Biện Pháp Phòng Trừ Sâu Năn Hại Lúa
Sâu năn (muỗi hành) hoạt động mạnh, giao phối và đẻ trứng về đêm, mỗi con cái có thể đẻ từ 100-200 trứng.
Ầu trùng mới xâm nhập vào điểm sinh trưởng làm cho gốc dảnh lúa tròn và to lên. Ấu trùng ăn tại điểm sinh trưởng làm cho đọt lúa phát triển thành ống như lá hành, có màu xanh nhạt, phía đầu ống tròn được bịt kín bắng một nút cứng do mô lá tạo thành. Ống tròn có thể dài bằng lá dễ nhận hoặc rất ngắn khó phát hiện. Dảnh lúa bị biến thành ống hành sẽ không trỗ bông được nhưng có thể mọc thêm chồi mới để bù lại.
Thời kỳ mạ sâu năn đẻ rải rác trên các phiến lá ở gié, thời kỳ lúa đẻ nhánh chúng đẻ trên bẹ lá, cách mặt nước 30 cm. Trứng hình bầu dục dài, bề mặt trơn bóng, mới đẻ màu trắng sữa, sau chuyển sang màu đỏ tím.
Nhộng của sâu năn có thể di chuyển lên xuống trong ống hành. Nhộng có màu da cam, đỉnh đầu có một đôi gai, lúc sắp hóa nhộng muỗi hành chuyển lên trên ngọn chui nửa mình ra, lột vỏ nhộng để lại trên đầu ống hành. Sâu non có 3 tuổi, màu trắng sữa, dịch cơ thể màu hồng nhạt. Mặt bụng ngực trước có một mẩu cứng chẻ đôi.
Sâu năn phá hại lúa từ giai đoạn mạ đến giai đoạn cuối đẻ nhánh, khi bị tấn công đỉnh sinh trưởng biến dạng thành “cọng hành” (hay còn gọi ống hành). Khi ống hành đã vươn ra ngoài cũng là lúc sâu non đã hóa nhộng. Cần phân biệt triệu chứng thiệt hại do sâu đục thân và sâu năn.
Với sâu đục thân đọt lúa cuốn tròn có màu xanh lúc đầu, sau đó những đọt này héo khô, nắm kéo lên thì đứt ra ngay, đó là do sâu ăn phá đọt non làm dưỡng chất và nước không di chuyển lên nuôi đọt được. Với sâu năn là những ống tròn màu xanh lá cây nhạt, đó là bẹ lá bị biến dạng, phiến lá chỉ là một mảnh nhỏ ở đầu ống, nắm kéo lên không đứt, những ống này không chết đi nhưng làm chồi bị nhiễm không trổ bông được, những bụi lúa bị nhiễm lùn, đâm nhiều chồi, lá xanh thẫm, ngắn, dựng đứng, có nhiều cọng lúa giống như cọng hành lẫn trong bụi lúa.
Nhiệt độ ấm nóng và độ ẩm cao là điều kiện thích hợp cho sâu năn phát sinh phát triển. Những năm mưa nhiều, có sương mù sâu năn phát sinh phát triển mạnh; miền núi bị sâu năn phá hại nặng hơn đồng bằng; ruộng lúa đủ nước bị phá hại nặng hơn ruộng hạn. Sâu năn gây hại trong vụ mùa nặng hơn vụ xuân và mùa sớm nặng hơn mùa muộn. Bón phân không cân đối cũng là nguyên nhân để sâu gây hại.
Biện pháp phòng trừ
- Dùng giống kháng sâu năn.
- Vệ sinh đồng ruộng, gieo cấy thời vụ đồng loạt.
- Bón đạm vừa phải, đúng lúc để lúa đẻ nhánh tập trung. Thay nước ruộng khi phát hiện trên ruộng có dảnh bị hại.
- Sâu năn có nhiều loại thiên địch, nhất là loài ong ký sinh trên sâu non. Thường sau một đợt sâu năn phát sinh rộ mật độ ký sinh cũng tăng làm giảm hẳn mật độ sâu của lứa sau do đó khi sử dụng thuốc phòng trừ cần chú ý đặc điểm này.
- Dùng thuốc hoá học dạng hạt để rải cho ruộng mạ hoặc nhúng rễ mạ vào dung dịch thuốc trước khi cấy. Khi phát hiện có nhiều dảnh bị hại có thể rải thuốc hạt để phòng trừ.
Có thể bạn quan tâm
Tháng 2 sau cấy còn có rét, đặc biệt có 1 – 2 đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cây lúa. Để chủ động giành vụ xuân thắng lợi
ĐBSCL là vùng trọng điểm SX tôm nước lợ của cả nước, tương ứng chiếm trên 90% diện tích và 80% sản lượng.
Đến thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng những ngày này dễ dàng bắt gặp hình ảnh cánh đồng lúa đặc sản rộng lớn, vàng bông, trĩu hạt.
Biện pháp tiết kiệm nước cần được thực hiện trong 3 giai đoạn (trước trỗ, lúa trỗ và sau trỗ). Để theo dõi nước trong ruộng ta có thể sử dụng ống đo nước.
Để sản xuất vụ xuân đạt hiệu quả, nông dân cần chú ý phòng trừ một số đối tượng dịch hại chính như sau: