Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bảo vệ đàn vật nuôi, đáp ứng nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Bảo vệ đàn vật nuôi, đáp ứng nguồn cung thực phẩm dịp Tết
Ngày đăng: 26/11/2015

Xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm

Gia đình anh Hoàng Hữu Nam ở thôn Ao Gạo, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng - Bắc Giang) nuôi gia cầm quy mô vài nghìn con mỗi lứa.

Trung tuần tháng 10 vừa qua, 2 nghìn con gà 5 tháng tuổi nhà anh bị chết hàng loạt với các triệu chứng nghi bị cúm gia cầm, làm thiệt hại khoảng 120 triệu đồng.

UBND huyện Yên Dũng đã chỉ đạo Trạm Thú y phối hợp với UBND xã Cảnh Thụy tiêu hủy toàn bộ số gà bệnh, cấp 54 lít hóa chất, 2,5 tấn vôi bột tiêu độc khử trùng khu vực ổ dịch, đường làng, ngõ xóm và nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh, tổ chức tiêm vắc-xin phòng cúm cho toàn bộ đàn gia cầm trong xã.

Đến nay ở Cảnh Thụy không phát sinh thêm ổ dịch mới.

Theo Chi cục Thú y, thời gian gần đây, không chỉ gà, vịt mắc bệnh chết mà đàn lợn cũng rải rác bị bệnh tai xanh.

Nguyên nhân đều do lợn chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh và môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm.

Tuy nhiên, do phát hiện kịp thời và điều trị đúng phác đồ nên tất cả số lợn mắc bệnh đã được chữa khỏi, không bị lây lan ra diện rộng.

Ngoài các dịch bệnh trên, đàn vật nuôi còn bị mắc các bệnh như: Tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi, e-cô-li với số lượng hơn 20 nghìn con, trong đó khoảng 3 nghìn con bị chết, tập trung ở Tân Yên, Yên Dũng, Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn.

Còn nhiều kẽ hở

Dịch bệnh xảy ra trước hết là do người dân chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.

Tại xã Cảnh Thụy (Yên Dũng), trước khi gà vịt của gia đình anh Hoàng Hữu Nam nhiễm bệnh, toàn xã mới tiêm được 15 nghìn liều vắc-xin cúm gia cầm trong tổng đàn 54 nghìn con.

Hiện nay, giá vắc-xin cúm gia cầm chỉ khoảng 350 đồng/liều nhưng các hộ dân trong huyện không mặn mà mặc dù được cán bộ thú y tuyên truyền, vận động.

Tỷ lệ tiêm vắc-xin cúm H5N1 toàn huyện mới đạt 60% tổng đàn.

Các huyện còn lại cũng ở tình trạng tương tự, thậm chí Lục Ngạn, Sơn Động tỷ lệ tiêm phòng cúm chỉ đạt 30 - 40%.

Đại diện Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, chỉ những trang trại quy mô lớn mới tiêm phòng đầy đủ theo định kỳ còn hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn lơ là nên việc phòng bệnh kém hiệu quả.

Chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa tích cực vận động người dân tiêm phòng.

Bên cạnh đó, việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đang diễn ra lộn xộn tại một số nơi khiến nhiều hộ “tiền mất tật mang”.

Bà Trần Thị Tuyên, Trưởng trạm Thú y huyện Yên Dũng cho hay, gần đây cán bộ thú y xã, thị trấn và một số hộ phản ánh: Trên địa bàn huyện có nhiều cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi kết hợp bán thuốc thú y, hóa chất nhưng chủ cửa hàng không có chuyên môn về thú y và chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.

Trạm đang phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm.

Trở lại với gia đình anh Nam, được biết số gà chết đều được tiêm vắc-xin cúm gia cầm chủng Re6 sản xuất từ Trung Quốc, mua của một đại lý ở tỉnh Bắc Ninh cách đó chưa được 2 tháng.

Anh băn khoăn không biết có phải do vắc-xin kém chất lượng nên gà bị chết nhiều như vậy.

Gần 1 tuần trước đó, 600 con vịt nhà anh cũng bị chết với triệu chứng nghi của cúm gia cầm.

Khẩn trương ngăn ngừa

Năm nay thời tiết diễn biến bất thường hơn mọi năm, mặc dù đang là mùa khô nhưng mưa nhiều, độ ẩm không khí cao nên mầm bệnh dễ bùng phát.

