Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bấp Bênh Nghề Nuôi Ốc Hương Ở Ninh Thọ

Bấp Bênh Nghề Nuôi Ốc Hương Ở Ninh Thọ
Ngày đăng: 16/05/2012

Ốc hương là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với ngư dân tại nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa, trong đó có xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Tuy nhiên, chi phí đầu tư để nuôi ốc hương rất lớn, trong khi nghề nuôi ốc hương rất bấp bênh.

Chi phí cao, dễ mất trắng

Tại vùng đìa thôn Xuân Mỹ, xã Ninh Thọ, sau phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng, phong trào nuôi ốc hương đã rộ lên từ năm 2007 nhờ dễ nuôi, ít dịch bệnh. Ông Đỗ Công Tân - cán bộ Quản lý nông nghiệp xã Ninh Thọ cho biết: “Ốc hương là động vật thân mềm có giá trị kinh tế cao, sống chủ yếu ở môi trường có nền đáy là cát. Thức ăn ưa thích của chúng là động vật thân mềm, nhuyễn thể, cá tạp… Ốc hương ưa những vùng nước có độ mặn cao, nhiệt độ thích hợp từ 26 - 28 độ C, độ pH từ 6 - 9, môi trường nước nuôi ốc phải luôn sạch”. Được biết, ốc hương thương phẩm chủ yếu được người dân xã Ninh Thọ thả nuôi trong vụ chính từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch, bởi thời điểm này các yếu tố thời tiết và môi trường thích hợp cho sự phát triển của ốc. Vụ phụ được nuôi từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch, người dân thường ít nuôi bởi đây là thời điểm thường xảy ra bão lũ, ốc rất dễ chết.

Nghề nuôi ốc hương mang lại lợi nhuận cao, không chiếm nhiều diện tích, thời gian nuôi (khoảng 5 - 6 tháng) ngắn hơn so với các loại thủy sản khác như: tôm hùm, cá mú (khoảng 14 tháng). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thành, người nuôi ốc hương ở xã Ninh Thọ: “Chi phí đầu tư nuôi ốc rất lớn. Để thả nuôi 3,2 triệu con ốc hương trên 8 ao nuôi có diện tích 4 ha, chúng tôi phải đầu tư 240 triệu đồng để chuẩn bị ao nuôi, gần 500 triệu đồng để mua con giống, hơn 800 triệu đồng mua thức ăn cho ốc từ khi bắt đầu thả nuôi đến khi thu hoạch”.

Chi phí đầu tư cao, nhưng chỉ cần một cơn mưa lớn, độ mặn trong đìa giảm xuống, ốc sẽ chết sạch, người nuôi trắng tay. Anh Lê Thanh Dũng, một người nuôi ốc trong xã cho biết: “Ngoài nước “bạc” (tỷ lệ nước ngọt trong ao nuôi cao) dẫn đến ốc chết hàng loạt thì bệnh sưng vòi trên ốc hương cũng gây thiệt hại lớn, nếu phát hiện sớm thì có thể cứu được, chứ để đến khi lây lan, bệnh sẽ phát triển rất nhanh, người nuôi mất trắng”. Đã không ít lần những người nuôi ốc tại xã Ninh Thọ phải mất ăn mất ngủ vì ốc. Anh Dũng kể: “Năm 2009, khi chuẩn bị thu hoạch thì gặp mưa lớn, ốc chết, tôi mất trắng hơn 100 triệu đồng. Hay như cơn bão số 1 vừa qua, ốc mới thả nuôi, sức đề kháng còn yếu, chúng tôi chỉ còn biết cầu trời cho mưa ít để ốc khỏi chết”.

Theo kinh nghiệm của nhiều hộ nuôi ốc hương, do nuôi ốc bằng thức ăn tươi nên khả năng gây ô nhiễm nước rất lớn. Khi nước ô nhiễm, ốc sẽ bỏ ăn, mắc bệnh và chết. Bên cạnh đó, ốc hương là loài nhạy cảm với môi trường nên phải thả nuôi với mật độ vừa phải, ốc lớn hơn phải san thưa. Việc thay nước thường xuyên sẽ giúp ốc hương phát triển nhanh hơn.

Tính toán lại hiệu quả

Ốc hương của các hộ nuôi tại xã Ninh Thọ hiện đang phát triển nhanh.

