Cam Lâm (Khánh Hòa) nguy cơ thiếu giống cây trồng
Thiệt hại nặng
Đến các xã ở huyện Cam Lâm, chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh nhiều diện tích đất nông nghiệp phải bỏ hoang. Những diện tích đã được nông dân trồng mía, mì bị thiệt hại nặng do nắng hạn. Ông Lê Xuân Ninh (thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam) nói: “Ruộng mì của gia đình tôi có tổng diện tích hơn 1,5ha đã bị chết hơn 70%, lỗ hàng chục triệu đồng tiền đầu tư”. Theo ông Ninh, ruộng mì của gia đình ông và những nông dân lân cận xuống giống cách đây 4 tháng, nếu thời tiết thuận lợi thì hiện nay đã bắt đầu cho củ. Thế nhưng năm nay, cây mì chỉ cao 15 - 20cm; chủ của các ruộng mì cũng chẳng buồn chăm sóc, bởi dù có cố gắng thì sản lượng cũng không được bao nhiêu.
Trong khi đó, ông Trần Văn Thuận (thôn Triệu Hải, xã Cam An Bắc) cho biết: “Mía là một trong những loại cây trồng chủ lực của xã Cam An Bắc. Nắng hạn gay gắt đã khiến nhiều diện tích mía trên địa bàn đang bị chết khô. Gia đình tôi có 0,5ha mía lưu gốc đã chết hơn 70%”.
Theo thống kê của Hội Nông dân xã Cam An Bắc, nắng hạn đã khiến cho khoảng 60% trong tổng số 483ha mía và 183ha mì của địa phương bị chết. Ông Nông Viết Bàng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam An Bắc cho biết: “Do gặp khó khăn về nguồn nước sản xuất nên nhiều năm qua, địa phương đã chuyển đổi, đưa vào sản xuất các giống mía, mì chịu hạn, thế nhưng vẫn không thể chống chọi được với thời tiết năm nay. Hiện tại, địa phương đang tìm cách chuyển đổi một số diện tích sang trồng các loại cây họ đậu ngắn ngày trên diện tích mía, mì bị thiệt hại”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hiệp Nam cho biết: “Trong tổng số 347ha mía tại địa phương đã có đến 70ha bị thiệt hại hơn 70%, 260ha bị thiệt hại từ 30 đến 70%. Đối với cây mì, trong tổng số 354ha đã có 118ha bị thiệt hại hơn 70%, 236ha bị thiệt hại từ 30 đến 70%. Cây trồng ở các địa phương khác trong huyện như: Cam An Nam, Cam Hiệp Bắc, thị trấn Cam Đức... cũng bị thiệt hại nặng do nắng hạn”.
Nguy cơ thiếu giống
Sau một thời gian dài nắng hạn, thời gian gần đây, một số địa phương ở huyện Cam Lâm đã bắt đầu có mưa rải rác. Tranh thủ trời mưa, nông dân bắt đầu trồng mì vụ muộn, nhưng điều khiến họ lo lắng là không có giống để trồng. Ông Lê Xuân Ninh cho biết: “Số hom mì gia đình tôi để giống từ vụ trước đã bị khô hết nên không trồng được. Tôi cũng tính phá phần diện tích mì bị chết (hơn 80%) để trồng mì vụ muộn, thế nhưng không tìm đâu ra giống. Tuy đã hỏi mua giống từ các xã lân cận nhưng cũng không có”.
Để có giống mía trồng trong niên vụ tới, ngay từ thời điểm này, nhiều địa phương ở Cam Lâm đã liên hệ với các nơi khác cũng như nhờ sự hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn của huyện. Lãnh đạo xã Cam An Bắc cho biết, địa phương đang liên hệ giống mía ở xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) để nông dân trồng lại hàng trăm hecta mía đã bị chết. Tuy nhiên, điều khiến địa phương lo lắng là chất lượng giống trôi nổi sẽ khó được đảm bảo. Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Nam: “Giống mì, mía ở địa phương chủ yếu do nông dân tự nhân giống. Tuy nhiên, hầu hết diện tích đã bị thiệt hại vì nắng hạn nên có nguy cơ thiếu giống. Trước mắt, địa phương đang vận động người dân tập trung chăm sóc những diện tích mía, mì còn lại để chủ động một phần nguồn giống cho vụ sau. Bên cạnh đó, địa phương sẽ đề nghị Trạm Khuyến nông huyện, nông vụ của nhà máy đường hỗ trợ tìm nguồn cung cấp giống cho nông dân”.
Ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết: Đối với giống mì, các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ sẵn có, nhưng nếu mua giống ở các tỉnh này thì chi phí giống sẽ tăng thêm khoảng 1 triệu đồng/ha. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nhà nông. Riêng đối với cây mía, UBND huyện đang chỉ đạo ngành chuyên môn liên hệ để tìm nguồn giống đảm bảo chất lượng cho nông dân trồng vụ tới.
Ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm: Năm nay, nắng hạn đã khiến cho khoảng 1.600ha mía của địa phương bị ảnh hưởng, trong đó có 635ha bị chết hơn 70%, 952ha bị chết từ 30 đến 70%. Bên cạnh đó, khoảng 1.200ha mì cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có 471ha bị thiệt hại hơn 70%, 706ha bị thiệt hại từ 30 đến 70%. Để giảm bớt khó khăn, UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ giống cho nông dân bị thiệt hại vì nắng hạn. Dự kiến, kinh phí hỗ trợ giống khoảng 15,2 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh vừa khai trương cửa hàng rau sạch Tani G.A.P (TP.Tây Ninh). Đây là cửa hàng rau sạch đầu tiên ở Tây Ninh.
Công nhân nuôi tôm tại cơ sở nuôi trồng thủy sản AquaScience trên đất liền ở Natal,Brazil. Cơ sở này được điều hành bởi khu nuôi thủy sản Camanor Produtos Marinhos Ltda.,khu nuôi có mức độ sản xuất cao với phương pháp ít thay nước.
Là một phần quan hệ đối tác với Trung tâm Công nghệ nuôi trồng Thủy Sản Việt Nam Đan Mạch (VIDATEC), DHI và cộng tác viên của chúng tôi đã bắt đầu thử nghiệm sáng tạo công nghệ nuôi trồng thủy sản trong một trang trại kinh doanh nuôi cá trê ở miền Nam Việt Nam.
Dù đã vào tuổi xấp xỉ 80, nhưng họ vẫn được hội viên, nông dân (ND) tín nhiệm “bắt” đảm nhận “chức” chi hội trưởng (CHT) chi hội nông dân. Họ trở thành những “già làng” của Hội ND. Với họ, tuổi cao, sức khỏe giảm nhưng nhiệt huyết, uy tín thì không giảm sút.
Nếu bất kỳ loài cá nào có thể sử dụng một số PR tốt thì đó chính là cá rô phi.Giống như một chính trị gia luôn dính vào vụ bê bối, nó bị cho là phá hoại hồ nguyên sơ vì bị nhiễm kích thích tố và gây ra tổn hại dinh dưỡng hơn thịt xông khói.