Để nâng cao hiệu quả phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cuối năm, mới đây, UBND tỉnh có công văn yêu cầu các huyện, thành phố, ngành chức năng tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch; quy trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện nếu để xảy ra dịch bệnh mà không báo cáo kịp thời.

UBND tỉnh ban hành kế hoạch tiêm phòng bổ sung, tạm ứng hơn 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để mua vắc-xin, hóa chất khử trùng hỗ trợ phòng dịch ngay trong tháng 11.

Theo ông Lê Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Chi cục đang tập trung cung ứng vắc-xin để người dân tiêm phòng; kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y và tình hình dịch bệnh tại các huyện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Chi cục khuyến cáo các hộ mua con giống, vắc-xin ở những cơ sở có uy tín, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, trong đó tiêm vắc-xin triệt để kết hợp vệ sinh chuồng trại, chống rét cho gia súc, gia cầm nhằm tăng sức đề kháng.

Đối với các dự án hỗ trợ con giống của Nhà nước cần có sự tham gia của cơ quan thú y kiểm dịch trước khi cung ứng để hạn chế dịch bệnh lây lan.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới tiêm được 7 triệu liều vắc-xin cúm H5N1, 130 nghìn liều lở mồm long móng, đạt từ 50 - 70% tổng đàn trong diện tiêm.

Lợn thương phẩm gần như bị “bỏ trắng” tiêm phòng vắc - xin tai xanh, dịch tả.


Có thể bạn quan tâm

Phù Cát (Bình Định) Cân Nhắc Với Cây Tiêu Phù Cát (Bình Định) Cân Nhắc Với Cây Tiêu

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cây tiêu có mặt trên địa bàn huyện cách đây hơn chục năm, do một số người dân xã Cát Sơn trồng tự phát trên cây rừng, nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên năng suất không cao. Gần đây, giá tiêu khá cao, 120 - 150 ngàn đồng/kg, nên phong trào trồng tiêu ở Phù Cát được đẩy mạnh.

02/02/2015
Làm Giàu Từ Vườn Cà Phê Già Cỗi Làm Giàu Từ Vườn Cà Phê Già Cỗi

Khoảng thời gian trống đó biết lấy gì để sống? Thế là anh quyết định đầu tư thâm canh thông qua việc chăm sóc, tỉa cành, bón phân, tưới nước đúng cách và không quên bón phân sau thu hoạch để bổ sung dinh dưỡng cho cây, tránh tình trạng năng suất năm được năm mất.

02/02/2015
Giá Mì Khô Chỉ 3.500 Đồng/kg Giá Mì Khô Chỉ 3.500 Đồng/kg

Theo một số nông dân ở Khánh Sơn, năm nay năng suất mì chỉ đạt khoảng 80 - 85% so với năm trước, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thất thường, cây mì vào giai đoạn phát triển, ít mưa nên sản lượng đạt thấp. Ngoài ra, do giá mì dao động ở mức thấp trong 2 năm gần đây nên người dân các địa phương đang có kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng mì sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như cây ăn quả, keo...

02/02/2015
An Giang Phát Triển Nuôi Cá Rô Phi Trong Lồng Vèo An Giang Phát Triển Nuôi Cá Rô Phi Trong Lồng Vèo

Nhằm đa dạng con nuôi thủy sản nước ngọt cung cấp cho người tiêu dùng và xuất khẩu, tỉnh An Giang đã tạo điều kiện cho ngư dân, doanh nghiệp đa dạng hóa và mở rộng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, trong đó nhiều nhất là con cá rô phi hiện đang có thị trường xuất khẩu tốt.

02/02/2015
Nông Dân Vĩnh Châu Bước Vào Vụ Nuôi Artemia 2015 Nông Dân Vĩnh Châu Bước Vào Vụ Nuôi Artemia 2015

Năm nay theo kế hoạch Vĩnh Châu sẽ thả nuôi 550 ha Artemia, dự kiến sản lượng đạt trên 35 tấn trứng. Để đạt được kết quả trên, thời gian qua bằng các nguồn lực, thị xã đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để nạo vét lại tuyến kênh Bảy trăm, khơi thông dòng chảy, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con làm muối và nuôi artemia.

02/02/2015