Làm giàu từ… vịt trời
Từ 12 con đầu tiên
Một ngày cuối tháng 6, tìm về xã vùng cửa biển Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, chúng tôi được ông Trần Văn Tường dẫn đi “mục sở thị” khu vực quy hoạch thành trang trại ngoài cánh đồng Hói Chanh mà ông chuẩn bị mở rộng phát triển nuôi đàn vịt trời lên hàng ngàn con của mình.
Ông Tường vốn làm nghề đi biển đánh cá, sau đó nghỉ về nhà làm ruộng, vay vốn đầu tư phát triển các mô hình nuôi ếch, gà, cá… nhưng thua lỗ. Tháng 9-2013, tình cờ xem trên tivi phát sóng mô hình kinh tế trang trại nuôi thành công vịt trời ở tỉnh Bắc Giang, lúc này ý tưởng nuôi con vịt trời cũng bắt đầu hình thành trong ông. Sau nhiều ngày đêm trằn trọc suy nghĩ, ông quyết định gom góp lại vốn liếng có trong nhà và vay mượn thêm anh em được 10 triệu đồng rồi khăn gói đón xe đò ra Bắc Giang tìm đến mô hình nuôi vịt trời để xin học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm. Khi đã chắc ăn, ông mạnh dạn trích ra hơn 5,4 triệu đồng mua lại 12 con vịt trời giống rồi thuê xe vận chuyển về Kỳ Ninh trước sự ngỡ ngàng của gia đình và bà con lối xóm.
Mặc cho những nghi ngại, vận dụng những kiến thức đã học, ông bắt tay xây dựng chuồng trại trên bãi đất cát sau vườn, đào hồ, đặt các máng thức ăn, giăng lưới B40... bắt đầu hành trình thuần hóa nuôi thử nghiệm vịt trời. Thời gian đầu công việc nuôi gặp phải không ít khó khăn, trong số 12 con giống ông mang về chỉ còn lại 10 con.
Ngày đêm trăn trở, dồn hết tâm sức vào mấy con vịt trời con, vừa học, vừa làm, vừa đúc kết kinh nghiệm, ông Tường đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản từ nuôi, ấp nở, tiêm phòng, chăm sóc. Kết quả, trời không phụ lòng người, đúng 6 tháng sau lứa vịt này phát triển khỏe mạnh không ngờ, không bị dịch bệnh và bắt đầu đẻ trứng đều đặn theo cấp số nhân. Từ 12 con vịt giống, sau hơn một năm đã trở thành đàn vịt trời hàng trăm con, thậm chí có thời điểm lên đến hàng ngàn con (gồm cả vịt giống và vịt con).
Giấc mơ mở trang trại
Khi vịt trời đẻ trứng đều, ông Tường bắt đầu tính đến phương án cho ấp và bán con giống, ông bỏ tiền mua lò ấp trứng mini, mỗi lần lò chỉ ấp được khoảng 300 quả trứng, sau 26 đến 30 ngày trứng nở và đã hàng trăm lần xuất bán được hàng chục ngàn con giống đảm bảo chất lượng cho khách hàng ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Đắc Lắc, Đồng Nai...
Từ tháng 3-2015, do số lượng trứng vịt trời đẻ nhiều, nhu cầu mua con giống từ thị trường ngày càng lớn, trong khi lò ấp mini ấp nở hạn chế, nên ông Tường tìm đến các xưởng cơ khí, mua sắm trang thiết bị rồi về nhà tự sáng chế và lắp ráp thành công một lò ấp mới, mỗi lần có thể ấp nở trên 1.000 - 1.200 quả trứng, với tỷ lệ thành công đạt trên 85% - 90%.
Ông Tường chia sẻ kinh nghiệm, nuôi vịt trời coi vậy không khó, chúng lớn rất nhanh, ít bị dịch bệnh, chuồng trại đơn giản và tốn ít chi phí thức ăn. Chỉ cần chú ý thời gian đầu, phải 15 - 20 ngày sau khi nở mới cho vịt con xuống nước. Khi đã thuần hóa cũng nên cho chúng ra ngoài thiên nhiên để phát triển tự nhiên và khỏe mạnh. Sau khoảng vài tháng chăm sóc, đàn vịt trời có thể xuất bán. Mỗi con vịt trưởng thành nặng từ 1,2kg - 1,4kg bán với giá bình quân hơn 200.000 - 250.000 đồng/con, vịt giống từ 300.000 - 350.000 đồng/con và con giống 100.000 đồng/con. Trung bình mỗi năm, một con vịt trời đẻ được khoảng 100 trứng. Tỷ lệ ấp trứng nở đạt hơn 85% - 90%.
Vịt trời có màu sắc đẹp, xương nhỏ, thịt chắc và thơm ngon lại bổ dưỡng, vì thế rất được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt trước sự phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng - nơi tập trung nhiều lao động, chuyên gia trong và ngoài nước nên thị trường tiêu thụ ở đây rất lớn. Khách hàng tìm vào tận nhà đặt hàng mua với số lượng lớn, nhưng nhiều khi không đáp ứng kịp, đó thực sự là cơ sở để tiếp tục thực hiện ước mơ mở rộng quy mô nuôi đàn vịt trời thành trang trại.
Tiếng lành đồn xa, nuôi vịt trời mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều bà con nông dân trong và ngoài huyện Kỳ Anh đã đến nhờ ông Tường hướng dẫn kinh nghiệm và mua giống về nuôi thử. Theo nhẩm tính của ông Tường, từ đàn vịt trời giống và sự hướng dẫn kinh nghiệm của mình, đến thời điểm hiện tại có khoảng 40 - 50 hộ dân trong và ngoài huyện Kỳ Anh đã nuôi thành công từ 10 - 50 con vịt trời. Đây là mô hình đầu tiên trên địa bàn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tin tưởng trong tương lai, mô hình nuôi vịt trời này sẽ tiếp tục được nhân rộng để tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, từ cung cấp vịt giống, sẽ tiến tới cung cấp vịt thương phẩm ra thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Ban chỉ đạo sản xuất, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) vừa tổ chức hội nghị bàn giải pháp bảo vệ tôm nuôi vụ I/2015. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện, nông dân đã thả dứt điểm diện tích tôm nuôi nuôi vụ I được 23.100ha.
Khoảng 1 tháng qua, người tôm vùng hạ lưu sông Bàn Thạch, huyện Đông Hòa (Phú Yên) điêu đứng vì tôm “dính” dịch bệnh chết hàng loạt.
Theo thông tin từ Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP), hiện giá tôm nguyên liệu trên địa bàn đang giảm mạnh, khiến người nuôi thua lỗ nặng. Chưa dừng lại ở đó, giá tôm giảm, dịch bệnh lại bùng phát, người nuôi bị thiệt hại “kép”.
Rau câu đang rớt giá khiến nhiều người trồng rau câu ở các phường Xuân Đài, Xuân Thành (TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) méo mặt. Còn tại đầm Ô Loan (huyện Tuy An), mặc dù rau câu xuất hiện nhiều nhưng giá quá rẻ nên người dân cũng không màng đi vớt.
Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình XK cá tra tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến giá mua cá tra nguyên liệu.