Bò Bình Định
Để đạt mục tiêu này, trong những năm qua, tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình thâm canh bò thịt chất lượng cao, sau đó nhân rộng để ngày càng nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Tố Trân, GĐ Trung tâm KN-KN Bình Định cho biết, để tiến tới việc xây dựng thương hiệu “Bò Bình Định”, trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã giới thiệu đến nông dân một số giống bò thịt chất lượng cao gắn với chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi thâm canh, kết hợp trồng cỏ thông qua các mô hình.
Mục tiêu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thịt đàn bò, tăng hiệu quả kinh tế ở giai đoạn bê sau cai sữa đến 12 tháng tuổi.
Riêng năm 2014, Trung tâm KN-KN Bình Định đã xây dựng nhiều mô hình tại các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước, Tây Sơn và Vĩnh Thạnh với 50 bê con và trồng 1 ha cỏ.
“Giống là những con bê lai F1. Những con đực gồm các giống Drought Master, Red Angus và cái lai Zebu, cỏ được trồng giống VA06.
Những giống này có khả năng tăng trọng bình quân 627 gram/con/ngày; lợi nhuận thu được từ 1 - 1,2 triệu đồng/con/tháng. Mô hình cho hiệu quả trông thấy nên nhanh chóng được nhân rộng ở những địa phương có lai tạo đàn bò thịt chất lượng cao”, bà Trân cho biết.
Những giống bò chất lượng cao nói trên đã mang lại sinh khí mới cho huyện miền núi Vĩnh Thạnh, nơi được mệnh danh là “xứ sở bò lai” với tổng đàn bò hơn 13.000 con, trong đó tỷ lệ bò lai chiếm trên 86% tổng đàn.
Từ nhiều năm nay, chăn nuôi bò đã trở thành một thế mạnh kinh tế của địa phương này. Tuy nhiên, bà con chủ yếu nuôi bằng phương thức quảng canh, tận dụng đồng cỏ tự nhiên, ít đầu tư thâm canh, trọng lượng bò nuôi đạt thấp, hiệu quả không cao.
Với mục tiêu đầu tư chất lượng cho đàn bò, từ năm 2011 Vĩnh Thạnh đã xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Bước đầu đã đưa về 29 con bò giống Drought Master, trong đó có 19 con đực và 10 con cái.
Ưu điểm của giống bò Drought Master là năng suất rất cao, trong điều kiện chăn nuôi theo quy trình thâm canh, trọng lượng bình quân bò đực đạt tới 1 tấn đến 1,1 tấn/con, bò cái đạt từ 0,6 - 0,7 tấn/con, tỷ lệ thịt xẻ đạt từ 60 - 62%.
Ông Thái Bình Trọng, cán bộ Trạm KN huyện Vĩnh Thạnh cho biết, năm 2014, Trạm đã xây dựng mô hình thâm canh bò thịt chất lượng cao tại 10 hộ chăn nuôi ở xã Vĩnh Thịnh với quy mô 10 bê con thế hệ F1 giống Drought Master.
“Trong năm nay chúng tôi tiếp tục xây dựng mô hình nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao giai đoạn bê con ở các huyện Phù Mỹ, Tây Sơn, Hoài Ân và Vĩnh Thạnh với 40 bê giống, mỗi huyện 10 con/10 hộ. Chất lượng bò thịt được nâng cao sẽ tạo được niềm tin cho thị trường, đây là tiền đề hướng đến thương hiệu “Bò Bình Định”, bà Nguyễn Thị Tố Trân. |
Mô hình kết hợp hỗ trợ cỏ giống để bổ sung nguồn thức ăn xanh. Qua thời gian 7 tháng, trọng lượng bê nghé tăng bình quân 685 gram/con/ngày. Kết quả này đã mở cho huyện hướng nhân rộng theo quy trình thâm canh bò thịt.
Nông dân Nguyễn Phi Hùng ở thôn An Nội, xã Vĩnh Thịnh tham gia mô hình chia sẻ: “Ngoài lượng thức ăn tinh theo quy trình, tui còn cho bê ăn bổ sung thêm thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp và cỏ voi để đảm bảo lượng thức ăn xanh tối thiểu. Sau 6 tháng nuôi, bê nghé của tui đạt mức tăng bình quân trên 900 gram/con/ngày”.
Mô hình ở huyện Tây Sơn cũng cho kết quả khả quan không kém. Qua 5 tháng nuôi, 10 bê lai ở 10 hộ chăn nuôi tham gia mô hình đều đạt và vượt các chỉ tiêu về kinh tế kỹ thuật.
Tăng trọng bình quân 229,7 kg/con; lợi nhuận bình quân đạt 7,2 triệu đ/con, có hộ chăm sóc tốt lãi gần 10 triệu đ/con.
Nông dân Nguyễn Thành Dương ở xã Tây Bình, một trong những hộ tham gia mô hình cho hay: “Giống bò này không kén ăn, nhưng phải giữ chuồng trại thật sạch sẽ; khi được 6 - 7 tháng tuổi nó lớn nhanh hơn các bò lai khác.
Mỗi ngày tui thấy con bò mỗi khác, con bò tui nuôi tăng trọng bình quân mỗi ngày 907 gram. Hóa ra bò nuôi nhốt tăng trọng nhanh hơn bò thả”.
Theo các hộ chăn nuôi, 100% bê nghé đều đạt mức tăng trọng bình quân 685 gram/con/ngày, hiệu quả hơn hẳn cách nuôi truyền thống, góp phần tăng năng suất và sản lượng thịt bò.
Điều đáng ghi nhận là những hộ tham gia mô hình sau khi nhận thấy hiệu quả rõ rệt đã hỗ trợ những hộ nghèo ở địa phương về cỏ giống, kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi... nhờ đó mô hình ngày càng được nhân rộng.
Phong trào thâm canh bò thịt chất lượng cao đang phát triển mạnh tại các xã trung du và miền núi ở Bình Định, nơi có nguồn thức ăn phong phú và điều kiện địa hình thuận lợi.
Có thể bạn quan tâm
Xóm Hữu Nghị, xã Hợp Tiến được biết đến là một trong những địa phương trồng vải nhiều, có chất lượng cao của huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Hàng chục năm nay, 48 hộ dân trong xóm vẫn cần mẫn chăm sóc đồi vải của mình để đem đến cho người tiêu dùng những chùm quả chín ngọt.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người nông dân nuôi tằm tại Trung Quốc đã dần thay đổi và cải tiến phương thức nuôi tằm.
Thử nghiệm nuôi cá bóp lồng bè (còn gọi là cá bớp, bốp) ở Cà Mau bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân trên đảo Hòn Chuối.
Từ thôn thuần nông nghèo nhất xã Hoàng Đông (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), đến nay, Bạch Xá đã trở thành địa chỉ hàng đầu nuôi và cung cấp "đặc sản" rắn hổ mang, rắn hổ trâu ở tỉnh này, mang lại tiền tỷ cho không ít hộ gia đình.
Một số huyện ven đô Hà Nội, Vĩnh Phúc- vùng chăn nuôi bò sữa truyền thống của các tỉnh phía Bắc đang đô thị hóa quá nhanh, đẩy dần đàn bò sữa dời khỏi các vùng này. Trong sự dịch chuyển ấy, Hà Nam nổi lên như một tỉnh nuôi bò sữa tiềm năng.