Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vì sao 32.000 tấn tôm cá Việt bị trả về

Vì sao 32.000 tấn tôm cá Việt bị trả về
Ngày đăng: 02/11/2015

Việt Nam là nước có nhiều lô hàng xuất khẩu thủy sản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, chứa mầm bệnh và buộc trả về nước tại hầu hết thị trường.

Tính từ năm 2014 đến nay đã có gần 32.000 tấn hàng bị trả về.

Riêng chín tháng đầu năm nay, Việt Nam có đến 582 lô hàng bị 38 nước trả hàng về, trung bình mỗi công ty có năm lô hàng bị trả về.

Cá biệt có một công ty có đến 54 lô hàng bị trả về, một công ty khác số lô hàng bị trả về lên tới 70.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tam đã báo động đỏ như trên đối với thủy sản Việt Nam tại hội nghị “Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu” ngày 29-10 tại TP.HCM.

Mất nhiều thị trường vì sản phẩm bẩn

Tại hội nghị, các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thủy sản thừa nhận các lô hàng bị trả về chủ yếu do nguồn nguyên liệu không sạch và hiện nay kiếm con tôm, con cá nuôi sạch còn… khó hơn tìm con tôm, cá bẩn.

Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), phải thốt lên: “Chưa bao giờ môi trường ở ĐBSCL lại tệ như bây giờ.

Môi trường quá bẩn, sông ngòi đều nhiễm chất thải.

Đặc biệt là con tôm, từ đầu năm đến nay, nhiều loại dịch bệnh bùng phát.

Người nuôi bắt buộc phải tăng lượng kháng sinh, thuốc thú y để giảm thiệt hại.

Họ dùng thuốc kháng sinh tá lả không kiểm soát khiến DN thu mua đều dính nguồn nguyên liệu bẩn”.

Theo ông Lực, hiện nay phần lớn cá tra đều do DN tự nuôi nên có thể kiểm soát được thức ăn, thuốc kháng sinh, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch.

Còn con tôm thì chủ yếu nuôi nhỏ lẻ vì vốn đầu tư cao, mất nhiều diện tích nên DN không đủ tiền.

Vì vậy tôm nguyên liệu nhiễm kháng sinh, mầm bệnh nhiều.

“Thuốc thú y được quảng cáo, bán tràn lan khiến người nuôi không biết đâu là thuốc có thể sử dụng được và không để lại tồn dư kháng sinh cấm trong con tôm” - ông Lực ca thán.

Tiếp lời, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, nói kết luận của cơ quan quản lý rằng do khâu nuôi trồng (khiến sản phẩm bị bẩn - PV) là không thuyết phục.

Ông Lĩnh chỉ ra nguyên nhân: “Kháng sinh bán tràn lan, cộng thêm tôm bệnh… nhưng không ai hỗ trợ nông dân.

Dịch bệnh tôm đã xảy ra mấy năm nay nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa tìm được liều thuốc phòng trị nên tỉ lệ nuôi tôm thành công ở Việt Nam chỉ được 30%-35%, trong khi Ấn Độ, Thái Lan trên 70%.

Giá thành tôm Việt Nam luôn cao hơn các nước xuất khẩu khác 1-3 USD/kg.

Và để giảm giá thành, nhiều DN tăng cường sử dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi trồng, bảo quản tôm”.

Hệ quả, theo ông Lĩnh, dù giảm được một phần nhỏ giá thành nhưng lại khiến chất lượng tôm Việt Nam giảm đi rất nhiều, rủi ro bị trả về lớn hơn.

Thậm chí DN mất nhiều thị trường quan trọng.

“Tôm thu mua thì nhiễm chất cấm, ngày càng khan hiếm nguyên liệu.

Vì thế chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ Ấn Độ về chế biến xuất khẩu” - ông Lĩnh cho biết thêm.

Thưởng cho người phát hiện chất cấm

Theo ông Hồ Quốc Lực, hiện nay những DN kiểm soát được nguyên liệu thủy sản xuất khẩu là nhờ xây dựng vùng nuôi.

Cụ thể với các hộ nuôi nhỏ lẻ, DN chủ động liên kết lại thành những tổ hợp tác với vùng nuôi 50-70 ha trở lên, sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP).

“Đến giờ chúng tôi đã có 10 tổ hợp, qua đó không chỉ kiểm soát được chất kháng sinh mà còn tăng được năng suất.

Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng nhiều hơn mô hình này” - ông Lực nói.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tôm sạch siêu thâm canh trong nhà kính, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt-Úc, nói mỗi năm nuôi tôm được ba vụ, tổng năng suất có thể lên đến 100 tấn/ha/năm.

“Không chỉ năng suất cao mà tôm thương phẩm còn đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn do quy trình nuôi không sử dụng kháng sinh, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất trên thế giới” - ông Tuấn chia sẻ kinh nghiệm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh để có thủy sản sạch thì chính DN phải kiểm tra được nguồn nguyên liệu, xây dựng liên kết vùng nuôi.

Bộ sẽ có chính sách hỗ trợ phát triển những mô hình sản xuất sạch của DN.

