Trồng Cam, Quýt Mỗi Năm Thu Về Trên 250 Triệu Đồng

Cam, quýt được xem là loại cây khó tính, nhạy cảm với bệnh hại tấn công, nhiều vườn cây phải đốn bỏ. Tuy nhiên, không ít nông dân trồng cam, quýt làm giàu, vườn cây xanh tốt, ít bị bệnh hại.
Anh Nguyễn Hiền Triết (xã Long Trị, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) có 6 công quýt đường, mỗi năm thu về trên 250 triệu đồng. Anh Triết cho biết, nhiều nhà vườn chú trọng quá nhiều vào phân hóa học, lâu ngày đất bị thoái hóa, nén dẽ. Qua các buổi tập huấn, anh dần chuyển sang ứng dụng hữu cơ cải tạo môi trường đất, biết vai trò quan trọng của vi sinh trong đất.
Từ lúc chuyển sang sử dụng phân hữu cơ sinh học, vi sinh và nấm Trichoderma, đất màu mỡ trở lại, sức khỏe vườn cây cải thiện. Anh tận dụng nguồn bã bùn, bã mía, rơm ở địa phương ủ với nấm Trichoderma bón vào đất. Với cách canh tác này, trái quýt thu hoạch ngon hơn, năng suất cao không kém canh tác hóa học.
Anh Triết đúc kết: “So với canh tác truyền thống dùng nhiều hóa học, nông dân tiết kiệm rất nhiều tiền mua thuốc, lợi nhuận còn tăng khoảng 15 - 20%”.
Anh Nguyễn Văn Hùng (xã Đồng Phú, H. Châu Thành, Hậu Giang) có 4 công cam sành, năm vừa rồi anh thu 30 tấn trái, bán được 690 triệu đồng, vườn cam vẫn xanh tốt. Anh Hùng cho biết, nhờ sử dụng nhiều phân hữu cơ, nấm Trichoderma mà hơn 2 năm cho trái, vườn cam cho năng suất cao mà cây vẫn khỏe mạnh. Cây cho nhiều trái, thu hoạch kéo dài, hạn chế bệnh hại, nhất là vàng lá thối rễ. Trái cam bóng đẹp, màu vàng sáng và ngọt.
Anh Hùng rất tự hào: “So với những hộ lân cận dùng nhiều phân hóa học, không sử dụng hữu cơ, vườn cam nhà tôi đẹp hơn nhiều, nhất là lái mua bao giờ cũng cao hơn 1.000 - 1.500 đồng/kg”. Anh Hùng chia sẻ kinh nghiệm: Giảm phân thuốc hóa học tiết giảm được chi phí trong canh tác, hạn chế dịch bệnh tấn công, tạo ra hệ sinh thái bền vững trong vườn. Lợi ích như vậy là nhờ hàng năm tôi dùng 3 tấn phân hữu cơ, kết hợp với chủng nấm, bổ sung thêm vôi, lân.
Tôi không diệt cỏ bằng thuốc hóa học vì sợ độc hại mà trồng cỏ rau trai chỉ, mùa mưa dùng máy cắt cỏ để cao khoảng 10 cm, mùa nắng để cao 20 cm. Tháng mưa chú ý giữ mực nước trong ao thấp hơn 80 - 90 cm so với mặt liếp. Nhờ áp dụng canh tác sinh học bền vững thay cho cách sử dụng nhiều phân thuốc hóa học như trước đây, tôi tiết kiệm chi phí khoảng 30% so với bà con xung quanh, tăng thêm lợi nhuận.
Ngoài quýt đường, cam sành, cây cam xoàn cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Với 4 công cam xoàn, năm vừa qua anh Dương Văn Do (xã Thạnh Xuân, H. Châu Thành A, Hậu Giang) thu về 350 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lời 300 triệu đồng. Chi phí thấp là nhờ anh biết áp dụng biện pháp canh tác, bón phân phù hợp, chỉ bón phân hóa học theo chu kỳ sinh trưởng, bón cân đối và bổ sung phân hữu cơ.
Sau khi cải tạo vườn cam cằn cỗi của cha mẹ cho, anh Lê Văn Sang (thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) lên Internet tìm hiểu trồng cam và trồng theo cách của mình. Liếp vườn nâng cao, cải tạo việc thoát nước thật tốt, vườn trồng cây phủ đất, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ. Mỗi năm bón 2 lần phân hữu cơ kết hợp Trichoderma, sử dụng phân sinh học tưới gốc 2 tháng/lần, chọn thuốc trừ sâu bệnh gốc sinh học hoặc ít độc.
Vườn cam của anh vừa thu hoạch vụ đầu được 5 tấn trái, thu về trên 150 triệu đồng. Anh Sang cho biết, dù mới cho trái nhưng rất ít trái sượng hay dày vỏ, cam ngọt nên chỉ bán cam ăn chứ không bán cam nước (trái nhỏ chỉ dùng vắt nước), mùa mưa vừa rồi, nhiều vườn cam xung quanh vàng lá thối rễ hư 30 - 60% nhưng vườn cam của anh Sang cây khỏe và rất xanh tốt.
Nếu lạm dụng nhiều phân, thuốc hóa học, trước mắt nhìn thấy cây xanh mướt, trái rất nhiều... nhưng “bạo phát, bạo tàn”, thuốc hóa học tổn hại rất lớn đến đất, cây và người sử dụng. Canh tác hữu cơ, sinh học dù chậm nhưng thấy rất bền, giảm rất nhiều sâu bệnh, ít tốn chi phí hơn. Đó cũng là cái lời của nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Trong tháng 10, diện tích nuôi thả cá tra trên toàn tỉnh Đồng Tháp là 138ha, sản lượng thu hoạch 36 ngàn tấn, tương đương cùng kỳ năm trước. Hiện giá cá tra ở mức 23.000 - 23.500 đồng/kg đối với cá kích cỡ 0,7 - 0,8kg/con. Mức giá này tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước và tương đương cùng kỳ năm trước.

Đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20 về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Tại tỉnh Cà Mau, tình trạng kinh doanh mặt hàng tôm có chứa tạp chất đã giảm đến 90% khi các công ty, xí nghiệp đồng loạt không thu mua các mặt hàng tôm chứa tạp chất.

Trong khi nhiều hộ nông dân còn đang loay hoay tìm kiếm mô hình sản xuất phù hợp thì không ít người đã tự tìm ra hướng đi mới, đem lại lợi nhuận kinh tế ổn định cho gia đình. Mô hình trồng rong sụn kết hợp với nuôi cá ngựa của nông dân Lê Văn Hoàng, ở phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) là một hướng mới.

Liên bang Nga sẽ nghiên cứu khả năng cung cấp cho Việt Nam vật liệu di truyền cá hồi có nguồn gốc Nga và đề xuất một số loại cá thích hợp để tiến hành nghiên cứu khả năng thích nghi của loài này tại Việt Nam.

Thời gian qua, chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Bình Dương phát triển khá nhanh. Chi cục Thú y tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tham quan các mô hình để giúp người dân chăn nuôi bò sữa nâng cao kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận...