Bè Cá Gặp Nguy Trước Dòng Nước Xiết
Lúc 15 giờ 10 phút ngày 15-10-2013, tại địa bàn ấp Phước Thọ, xã Đa Phước (An Phú), hàng loạt bè cá của người dân bị dòng nước lũ cuốn trôi và nhấn chìm (tại khu vực gần cầu Cồn Tiên). Phóng viên Báo An Giang đã có mặt tại hiện trường để tìm hiểu vụ việc.
Là người trực tiếp ứng cứu vụ việc, Trung úy Nguyễn Mạnh Long, cán bộ Phòng Phòng chống tội phạm về ma túy (Bộ đội biên phòng An Giang) thông tin: “Thời điểm trên, nhận được lệnh từ cán bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, chúng tôi cùng 20 cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ Chỉ huy phối hợp địa phương nhanh chóng ứng cứu tại hiện trường.
Lực lượng tiến hành chằng chéo, kéo bè sát vào bờ, bơm nước ra khỏi bè, khắc phục hậu quả, thu dọn đồ đạc… cho người dân. Tuy nhiên, khó khăn nhất là chúng tôi không đủ phương tiện cần thiết, trong khi áp lực nước lại quá mạnh, cuốn trôi mọi thứ trên sông. Lực lượng cũng đã làm hết khả năng có thể, cố gắng đảm bảo phần tài sản còn lại cho nhân dân”.
Thiệt hại nặng nề nhất là hộ gia đình ông Lê Thanh Bình (sinh năm 1962). Với gương mặt thất thần, ông nhớ lại: “Thời điểm ấy, chúng tôi phát hiện 3 chiếc bè khác đang trôi về phía bè mình. Nhưng do dòng nước quá mạnh, mọi người không biết trở tay thế nào cho kịp.
Tôi vội lấy chiếc ghe máy chạy ra, cùng các phương tiện khác cản chiếc bè đang trôi. Chiếc ghe máy chìm hẳn, còn chiếc bè vẫn tiếp tục tiến tới uy hiếp hàng chục bè cá khác. Cuối cùng, một chiếc bè lớn, một chiếc bè nhỏ và một ghe chứa 3 tấn cám, cùng khoảng 50.000 con cá bụng, cá he, mè vinh… của tôi đều chìm dưới mặt nước. Chưa kể, các vật dụng khác như tivi, điện thoại, đầu đĩa… đều chìm theo.
Cả nhà tôi chỉ biết đứng nhìn toàn bộ tài sản mình tạo dựng được mấy chục năm qua nằm lại dưới lòng sông sâu. Hai bè cá hiện tại của tôi còn giữ được là do nhanh chóng cắt dây neo, nên chỉ bị trôi, sạt chứ không bị chìm. Sáng nay, tôi mướn thợ đóng cây tó để gia cố lại bè, cố gắng chịu đựng qua mùa nước lũ rồi từ từ tính tiếp”. Đứng bên cạnh, bà Hà Ngọc Thạnh (48 tuổi, vợ ông Bình) khóc nức nở: “Nhìn bè chìm mà tôi muốn ngất xỉu! Toàn bộ vốn liếng đã mất hết, giờ chúng tôi thật sự trắng tay.
Chỉ biết nhờ cậy vào sự giúp đỡ của Nhà nước để chúng tôi có ít vốn, bắt đầu lại từ đầu”. Tại hiện trường, một chiếc bè và một chiếc ghe máy của họ đã chìm hẳn vào dòng nước, một chiếc bè khác đang ngập hơn phân nửa, chỉ còn lại phần mái tôn. “Chẳng có cách nào vào lấy đồ ra hết. Cả thợ lặn cũng ngán ngại con nước. Chiếc bè hiện giờ vẫn đang từ từ chìm” – ông Bình nhìn về phía tài sản của mình, buồn bã.
Bà Dương Thị Ngọc Lý (50 tuổi) vẫn còn chưa hết lo lắng: “May mắn là sự việc xảy ra vào ban ngày, chứ nếu xảy ra ban đêm thì chúng tôi đành chịu chết! Sống trên sông nước cả đời, lần đầu tiên chúng tôi thấy sự cố kinh khủng như thế này. Nước mạnh cuốn xiết phía dưới, còn các bè cá va đập vào nhau nghe rôm rốp, tiếng tôn và tiếng gỗ bị phá hủy nghe rất đáng sợ. Dù bè của tôi không bị ảnh hưởng, nhưng tôi vẫn không thể yên tâm, đành kêu con cháu tiếp kéo bè vào sát bờ. Thà để bè tự trôi lênh đênh trên mặt nước, còn hơn bị chìm”.
