Mật ong Tiên Yên (Quảng Ninh)
Trên đường đưa chúng tôi đến thăm khu nuôi ong mật của ông Lương Văn Kiên (thôn Cái Mắt, xã Tiên Lãng), anh Lý Văn Thắng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, giới thiệu: Gia đình ông Kiên là một trong những hộ có thâm niên nuôi ong ở xã, với thời gian trên 30 năm. Hiện ông Kiên là Phó Giám đốc HTX Khai thác mật ong Tiên Lãng, một trong những đơn vị cung cấp chính sản phẩm mật ong OCOP của tỉnh. Chúng tôi gặp ông Kiên khi đang đi kiểm tra các tổ ong sau trận mưa đêm qua. Ông Kiên cho biết, cách đây hơn 30 năm khi còn công tác trong ngành Công an, ông đã tìm hiểu, học nghề nuôi ong từ những người có kinh nghiệm. Lúc đầu nghĩ nuôi ong mật cho vui, chứ chưa nghĩ tới nuôi để kinh doanh, nhưng càng nuôi ông Kiên càng ham, cứ mấy ngày mà không ra thăm các thùng nuôi ong là ông thấy nhớ. Trước đây, ông Kiên nuôi ong ở một đảo đất nhỏ thuộc xã, mỗi lần muốn đến là phải đi thuyền qua sông. Mấy năm gần đây ông chuyển về nuôi tại thôn Cái Mắt để tiện chăm sóc, thu hoạch mật. Từ chỗ chỉ có 3 đến 4 đàn ong, đến nay ông Kiên có tới hơn 30 đàn ong. Một năm ong cho thu hoạch 2 vụ mật, là vụ xuân hè từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch và vụ thu đông (còn gọi là đông chí) từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch. Một đàn ong khoẻ mạnh cho thu hoạch từ 12 đến 15 lít mật/tháng, mỗi năm gần 300 lít, lợi nhuận từ 50 đến 60 triệu đồng/năm.
Anh Lý Văn Thắng cho biết, nghề nuôi ong ở địa phương có từ nhiều năm nay. Tiên Yên có môi trường đặc biệt thuận lợi cho loài ong mật phát triển với nhiều loài cây ra hoa kết trái quanh năm. Hiện có tới hơn 200 hộ nuôi với trên 2.000 đàn ong, mỗi năm thu hơn 10 tấn mật. Tuy nhiên, việc nuôi ong của các hộ vẫn mang tính tự cung, tự cấp, không có thị trường tiêu thụ ổn định. Mật ong làm ra nhiều, nhưng sản phẩm chưa có nhãn hiệu, bao bì mẫu mã đẹp, nên người tiêu dùng còn e ngại…
Chúng tôi đến thăm gian hàng bày bán sản phẩm OCOP của huyện tại thị trấn Tiên Yên. Tại đây, sản phẩm mật ong được đựng trong chai thuỷ tinh, đóng bằng 2 loại bao bì, gồm hộp giấy và túi đựng. Với loại chai thuỷ tinh 0,5 lít mật ong, đựng trong một hộp giấy trông khá mỏng manh, rất dễ rơi trong quá trình cầm lên đặt xuống, chứ chưa nói đến vận chuyển đi xa. Mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc của chai, hộp đúng còn khá đơn giản, sơ sài.
Tại hội chợ OCOP tổ chức tại TP Hạ Long vừa qua, sản phẩm mật ong Tiên Yên tiêu thụ khá tốt, nhưng vẫn chậm hơn so với các huyện có sản phẩm cùng loại, như Ba Chẽ, Bình Liêu, bởi mẫu mã chưa thực sự đẹp. Trong quá trình diễn ra hội chợ, huyện đã mời những hộ gia đình có sản phẩm bày bán tại hội chợ đến tham quan gian hàng của huyện. Qua đó các hộ thấy được sức tiêu thụ sản phẩm của mình, thấy được tầm quan trọng của mẫu mã, bao bì sản phẩm, từ đó có thay đổi nhận thức trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Để sản phẩm mật ong của huyện tiêu thụ tốt, tăng tính cạnh tranh với các địa phương khác, bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, Tiên Yên có hướng phát triển đa dạng sản phẩm mật ong, như: Mật ong trang đào để chữa ho; mật ong nghệ để chữa bệnh dạ dày… Đồng thời, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ nuôi ong mật liên kết thành các tổ sản xuất tập trung, nghiên cứu các loại nhãn hiệu, mẫu mã bao bì có kiểu dáng, màu sắc đẹp, hoàn thành việc lập hồ sơ đăng ký mã số, mã vạch cho sản phẩm OCOP của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Gà đồi Yên Thế đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước. Nuôi gà đồi đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Để từng bước nâng cao công tác quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm. UBND huyện Yên Thế đã thực hiện nhiều giải pháp cam kết đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhiều địa phương trong tỉnh Tiền Giang do điều kiện canh tác lúa khó khăn, nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng sen, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tập trung nhiều nhất tại huyện Tân Phước (Tiền Giang) đã chuyển đổi gần 50 ha lúa năng suất thấp sang trồng sen.
Vào những ngày này, du khách có dịp ghé qua “vương quốc” trái cây Chợ Lách, tỉnh Bến Tre hoặc Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; Phong Điền, TP Cần Thơ; Châu Thành, tỉnh Hậu Giang; Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long… sẽ không khỏi choáng ngộp trước những vườn cây trái sum suê, ngọt lành.
Trong các chương trình, dự án phát triển chăn nuôi, nổi lên Dự án “Ngân hàng bò” do T.Ư Hội Chữ Thập đỏ (CTĐ) Việt Nam được triển khai, thực hiện từ năm 2010 trên địa bàn 6 huyện 30a.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, năm 2014 sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Bình Thuận ước đạt 14.600 tấn, tăng 6,9% so với năm trước. Lợi thế về sản xuất tôm giống tiếp tục được duy trì, sản xuất và tiêu thụ tôm giống tăng cao, ước đạt 25 tỷ post, đạt 250% KH, tăng 43,7% so năm trước.