Bắt ốc bươu vàng làm chơi ăn thật

Đến hẹn lại lên, khi những cánh đồng săm sắp nước cũng là lúc báo hiệu một mùa mưu sinh mới của rất nhiều hộ dân.
Do thời tiết bất lợi dẫn đến năng suất lúa không cao nên hầu hết người dân ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) không gieo sạ lúa vụ 3, thay vào đó là làm nghề bắt ốc bươu vàng, rồi đem luộc, lấy thịt bán cho các chủ vựa thu mua.
Từng là thứ bỏ đi hoặc chỉ để cho vịt, cá ăn vì nó gây hại cho mùa màng, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, ốc bươu vàng đột nhiên trở thành một loại hàng hóa đem lại thu nhập cho nhiều gia đình miền sông nước.
Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, mỗi ngày vợ chồng ông Võ Văn Đúp ở địa phương trên giành thời gian khoảng 5 tiếng đồng hồ để ra ruộng bắt ốc về bán. Theo ông, lượng ốc năm nay nhiều hơn các năm trước, song đa phần là ốc nhỏ nên 5 ký ốc mới nhể ra được 1 ký ốc thịt. Năm nay thời gian thu mua ốc bươu vàng sớm hơn và hầu như ở xóm này nhà nào cũng đi bắt ốc bán kiếm thêm thu nhập.
Vào thời điểm này năm trước giá ốc được các chủ vựa thu mua rất cao, mỗi ngày gia đình ông cũng kiếm được từ 400-500 ngàn đồng, nhưng năm nay giá giảm chỉ còn 11.000-12.000đ/ký, loại ốc bán được giá cao nhất cũng chỉ 15.000đ/ký. "Thấy kiếm sống được thì tôi làm chứ mình cũng không hỏi họ thu mua ốc rồi đem bán đi đâu”, ông Đúp cho biết thêm.
Do đang là mùa nước nổi nên môi trường thuận lợi để ốc bươu vàng phát triển, việc kiếm thêm thu nhập từ 150. 000 – 300.000đ/ngày với nông dân lúc này rất dễ dàng.
Tại các địa phương khác như Vị Thủy, Phụng Hiệp..., cũng có nhiều nông dân bắt ốc bươu vàng bán. Những địa phương không có điểm thu mua thì đều được các thương lái thu gom tận nhà, rồi chuyển đến các chủ vựa tiến hành sơ chế.
Ông Nguyễn Văn Út, thương lái thu mua ốc cho hay: “Cứ vào thời điểm tháng 7 là tôi bắt đầu đi thu gom ốc ở các địa phương về bán cho chủ vựa trên địa bàn thị xã Long Mỹ. Tôi thu mua của người dân với giá 7.000 - 9.000đ/ký, ra tới vựa bán lại với giá 11.000 - 14.000đ/ký, kiếm lời từ 3-5.000đ/ký. Dạo này ốc nhiều nên bình quân 1 ngày tôi đi được 2-3 chuyến hàng”.
Tại cơ sở thu mua và sơ chế ốc bươu vàng của ông Nguyễn Ngọc Ấm ở xã Long Phú và vựa cá Mỹ Châu Phương Thuận An, thị xã Long Mỹ cả tháng nay lúc nào cũng nhộn nhịp với hơn 50 lao động làm thuê, với các công việc như cân ốc, đóng thùng và chuyển ốc lên xe tải. Mỗi ngày bình quân 1 cơ sở xuất bán từ 8-10 tấn ốc bươu vàng.
Anh Nguyễn Văn Xái, tài xế vận chuyển ốc cho biết: “Khác với mọi năm thay vì ốc thu mua được giao cho các tài xế vận chuyển về Rạch Giá (Kiên Giang) bán cho thương lái vận chuyển theo xe đông lạnh đi các tỉnh phía Bắc thì hiện tại các tài xế chỉ cần vận chuyển lên điểm tập kết là Tiền Giang và TP.HCM. Còn việc xuất đi đâu và để làm gì thì không ai rõ”.
Việc bắt ốc bươu vàng bán là biện pháp “nhất cử lưỡng tiện”, vừa tận diệt loài sinh vật hại mùa màng, vừa tạo việc làm kiếm thêm thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt sẽ dễ dẫn đến tình trạng nông dân nuôi ốc bươu vàng, tương lai sẽ gây hậu quả nặng nề cho ngành nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi động vật hoang dã của người dân có chiều hướng phát triển. Cùng với các hộ nuôi lợn rừng, nhím, chồn hương, chim trĩ… anh Nguyễn Hữu Khởi ở thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn (Tiên Du - Bắc Ninh) lại chọn cho mình một vật nuôi khác, đó là chim công. Bước đầu mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian qua, nhờ chương trình hỗ trợ vốn của Nhà nước, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) có điều kiện phát triển chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình thâm canh bò thịt chất lượng cao được Trạm Khuyến nông (KN) huyện Vĩnh Thạnh triển khai trong năm 2014 tại xã Vĩnh Thịnh là một điển hình.

Tây Nguyên là xứ sở của các loại cây công nghiệp dài ngày với nguồn phấn hoa vô tận tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi ong. Bên cạnh đó, đàn ong còn là tác nhân thụ phấn hữu hiệu cho cây trồng, góp phần làm tăng năng suất (khoảng 20%) và cải thiện chất lượng nhiều loại nông sản.

Các hộ nuôi gà ở huyện Chợ Gạo chia sẻ thêm: Để gà đẻ liên tục, người nuôi nên sử dụng đèn vào buổi tối và chỉ cho gà ngủ khoảng 6 tiếng. Ban đêm cần tăng cường thức ăn để cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Chuồng gà nên thiết kế nghiêng để gà không giữ được trứng. Phải thường xuyên thăm trứng, không để cho gà giữ trứng nếu không gà sẽ ấp và ngưng đẻ gần cả tuần.

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám Đốc Trung Tâm Khuyến Nông Tỉnh Lâm Đồng cho biết diện tích cà phê đạt chuẩn bộ quy tắc quốc tế 4C sản xuất chế biến và kinh doanh cà phê bền vững đang tăng lên cũng nhờ vào sự gắn kết của các đơn vị từ khuyến nông đến các doanh nghiệp như Nestlé với nông dân thông qua dự án NESCAFÉ Plan.