Tuy nhiên, theo bà Lý, người dân vẫn chưa hoàn toàn yên tâm, dù đã chằng chéo bè cá suốt ngày 16-10, bởi nguy cơ chiếc bè của ông Bình chìm xuống, cuốn theo những sợi dây chằng của các bè khác (người dân chằng dây từng bè độc lập, nhưng khi có sự cố, các bè vẫn ảnh hưởng đến nhau như hiệu ứng domino – PV). “Người dân sống trên bè rất muốn được lên bờ để sinh sống, nhưng không có điều kiện mua đất. Tôi rất mong Nhà nước có giải pháp hỗ trợ người dân trong vấn đề này, chứ sau vụ việc, ai cũng phập phồng lo sợ lại xảy ra sự cố” - bà Dương Thị Ngọc Lý tâm sự.
Chủ tịch UBND xã Đa Phước Lê Huệ Yến cho biết, theo thống kê, ngày 16-10, có 5 hộ dân bị ảnh hưởng, tài sản thiệt hại gồm 14 bè cá và 1 ghe (trong đó, 8 bè và 1 ghe bị chìm, 6 bè bị trôi). Đặc biệt, có bè bị trôi cách xa 2km về hướng xã Hòa Lạc (Phú Tân) và Khánh Hòa (Châu Phú).
Tổng mức thiệt hại vẫn chưa thể ước tính được, do người dân còn bàng hoàng vì vụ việc, đang tập trung khắc phục hậu quả. Nhưng chắc chắn, con số thiệt hại sẽ vượt qua mức 1 tỷ đồng. “Chúng tôi đã báo cáo UBND huyện xin chủ trương, hướng khắc phục thiệt hại cho bà con.
Trước mùa lũ, địa phương đã tích cực tuyên truyền về phòng tránh lũ, về phía người dân cũng chủ động ứng phó với lũ. Tuy nhiên, mọi người không ngờ dòng nước lũ lại mạnh đến vậy. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên cấp trên xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ, giải quyết nhu cầu về đất ở cho người dân, đặc biệt ở khu vực trên sông” – bà Lê Huệ Yến cho biết.
Để ra được nơi bị nạn, chúng tôi phải thuê chiếc xuồng nhỏ làm phương tiện di chuyển. Người phụ nữ chèo xuồng một cách vất vả trước dòng nước cuốn xiết, xoáy ùng ục dưới chân các bè cá. Chị cho biết, dòng nước hôm nay đã “hiền” hơn nhiều so với hôm qua. Xung quanh khu vực, nhiều hộ dân đang tiến hành gia cố lại các bè cá. Hầu như cả buổi sáng 16-10, họ chẳng còn tâm trí để làm gì khác ngoài việc kiểm tra toàn bộ tài sản, chằng chéo các sợi dây.
Có thể bạn quan tâm
Hiện tại, không thiếu mô hình doanh nghiệp (DN) liên kết với nông dân trong sản xuất, bao tiêu nông sản. Nhưng trong thực tế, nhiều mô hình liên kết này thiếu tính bền vững. Nông dân sẵn sàng phá vỡ cam kết bán sản phẩm ra ngoài khi giá thị trường cao hơn, DN không thực hiện đúng các cam kết trong bao tiêu khi thị trường bất lợi.
Trong nuôi trồng thủy sản, nếu môi trường không được xử lý tốt sẽ bị ô nhiễm bởi lượng thức ăn dư thừa, xác chết, chất thải của các đối tượng nuôi…
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc vừa chỉ đạo Sở TN-MT, UBND các huyện Đông Hòa, Tuy An, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa xử lý nghiêm việc lấn chiếm đất nuôi tôm trái phép.
UBND tỉnh vừa quyết định phân bổ hơn 13 tỉ đồng để các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trong năm 2014.
Không chỉ phát triển về số lượng, 3 năm qua, phong trào nông dân SXKDG Đại Lộc còn phát triển cả về chất lượng khi số hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh và trung ương chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng số hộ đạt danh hiệu các cấp (chiếm 268/9.601 hộ).