Trên thị trường, ốc hương thương phẩm hiện có giá 170.000 đồng/kg. Theo tính toán của ông Nguyễn Đức Thành, nếu thuận lợi, với 3,2 triệu con giống thả nuôi, tỷ lệ hao hụt khoảng 15 - 20%, dự kiến vụ này ông thu được 16 tấn ốc, lãi hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người nuôi ốc hương tại xã Ninh Thọ nhận định, từ năm 2010 trở về trước, không ít ngư dân đã làm giàu từ nuôi ốc hương nhưng đến thời điểm này, việc nuôi ốc hương không còn dễ dàng. Nguyên nhân chính được người nuôi đưa ra chủ yếu do thời tiết thay đổi thất thường, đầu ra không ổn định, phong trào nuôi ốc phát triển một cách tự phát, thiếu quy hoạch vùng nuôi hợp lý nên một khi dịch bệnh xảy ra sẽ thiệt hại nặng. Do vậy, nhiều ngư dân chia sẻ, kết thúc vụ nuôi này họ sẽ phải tính toán lại hiệu quả của con ốc so với tôm thẻ chân trắng để phát triển các đối tượng nuôi phù hợp.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Điệp - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ cho biết: “Ốc hương là đối tượng nuôi mang lại giá trị kinh tế cao đối với người dân địa phương. Tuy nhiên, nghề nuôi ốc hương vẫn còn bấp bênh. Để ngư dân yên tâm gắn bó với đối tượng nuôi này, các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ người nuôi về mặt kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh; hỗ trợ đầu ra ổn định cho ngư dân, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn để họ mạnh dạn đầu tư nuôi ốc”.

Hiện nay, nghề nuôi ốc hương tại xã Ninh Thọ và nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh như TP. Cam Ranh, huyện Vạn Ninh… vẫn phát triển mang tính tự phát, thiếu quy hoạch nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra; chất lượng con giống không cao. Vì vậy, để nghề nuôi ốc hương phát triển bền vững, mang lại hiệu quả cao cho ngư dân, các đơn vị chức năng cần quy hoạch vùng nuôi hợp lý, nghiên cứu về dịch bệnh để tìm ra các giải pháp phòng trừ, nâng cao chất lượng con giống…

Tại xã Ninh Thọ, nếu như năm 2010 chỉ có khoảng 20 hộ nuôi ốc hương với diện tích 46 ha/năm, sản lượng đạt 92 tấn thì đến nay đã có 35 hộ nuôi ốc hương với tổng diện tích 80 ha/năm, sản lượng ước đạt 160 tấn. Tuy nhiên, hiện nay không ít người nuôi ốc hương đang có xu hướng quay lại nuôi tôm thẻ chân trắng do chi phí đầu tư thấp, thời gian nuôi ngắn, chỉ sau 3 tháng nuôi có thể cho thu hoạch, giá tôm thẻ chân trắng cũng khá cao, hiện ở mức 70.000 - 80.000 đồng/kg xuất bán tại ao.

Có thể bạn quan tâm

Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học

Năm 2013, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm KN-KN Bắc Ninh đã triển khai mô hình phát triển chăn nuôi vịt đẻ hướng thịt ATSH.

05/08/2013
Hàng Chục Ngàn Tấn Sò Lông Đến Kỳ Thu Hoạch Nhưng Chưa Được Khai Thác Ở Kiên Giang Hàng Chục Ngàn Tấn Sò Lông Đến Kỳ Thu Hoạch Nhưng Chưa Được Khai Thác Ở Kiên Giang

Hiện nay, tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, khoảng 15.000 tấn sò lông đến kỳ thu hoạch nhưng chưa được khai thác, còn nằm dưới bãi nuôi vì không có thương lái mua, khiến nhiều hộ dân nuôi sò gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho loài thủy sản hai mảnh vỏ này.

23/04/2013
Gà Ta Gò Công Được Bao Tiêu Với Giá Cao Gà Ta Gò Công Được Bao Tiêu Với Giá Cao

Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi – Thủy sản Gò Công (Thị xã Gò Công, Tiền Giang) đã được Công ty TNHH San Hà (Tp. Hồ Chí Minh) ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm gà ta “Gò Công” chăn nuôi theo quy trình an toàn với giá 60.000 đồng/kg đối với gà trống và 75.000 đồng/kg đối với gà mái. Với mức giá trên, hộ xã viên nuôi 1.000 con gà ta Gò Công sẽ thu lãi 30 triệu đồng sau chu kỳ 3 tháng nuôi.

05/08/2013
Hiệu Quả Từ Chuyển Dịch Cơ Cấu Cây Trồng Ở Chư Pah (Gia Lai) Hiệu Quả Từ Chuyển Dịch Cơ Cấu Cây Trồng Ở Chư Pah (Gia Lai)

Tác động của thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm gần 190 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2012-2013 trên địa bàn huyện Chư Pah (Gia Lai) bị hạn; trong đó 30 ha bị mất trắng, số còn lại đang dần phục hồi. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah - ông Phạm Minh Châu, diện tích cây trồng bị hạn vụ sản xuất năm nay giảm nhiều so với năm 2010 trở về trước.

23/04/2013
Triển Vọng Nghề Nuôi Dế Ở Thái Bảo Triển Vọng Nghề Nuôi Dế Ở Thái Bảo

Khi áp lực về việc làm tăng cao, cùng với các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh khó kiểm soát, các hộ dân của xã Thái Bảo, huyện Gia Bình đã đưa con dế vào nuôi thử nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế của nông dân.

18/06/2013
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.