“Đề nghị Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản và các địa phương, DN lập danh mục những DN bị cảnh báo ở thị trường nước ngoài.

Từ đó phân loại và tăng tần suất kiểm tra đối với DN có nhiều lô hàng bị cảnh báo, trả về” - ông Tám chỉ đạo.

Ông Tám cũng cho hay Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công an lập đoàn thanh tra tập trung xử lý nghiêm một số đường dây buôn lậu vật tư nông nghiệp, kháng sinh cấm.

“Bộ cũng sẽ treo giải thưởng cho tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về đường dây buôn lậu và kinh doanh chất cấm, kháng sinh xuống các vùng nuôi, đồng thời công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin” - Thứ trưởng cho biết.

Nhiều nước “dọa” ngưng nhập thủy sản Việt

Chín tháng đầu năm nay, có 27 lô hàng xuất sang Nhật Bản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, tăng sáu lô so với năm 2014.

Số lô hàng bị cảnh báo chỉ tiêu kháng sinh cấm vượt ngưỡng cho phép tăng 2,5-3,7 lần so với năm 2014 (tùy từng chất cấm).

Nhật đã áp dụng chế độ kiểm tra chặt và có thể áp dụng biện pháp đình chỉ nhập khẩu nếu tình hình không cải thiện.

EU cũng cảnh báo 27 lô hàng thủy sản Việt Nam nhiễm kháng sinh và đã có văn bản nêu rõ 24 DN nếu không cải thiện sẽ áp dụng biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt.

Với thị trường Mỹ, số lô hàng cá biển, tôm vi phạm chỉ tiêu kháng sinh là 35, tăng sáu lần so với năm 2014.

Úc cũng cho biết sẽ ngừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam nếu tỉ lệ vi phạm dư lượng kháng sinh gia tăng.

Tiêu điểm

Chín tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu 34.000 tấn tôm nguyên liệu từ 20 nước để chế biến xuất khẩu, hơn 80% từ Ấn Độ.


Có thể bạn quan tâm

Khuyến Khích Đóng Tàu Dịch Vụ Hậu Cần Nghề Cá Khuyến Khích Đóng Tàu Dịch Vụ Hậu Cần Nghề Cá

Trước yêu cầu này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá không liên quan đến đánh bắt, khai thác hải sản nên vẫn khuyến khích bà con, doanh nghiệp đầu tư, còn tàu đánh bắt xa bờ thì phải phát triển đúng quy hoạch để bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

31/01/2015
Sẽ Siết Chặt Quản Lý Giống Cá Tra Trong Năm 2015 Sẽ Siết Chặt Quản Lý Giống Cá Tra Trong Năm 2015

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2014, vùng ĐBSCL có hơn 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, trên 4.000 hộ ương dưỡng với diện tích hơn 2.250ha, sản lượng sản xuất được hơn 2,0 tỷ con cá giống. Ngoài ra, tính đến nay, tổng số cá tra bố mẹ chất lượng cao do viện II cung cấp cho các tỉnh đạt 105.423 con tuy nhiên tỷ lệ hao hụt khá cao lên đến 22%, một số địa phương tỷ lệ thất thoát cao như Vĩnh Long, An Giang.

31/01/2015
Hấp Dẫn Gà “Tiến Vua” Hấp Dẫn Gà “Tiến Vua”

“Gà “tiến vua”có đôi chân rất to, sần sùi, da đỏ hồng, dáng vẻ oai vệ, khi trưởng thành gà trống có thể nặng đến 4,5kg. Đây là giống gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) thường được dùng để “tiến vua” ngày xưa” - ông Nguyễn Văn Bộ (ấp Hà Bao 1, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết.

31/01/2015
Thông Tin Về Sữa Ế Tại Xã Phù Đổng, Huyện Gia Lâm, Hà Nội Đã Bước Đầu Thu Mua Ổn Định Thông Tin Về Sữa Ế Tại Xã Phù Đổng, Huyện Gia Lâm, Hà Nội Đã Bước Đầu Thu Mua Ổn Định

Như tin báo Kinh tế & Đô thị đã đưa, tình trạng sữa tươi sản xuất ra không tiêu thụ hết tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội và một số địa phương khác đã khiến cho người chăn nuôi lo lắng. Ngày 12/1, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội (Sở NN&PTNT) đã có buổi làm việc với các hộ sản xuất và DN để tìm hướng tháo gỡ. Đến nay, tình hình thu mua sữa đã bước đầu đi vào ổn định.

31/01/2015
Tập Trung Cấy Xong Trong Tháng 2 Tập Trung Cấy Xong Trong Tháng 2

Đối với lúa vụ xuân 2015, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc chỉ đạo nông dân gieo mạ trà lúa xuân muộn xung quanh tiết Lập xuân (4/2) và cấy xong trong tháng 2/2015. Đối với lúa gieo thẳng tập trung gieo từ 10 - 25/2 (trước hoặc ngay sau Tết Âm lịch, tùy theo nhóm giống) để đảm bảo thời gian lúa trỗ thuận lợi nhất.

31/01/2015