Mường Nhé Nhân Rộng Mô Hình Kinh Tế Hiệu Quả
Những năm qua, huyện Mường Nhé đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa giống mới năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân.
Các phòng, ban của huyện đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của tỉnh tăng cường tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới tới người dân, đặc biệt là triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bằng các nguồn vốn Nghị quyết 30a, Chương trình 167, 661, 252 bản đặc biệt khó khăn của tỉnh; vốn sự nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp; vốn sự nghiệp khoa học công nghệ và vốn phát triển sản xuất chương trình xây dựng nông thôn mới và trên 50 tỷ đồng nông dân vay phát triển sản xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, huyện đã triển khai gần 40 mô hình sản xuất nông - lâm – thủy sản. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả đã được triển khai nhân rộng, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị của địa phương.
Với trên 10 mô hình chăn nuôi các loại giống mới được triển khai trong thời gian qua, như nuôi: nuôi vịt, trâu bò sinh sản, ương cá giống, cá thịt… Triển khai thành công mô hình thâm canh lúa nước với nhiều giống lúa năng suất cao như: Nhị ưu 838, IR64, khang dân, tẻ thơm, bắc thơm... các loại cây lạc, đậu tương, bông và cây công nghiệp dài ngày cà phê, cao su, nhãn, xoài ngày càng phát triển.
Điển hình như mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản theo phương thức bán chăn thả tại xã Mường Nhé đã đem lại hiệu quả tương đối cao. Nhiều hộ khi tham gia mô hình được hỗ trợ ban đầu là 2 con bò sinh sản, sau 3 năm số bò tăng lên 5 - 6 con, cho thu nhập bình quân 12 - 13 triệu đồng/đôi bò sinh sản/năm.
Hay mô hình nuôi vịt thịt và đẻ tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè cũng đã phát huy hiệu quả tốt, các hộ chăn nuôi thu lãi từ 25 - 30 triệu đồng/năm. Huyện kết hợp với các nông trường của Đoàn 379, các Đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế, cung cấp các loại giống rau, cây lương thực cho nhân dân.
Những mô hình chăn nuôi được triển khai đã từng bước thay đổi tập quán, phương thức chăn nuôi của một bộ phận nhân dân địa phương từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, quảng canh sang chăn nuôi bán chăn thả có sự quản lý, chăm sóc tốt đã tăng hiệu quả trong chăn nuôi, tăng thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân và vươn lên làm giàu.
Huyện xác định phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản tại địa bàn miền núi vùng cao là rất khó khăn, với quyết tâm phát triển ngành thuỷ sản song hành cùng phát triển ngành nông - lâm nghiệp, đưa thuỷ sản trở thành một trong những ngành đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Huyện đã vận động nhân dân tại thị trấn và các xã: Mường Nhé, Chung Chải, Sín Thầu, Leng Su Sìn… tích cực mở rộng diện tích nuôi các loại cá trắm, chép, rô phi đơn tính...
Qua quá trình nuôi cho thấy các loại cá trên rất phù hợp với điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng của bà con địa phương. Các loại cá này đều có thời gian sinh trưởng ngắn, quay vòng vốn nhanh, cho thu lãi cao từ 70 - 100 triệu đồng/ha/năm. Để khuyến khích người dân phát triển nghề thủy sản, huyện hỗ trợ triển khai mô hình ương cá giống trên 3.000m², trên 7,5ha nuôi cá thịt. Phát huy thế mạnh về đất rừng, nhiều hộ dân đã mạnh dạn trồng cà phê, cao su, nhãn, xoài đang phát triển tốt được các cơ quan chuyên môn đánh giá cao.
Do vậy trong 5 năm (2007 – 2012), sản lượng và diện tích cây lương thực tăng từ 10.300 tấn lên 18.978 tấn, lương thực bình quân trên đầu người tăng 62,15kg. Các loại cây lương thực ngắn ngày tăng gần 50%, chăn nuôi, thủy sản hàng hóa tốc độ tăng 8,1%/năm, đàn gia súc tăng 21.104 con, gia cầm tăng 46.919 con, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 78ha… có 427 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 47 hộ.
Thời gian tới, để người dân yên tâm đầu tư phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả cao, huyện Mường Nhé đưa ra một số giải pháp, đó là quan tâm tới công tác lập quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện địa hình, thế mạnh và tập quán canh tác của bà con nhằm mục đích tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao giúp người dân làm giàu trên mảnh đất của mình. Tăng cường đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Huyện Châu Thành có thế mạnh vườn cây ăn trái, với diện tích hơn 9.000ha. Trong đó, bưởi Năm Roi chiếm gần 20%, với hơn 1.705ha. Nhưng 3 năm trở lại đây, diện tích và sản lượng bưởi ở Châu Thành có xu hướng giảm do vườn bưởi bị lão hóa, ảnh hưởng thời tiết làm phát sinh mầm bệnh.
Người nuôi cá lóc ở ĐBSCL đang thắng lớn khi giá cá đang đứng ở mức 42.000-45.000 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí người nuôi thu về lợi nhuận từ 10.000-15.000 đồng/kg.
Với lợi thế vùng đồng màu cùng với kinh nghiệm sản xuất qua nhiều năm tích lũy, các hộ nông dân xã Giao Phong (Giao Thủy) đã thực hiện nhiều biện pháp thâm canh, chuyển đổi mạnh về cơ cấu cây trồng với các công thức luân canh, xen canh, gối vụ hoặc trồng cây rau màu trái vụ một cách hợp lý, phù hợp với từng chất đất và mùa vụ, tổ chức sản xuất hàng hóa gắn với dịch vụ thị trường tạo nên nhiều cánh đồng cho thu nhập hàng trăm triệu trên mỗi ha.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, trong đó tập trung ưu tiên 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: 1- Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; 2- Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; 3- Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; 4- Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.
Thuộc diện hộ nghèo của xã Cam Thủy (Cam Lộ), gia đình ông Lê Phước Hoàng được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất ở vùng kinh tế mới Cam Thủy Bắc để phát triển sản xuất. Có đất đai và sức lao động nhưng vì không có vốn đầu tư sản xuất nên thời gian đầu ông Hoàng chỉ trồng được vài giống cây ngắn ngày.