Giá vải thiều bình quân cao hơn năm ngoái 20%

Hải Dương hiện có gần 11.000ha vải, tập trung tại huyện Thanh Hà có gần 4.000ha và thị xã Chí Linh với gần 4.300ha; trong đó, diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap chiếm khoảng 250ha.
Riêng vải trồng theo quy trình VietGap và GlobalGap có quy trình trồng và giám sát chặt chẽ hơn nên đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm do đó năng suất quả cao hơn (khoảng 7 đến 8 tấn/ha) và có giá cao hơn vải trồng theo phương pháp truyền thống khoảng 2.000 đồng/kg.
Năm nay do làm tốt công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại cho quả vải, nhất là quả vải thiều Hải Dương đã được phía Mỹ cấp mã số vùng trồng cho 20ha vải ở thị xã Chí Linh và huyện Thanh Hà, nhờ đó quả vải thiều Hải Dương đã đặt được những bước chân đầu tiên vào các thị trường khó tính như Australia, EU, Mỹ và đã được người tiêu dùng ở các thị trường nay đánh giá cao nên vải thiều Hải Dương năm nay giữ vững được giá bán.
Hiện nay trên thị trường giá vải quả Hải Dương được thương lái thu mua với giá từ 13.000 đồng đến 15.000 đồng/kg.
Ngay cả trong những lúc vải chính vụ giá bán cũng dao động ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg. Đặc biệt, vải quả có mã đẹp, to tròn được thu mua với giá từ 17.000 đồng đến 18.000 đồng/kg. Dự kiến, đến hết tháng Sáu này vải quả sẽ được thu hoạch xong.
Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cho biết để đảm bảo đầu ra cho quả vải, tránh tình trạng "được mùa rớt giá, mất mùa được giá," đối với những vùng trồng vải trọng điểm như Thanh Hà, Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã tập trung chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn quy trình để nông dân sản xuất vải đáp ứng các tiêu chí vào các thị trường Mỹ và châu Âu; đồng thời khuyến khích nông dân tăng diện tích trồng vải sản xuất theo quy trìnhVietGap, Global Gap.
Tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ đầu tư về kho lạnh, bảo quản để nâng cao giá trị sản phẩm.
Tỉnh Hải Dương cũng đề nghị chính phủ, các bộ ngành quan tâm và có những hướng dẫn kịp thời cho bà con nông dân các quy trình sản xuất sạch, các địa phương có biên giới quan tâm tạo điều kiện cho người nông dân và doanh nghiệp thuận lợi trong vận chuyển, tiêu thụ nhanh chóng đồng thời có những thông tin kịp thời về diễn biến thị trường các nước láng giềng để địa phương có điều chỉnh trong sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản nói chung.
Bà Nguyễn Thị Nụ ở thôn Hố Giải, xã Hoàng Hoa Thám, Thị xã Chí Linh, có gần 2ha trồng vải trong đó 1,5ha vải thiều đang sản xuất đúng quy trình VietGAP để xuất khẩu sang thị trường Mỹ cho biết nông dân rất vui vì quả vải quê nhà giờ đây không còn dừng lại ở thị trường trong nước.
Gia đình bà nói riêng và nhiều hộ nông dân khác đã tuân thủ chặt chẽ các quy trình đúng hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp từ việc chăm sóc, thu hoạch, đặc biệt không phun những loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục phía Mỹ không cho phép.
Bà Nụ cũng chia sẻ: “Đây là vụ đầu tiên vải thiều Hải Dương sang Mỹ, nhưng sau này, khi đã được thị trường Mỹ, Australia và nhiều nước chấp nhận, chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ đúng các quy trình này để hy vọng quả vải quê mình sẽ ngày càng vươn xa và thu nhập từ cây vải cho người nông dân sẽ ngày càng tốt hơn.”
Những tín hiệu mừng ở vụ vải này là cơ sở để người nông dân Hải Dương giữ nguyên diện tích trồng vải, đồng thời mở rộng thêm các vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap nhằm đáp ứng nhu cầu lớn khi có thị trường mới trong các vụ vải tiếp theo.
Để cây vải thiều không còn là cây xóa đói giảm nghèo mà sẽ là cây trồng chủ lực giúp người dân làm giàu.
Có thể bạn quan tâm

Sau thời gian triển khai công tác chống dịch chổi rồng trên nhãn, đến nay có 19.130 ha nhãn ở 7 tỉnh, thành gồm: Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang, hồi phục phát triển trở lại sau cắt tỉa và phun thuốc, đạt tỷ lệ 81,4%.

Từ đầu năm 2013 đến nay, TP.Đông Hà đã phát động nhân dân sống tại 13 tuyến đường trung tâm thành phố tổ chức trồng được 927 cây lộc vừng.

Ốc càng xanh là loại ốc được nuôi để làm thức ăn cho tôm sú. Giống ốc này rất dễ nuôi, chỉ cần cung cấp đủ nước, thức ăn và hầu như không bị dịch bệnh. Một điều đặc biệt ở loại ốc này đó là muốn nuôi thì nhất thiết phải đổ vỏ của loại ốc khác xuống hồ để ốc càng xanh rời vỏ sang “ở nhờ”.

Cơ quan chức năng đã kiểm tra nguồn gốc một số loại cá bày bán tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP. Hà Nội nhưng tiểu thương không đưa ra được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các loại cá, trong đó có cá tầm.

Ngày 8/7, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, Cục vừa lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mướp đắng, rau ngót tiêu thụ tại 7 chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.