Mùa Vàng Trên Cánh Đồng Màu Xã Tân Hòa (Đồng Tháp)

Sau gần 10 năm bén rễ trên đất Lai Vung (Đồng Tháp), diện tích trồng cây dưa lê của toàn huyện không ngừng tăng lên. Ban đầu chỉ vài hecta, đến nay diện tích trồng dưa lê của huyện đã tăng lên 120 ha, dự kiến trong năm tới diện tích trồng dưa lê sẽ tiếp tục được mở rộng. Nhờ làm tốt công tác liên kết tiêu thụ, giá cả hợp lý nên những năm qua, nhiều gia đình cải thiện được thu nhập và thoát nghèo nhờ trồng dưa lê.
Năm 2014, diện tích trồng dưa lê toàn huyện khoảng 120ha, tăng gấp 3 lần so với năm 2013 và gấp 10 lần so với năm 2012. Diện tích trồng dưa lê tập trung chủ yếu ở vùng màu xã Tân Hòa với 113ha, còn lại rải rác ở xã Định Hòa và Vĩnh Thới. Hiện tại, nông dân đã thu hoạch được trên 25ha dưa lê, diện tích còn lại sẽ được thu hoạch từ nay đến giáp Tết, năng suất bình quân ước đạt từ 2,5 - 4 tấn/công (1.000m2).
Ông Nguyễn Viết Dều cán bộ nông nghiệp xã Tân Hòa, có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lê cho bà con nông dân cho biết: “Thời tiết năm nay tương đối thuận lợi cho dưa lê phát triển, năng suất ổn định hơn so với năm rồi. Tuy nhiên, có khoảng 5ha trồng vào thời điểm đầu tháng 8 âm lịch bị ảnh hưởng từ nhiều đợt mưa nên một số bệnh do vi khuẩn và nấm bệnh tấn công, làm cho trái dưa bị xì, chết dây, ảnh hưởng đáng kể đến năng suất. Còn lại diện tích gieo trồng từ khoảng rằm tháng 9 trở về sau thì phát triển thuận lợi, năng suất thu hoạch cũng cao hơn so với những ruộng dưa trồng vào giai đoạn đầu”.
Hiện nay, dưa lê của vùng màu huyện Lai Vung chủ yếu được Công ty Hồng Huế (tỉnh Tiền Giang) và Công ty Hoàng Vinh (TP.Hồ Chí Minh) bao tiêu với mức giá ổn định, bà con nông dân rất hài lòng với chương trình liên kết bao tiêu với doanh nghiệp và mong muốn được mở rộng diện tích trồng vào những mùa tiếp theo.
Theo thông tin từ UBND xã Tân Hòa, nếu thị trường tiếp tục ổn định, Công ty Hồng Huế sẽ tiếp tục bao tiêu thu mua sản phẩm dưa lê cho bà con trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ngoài diện tích hiện tại, UBND xã dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng dưa lê cho bà con nông dân khi Công ty ký hợp đồng mới.
Ông Nguyễn Văn Luôn ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa chia sẻ: “Năm nay tôi trồng thử nghiệm 1,5ha dưa lê, không ngờ được trúng mùa, năng suất đạt trên 3 tấn/công. Dưa lê không phải là loại cây dễ trồng, thời gian đầu gia đình tôi trồng dưa lê cũng bị trục trặc do một số nấm bệnh tấn công, nhưng nhờ anh Dều kịp thời hướng dẫn nên tôi khắc phục được.
So với trồng lúa thì trồng dưa lê lợi nhuận cao hơn gấp 10 lần. Điều tôi an tâm và hài lòng nhất là doanh nghiệp thu mua với mức giá cố định, vì vậy tôi chỉ việc chú tâm lo canh tác để dưa lê đạt năng suất cao, còn chuyện bán khi thu hoạch thì không phải lo”.
Bà con nông dân trồng dưa lê ở vùng màu huyện Lai Vung chia sẻ, bí quyết để trồng dưa lê đạt năng suất cao, màu sắc đẹp, đồng đều, tỷ lệ trái loại I và loại II cao, ngoài áp dụng các biện pháp kỹ thuật thì treo trái là yếu tố hết sức quan trọng tác động đến màu sắc và kích cỡ của trái. Dưa lê khoảng 35 ngày tuổi nông dân có thể tiến hành treo trái.
Được biết, đây là kỹ thuật được nông dân vùng màu tự đúc kết trong quá trình sản xuất. Biện pháp này giúp hạn chế tối đa tình trạng dưa lê bị nứt trái do mưa nhiều, trái dưa có thể quang hợp tốt nên màu sắc đẹp và đồng đều hơn so với trồng thông thường.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 14-11, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) vừa ra quyết định cuối cùng về việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra - ba sa nhập khẩu từ VN sau khi rà soát thuế lần thứ hai đối với mặt hàng này từ tháng 6-2014.

Hiện công ty này đang phân phối nhãn từ Thái Lan cho các hệ thống bán lẻ tại Anh và mong muốn đưa trái nhãn VN vào thị trường này. Tuy nhiên, để xuất khẩu vào Anh nói riêng và châu Âu nói chung thì nhà vườn cần làm theo tiêu chuẩn Global GAP.

An Giang vừa quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao, kèm theo chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và chế biến các loại dược liệu tại vùng Thất Sơn.

Như vậy, nếu ước tính hiệu suất sử dụng các loại phân bón trung bình khoảng 45-50%, có nghĩa lượng phân bón bị thất thoát ra môi trường hoặc bị cố định trong đất, cây trồng không sử dụng được chiếm 50-55% (tương đương trên 5 triệu tấn) thì mỗi năm ngành nông nghiệp đã lãng phí khoảng 40-44 nghìn tỷ đồng.

Niên vụ cà phê 2013 – 2014, tỉnh Đắk Lắk đã thu được những thành công nhất định, khi cả năng suất, sản lượng cà phê đều tăng cao, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng nhẹ sau 4 năm liên tục sụt giảm. Diện tích cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã vượt mốc 203.500 ha, năng suất bình quân mỗi ha xấp xỉ 2,5 tấn, tổng sản lượng cà phê nhân xô trên 460.000 tấn, tăng 50.000 tấn so với niên vụ trước.