Bình Định khó phát triển vùng nguyên liệu mía
Diện tích mía ngày càng thu hẹp
Theo Quyết định số 478/2011 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu mía thâm canh của tỉnh, đến năm 2020 tại Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, thị xã An Nhơn, Phù Cát có diện tích mía 6.000 ha. Trong đó, huyện Tây Sơn 2.700 ha (diện tích mía mở rộng là 1.661 ha); Vân Canh 1.200 ha (mở rộng 998 ha); Vĩnh Thạnh 785 ha (mở rộng 416 ha); Phù Cát 640 ha (mở rộng 416 ha) và thị xã An Nhơn 675 ha (mở rộng 415 ha). Các địa phương và Công ty cổ phần Đường Bình Định (BISUCO) đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện đề án nói trên, song vì nhiều lý do khác nhau, nông dân đã phá bỏ mía chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, khiến cho diện tích mía nguyên liệu tại các địa phương giảm mạnh.
Ông Võ Đình Bảy, ở thôn Tả Giang 2, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn), cho biết: Trồng mía rất vất vả, lại phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, nên thu nhập thấp và không ổn định. Năm nào mưa thuận gió hòa, cây mía phát triển tốt thì còn có lãi chút đỉnh, nếu gặp nắng hạn kéo dài như năm nay thì cả làng cùng buồn. Riêng gia đình tôi có hơn 5 sào mía, nhưng có khoảng 40% diện tích đã bị chết do nắng hạn, diện tích còn lại thì èo uột. Vụ ép mía tới chắc chắn gia đình tôi thất thu rồi.
Theo phân tích của bà con nông dân ở Tây Giang, mức đầu tư bình quân cho 1 ha mía khoảng 33,3 triệu đồng, nếu năng suất đạt 56 tấn, bán với giá 900 ngàn đồng/tấn, thu nhập 50,4 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, còn lãi trên 17 triệu đồng/năm. Trong khi đó, trên cùng một diện tích nhưng sản xuất mì và đậu phụng, chi phí thấp hơn nhiều so với trồng mía, nhưng lãi ròng cao hơn từ 19,6 đến 22 triệu đồng/ha. Do vậy, nông dân phá bỏ mía chuyển sang trồng các loại cây trồng khác cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, việc mua mía, trả tiền mía của BISUCO quá chậm khiến nông dân bất bình và không muốn duy trì loại cây trồng này.
Nói về tương lai cây mía ở Tây Sơn, ông Hồ Thành Phi, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, cho biết: Hàng năm, Tây Sơn vẫn có kế hoạch duy trì và phát triển vùng nguyên liệu mía, nhưng không thực hiện được, bởi hiệu quả kinh tế cây mía thấp, trong khi đó BISUCO chưa thực sự quyết tâm trong đầu tư phát triển diện tích mía nguyên liệu. Hiện toàn huyện chỉ còn trên 800ha mía, giảm gần 1/2 diện tích so với cùng kỳ năm trước. Đã từ lâu, lãnh đạo BISUCO không hề liên hệ với ngành Nông nghiệp huyện để bàn giải pháp duy trì diện tích mía. Chúng tôi cũng không biết chính sách đầu tư của BISUCO trong vụ trồng mía năm nay như thế nào.
Không riêng gì Tây Sơn, diện tích mía ở Vĩnh Thạnh, An Nhơn, Vân Canh cũng giảm mạnh. Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, năm 2014, diện tích vùng nguyên liệu mía của BISUCO trên địa bàn tỉnh là 1.621 ha, giảm 1.200 ha so với năm trước. Niên vụ 2014-2015, BISUCO không thực hiện chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía nên diện tích mía nguyên liệu tại các địa phương tiếp tục giảm, hiện chỉ còn 1.200 ha.
