanh Bình là đại diện cho giới trẻ, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu từ nghề chơi và kinh doanh cây cảnh. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường hiện nay đang có xu thế gần với thiên nhiên và cây cảnh là vật trang trí cần thiết, anh Cường vay mượn tiền cùng với số vốn tích cóp được đầu tư kinh doanh cây cảnh. Với khu vườn rộng chỉ rộng 300m2, anh đã trồng hàng chục cây cảnh các loại, hiện vườn cây của gia đình có giá trị hàng trăm triệu đồng. Từ kinh doanh cây cảnh gia đình anh đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Anh Lò Văn Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Luông, huyện Điện Biên cho biết: Trong những năm qua, xã Thanh Luông đã có nhiều nỗ lực để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện toàn xã có trên 450ha đất canh tác cây nông nghiệp, thì đã có gần 370ha đạt giá trị sản xuất 50 triệu đồng/ha/năm và trên 20 hộ gia đình chuyển đổi vườn tạp, gò đồi, đất khó canh tác sang trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập từ 100 - 120 triệu/ha. Có được kết quả này, ngoài sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước còn là công sức lao động, tinh thần ham học hỏi, áp dụng cái mới vào sản xuất của nông dân xã.
Đến với Thanh Luông hôm nay như lạc vào một rừng hoa với đủ sắc mầu. Rồi đây những cây đào, cây quất và những nhành hoa đủ loại sẽ được cung ứng cho thi trường hoa tết, mang sắc xuân đến với mỗi ngôi nhà và sự no ấm, an lành cho cả người trồng hoa và chơi hoa.
Có thể nói, từ một xã thuần nông có xuất phát điểm thấp, nhưng nhờ đổi mới cách nghĩ, cách làm nên đến nay kinh tế - xã hội của xã Thanh Luông có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp đạt 16%/năm, chăn nuôi tăng trưởng từ 8 - 12%/năm. Tỷ lệ hộ đói nghèo của xã giảm xuống có 9,34% (tỷ lệ đói nghèo chung của huyện là 20,8%) và là xã có tỷ lệ đói nghèo thấp nhất trong toàn huyện. Kinh tế phát triển, đời sống của đại bộ phận người dân đã được cải thiện và nâng lên.
Có thể bạn quan tâm
Sản xuất nông nghiệp ở huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) hình thành 2 khu vực cây trồng chính: Lúa nước tập trung chủ yếu ở các xã Xuân Hải, Tân Hải, Hộ Hải và Phương Hải, với diện tích 2.200ha; hành, tỏi, rau màu trồng nhiều ở Vĩnh Hải, Thanh Hải, Nhơn Hải.
Thời gian qua, rất nhiều hộ nông dân ở phường 7, nơi có diện tích trồng hành tây lớn nhất Đà Lạt đã phải đem hành đổ vì thời gian trữ trong kho chờ tăng giá quá lâu dẫn đến nông sản này bị hư hỏng, nảy mầm.
Chiều 15/6, tại huyện Sông Hinh (Phú Yên), Sở NN-PTNT tổ chức lễ phát động chiến dịch ra quân tiêu hủy rệp sáp bột hồng hại sắn. Tham dự buổi lễ có tiến sĩ Ignazio, chuyên gia Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT); tiến sĩ Bùi Xuân Phong, Phó phòng Quản lý sinh vật hại rừng Cục Bảo vệ Thực vật; tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT.
Chiều 15/6, tại huyện Sông Hinh (Phú Yên), Sở NN-PTNT tổ chức lễ phát động chiến dịch ra quân tiêu hủy rệp sáp bột hồng hại sắn. Tham dự buổi lễ có tiến sĩ Ignazio, chuyên gia Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT); tiến sĩ Bùi Xuân Phong, Phó phòng Quản lý sinh vật hại rừng Cục Bảo vệ Thực vật; tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT.
Sau cơn mưa lớn vào tối 13.6, nhiều nông dân trồng mì trên đất ruộng đã phải hối hả nhổ mì để chạy mưa do sợ mì bị thối củ.