Chư Pah khởi sắc sau 5 năm chuyển dịch cơ cấu cây trồng
5 năm trở lại đây, người nông dân trong huyện đã chú trọng áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn các loại giống cây trồng có năng suất, sản lượng, chất lượng cao đưa vào sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, thâm canh sản xuất hàng hóa, đáp ứng cho nhu cầu thị trường.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah, năm 2010, toàn huyện Chư Pah có hơn 832 ha cao su tiểu điền, năng suất 14 tạ/ha, đến năm 2015 đã có 1.082 ha cao su tiểu điền, năng suất 14,5 tạ/ha. Cây cà phê cho năng suất cao hơn từ 17,4 tạ/ha năm 2010 lên 22 tạ/ha năm 2015. Cây tiêu từ 30 tạ/ha năm 2010 đến năm 2015 cũng tăng lên 36 tạ/ha. Cây bời lời cũng được mở rộng diện tích từ 790 ha năm 2010 đến năm 2015 đã tăng thêm 2.407 ha. Tổng diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Ước tính đến cuối năm 2015, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện đạt 24.923 ha, tổng sản lượng lương thực đạt 23.611 tấn.
Ông Phạm Văn Việt ở thôn 3, thị trấn Phú Hòa cho biết: “Cây cà phê, cao su đã gắn bó với mình từ năm 2000. Nhưng khi ấy năng suất chưa cao. Mình được tham gia vào dự án phát triển cao su tiểu điền đa dạng hóa nông nghiệp do Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam làm chủ dự án và các lớp tập huấn về phương thức ghép chồi cà phê do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức,… từ đó, mình mạnh dạn áp dụng. Cho đến nay, lợi ích kinh tế của cây cà phê, cao su mang lại cho gia đình gần 700 triệu đồng mỗi năm”. Hiện nay, 3 người con của ông Việt đã trưởng thành, ông cũng xây được 3 ngôi nhà cho các con và mở rộng thêm diện tích đất canh tác, trồng thử nghiệm với gần 200 cây hồ tiêu.
Tuy cùng tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng như hộ gia đình ông Phạm Văn Việt, gia đình ông Bạch Hữu Thanh tại thôn 3, thị trấn Phú Hòa lại không có được giá trị kinh tế cao như vậy. Ông Thanh chia sẻ: “Những năm trước, gia đình trồng cây cà phê nhưng vì lý do biến đổi của thị trường tôi chặt hết cây cà phê đi để trồng cây cao su. Đến khi trồng cao su thì lại gặp phải những giống cây trồng có chất lượng thấp, không thể phát triển được. Nhờ tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, các chương trình dự án ODA… nên đến bây giờ gia đình tôi mới bắt đầu thu được khoảng 30 triệu đồng/năm. Bây giờ tôi không dám chặt bỏ cây nữa mà sẽ chăm sóc cây theo đúng kỹ thuật”.
Hiện nay, một số nông dân ở xã Phú Hòa, Ia Ka, Ia Nhin đang tham gia chương trình cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất. Mỗi hộ dân có từ 4 đến 5 sào vườn trồng cây cao su, cà phê, tiêu, bời lời… thu nhập đạt hơn 30 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah đã hướng dẫn cho nông dân nâng cao năng suất cây mì bằng cách thay thế giống mì mới cho năng suất cao hay sử dụng những giống lúa địa phương thay thế những giống lúa như HT1… Nhờ vậy, nhiều hộ nông dân đã tay đổi được cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Phạm Minh Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah cho biết: “Mô hình trồng cây hồ tiêu, cây bời lời đang được khuyến khích trồng trong 5 năm trở lại đây. Mô hình này giúp các hộ nông dân đã xác định rõ cây trồng hợp với thổ nhưỡng cho năng suất cao, qua đó, thu nhập của người dân tăng đều mỗi năm”.
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng ngành nông nghiệp đang làm thay đổi bức tranh kinh tế của nhiều vùng nông thôn trong đó có huyện Chư Pah. Sau 5 năm, tuy còn nhiều khó khăn nhưng người dân huyện Chư Pah gần như được khoác trên mình chiếc áo mới, được làm giàu từ chính mảnh đất của họ góp phần nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, từng bước đạt được các mục tiêu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tiêu tăng 1,9% (dù lượng giảm hơn 20%) so với cùng kỳ năm trước nhưng tính tới hết 8 tháng, xuất khẩu tiêu lại có sự đổi thay khi giảm cả lượng lẫn giá trị, với mức giảm lần lượt là giảm 21,7% về khối lượng và giảm 1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Bộ Tài chính thông báo quyết định cho phép tạm dừng thực hiện Thông tư số 63, trong đó quy định xuất khẩu sắn lát phải chịu thuế suất 5%.
“Với nghề đặt trúm bắt lươn, trung bình mỗi tháng vợ chồng tôi kiếm được không dưới 10 triệu đồng, đủ để trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình và nuôi con ăn học”.
Thấy ông Vũ Đình Thu (SN 1950) mang một đàn vịt trời giống về nuôi, cả thôn Nại Trì, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện – Hải Dương) mắt tròn, mắt dẹt kéo đến xem.
Hàng chục sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ nổi tiếng khắp các vùng miền thu hút rất nhiều đại biểu ghé thăm.