BISUCO cần thực sự quyết tâm
Ông Nguyễn Văn Trượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Hiện nay, tỉnh ta đã điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía phù hợp với điều kiện thực tế. Theo QĐ số 2663/QĐ-UBND ngày 28.7.2015 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển ngành trồng trọt của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó quy hoạch cây mía là cây trồng bổ sung diện tích đến năm 2020 là 3.500 ha và ổn định đến năm 2030. Vai trò chính trong phát triển vùng nguyên liệu theo quy hoạch là BISUCO, ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp các giải pháp nâng cao năng suất cây trồng.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Trượng, để thực hiện được mục tiêu nói trên, BISUCO phải quyết tâm thực sự trong đầu tư xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu mía trong tỉnh. Trước hết, BISUCO cần xác định những vùng nguyên liệu mía tập trung để đầu tư cơ sở hạ tầng (hệ thống tưới tiêu, trạm cung cấp mía giống, dịch vụ kỹ thuật), áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh, tạo bước chuyển biến mạnh trong việc nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và hiệu quả đối với sản xuất cây mía.
Mặt khác, BISUCO cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung kịp thời chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía, trong đó xem xét nâng mức đầu tư phù hợp nhằm khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi một số cây trồng khác sang trồng mía nguyên liệu. Tiếp tục củng cố về mặt tổ chức và đổi mới công tác quản lý hoạt động các trạm thu mua và phát triển nguyên liệu mía tại các địa phương. Tăng cường công tác khảo nghiệm, chọn lọc các giống mía có năng suất cao, chất lượng tốt để nhân rộng sản xuất.
Sở NN&PTNT sẽ phối hợp cùng Ban chỉ đạo, tổ chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu mía, chính quyền các cấp vận động nông dân trồng mía theo diện tích đã quy hoạch. Sở cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương và BISUCO hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật trồng mía phù hợp với điều kiện canh tác ở từng vùng. UBND các huyện, thị xã trong vùng nguyên liệu cũng cần chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các xã trong vùng nguyên liệu phối hợp với BISUCO tổ chức họp dân ở những vùng quy hoạch trồng mía và vận động nhân dân trồng mía trên diện tích đã quy hoạch. Tăng cường chỉ đạo các địa phương tập trung thâm canh mía ở những diện tích có điều kiện nước tưới. Chỉ đạo nhân rộng mô hình trồng mía hàng đôi; mô hình trồng mía xen canh với cây họ đậu, xây dựng cánh đồng mẫu lớn trồng mía.
Có thể bạn quan tâm
Đến thời điểm này, những hộ nông dân trồng củ sắn (củ đậu) ở 4 ấp thuộc xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung - Sóc Trăng) đạt lợi nhuận gần 50 triệu đồng/công sau khi trừ chi phí. Đây được xem là “mùa vàng” với người trồng củ sắn ở xã An Thạnh Đông khi giá bán đạt... “kỷ lục” 7.000 đồng/kg!
Người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu (Phú Yên) cho biết, hiện giá tôm hùm thương phẩm xuống thấp, chỉ còn 1,2 triệu đồng/kg, giảm 200.000 đồng/kg so với đầu tháng 3 và giảm 600.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2015. Giá tôm xuống thấp khiến người nuôi hòa vốn hoặc lãi ít sau gần 2 năm nuôi.
Hướng tới việc khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao và bền vững, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đề ra nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất trên biển, đồng thời thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020.
Nghề nuôi cá nước chảy có ở hầu khắp các xã huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), nhưng chỉ mang tính nhỏ lẻ, mỗi xã lác đác có khoảng chục hộ nuôi. Ở xã Tình Húc nghề nuôi cá nước chảy phát triển quy mô hơn bởi ở đây có nhiều đồi sườn dốc thoai thoải, có khe nước chảy qua thích hợp với nghề nuôi cá nước chảy.
Những ngày gần đây, khi nhiều vùng dưa hấu trong tỉnh Hải Dương đang chuẩn bị được thu hoạch thì gặp mưa lớn liên tiếp, thiệt hại cả về năng suất, chất lượng và giá bán.