Chim Công Vật Nuôi Mới, Cho Hiệu Quả
Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi động vật hoang dã của người dân có chiều hướng phát triển. Cùng với các hộ nuôi lợn rừng, nhím, chồn hương, chim trĩ… anh Nguyễn Hữu Khởi ở thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn (Tiên Du - Bắc Ninh) lại chọn cho mình một vật nuôi khác, đó là chim công. Bước đầu mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi chim công của gia đình anh Khởi qua buổi thăm quan thực tế của lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh tổ chức. Anh Khởi cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng nuôi gia cầm nhưng do giá cám tăng cao, dịch bệnh nhiều, nên không còn nuôi nữa.
Đến năm 2009, trong một lần tình cờ xem phóng sự trên truyền hình VTV2 về mô hình nuôi chim công của một nông dân ở tỉnh Nam Định, tôi đã bị say mê bởi loài chim hoang dã có bộ lông sặc sỡ rất đẹp này nên quyết tâm xuống Nam Định mua 20 con chim công mới nở, giống Ấn Độ, giá 750.000 đồng/con về nuôi thử”.
Vốn bản tính cần cù, ham học hỏi, anh đã tự tìm hiểu những kỹ thuật nuôi chim trên mạng internet, sách báo, cộng với việc có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nuôi gia cầm nên việc nuôi chim công của anh gặp nhiều thuận lợi, chim phát triển tốt. Từ số giống này, giờ đây đàn chim của gia đình anh Khởi sinh sôi lên đến hàng trăm con.
Nói đến công việc chăn nuôi chim công, anh Khởi chia sẻ: “Chim công là loài động vật có nguồn gốc hoang dã, việc nuôi nó không quá khó như mọi người thường nghĩ. Ưu điểm của loài chim là sức đề kháng tốt, tỷ lệ nuôi sống cao. Chim công là loài ăn tạp, thức ăn cho chim cũng đơn giản, dễ kiếm, chủ yếu là thóc, ngô và rau xanh, cỏ chiếm 60%, lượng thức ăn chỉ bằng 1/3 của gà nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí chăn nuôi.
Một ngày anh cho ăn 2 lần, buổi sáng cho ăn ngũ cốc ủ mầm, chiều cho ăn rau xanh. Riêng chim non sẽ có chế độ ăn khác hơn chim công trưởng thành, vì còn non nớt nên phải thường xuyên theo dõi và chăm sóc cẩn thận hơn. Chuồng trại cho chim cũng rất đơn giản có thể tận dụng chuồng gà, chuồng lợn, xung quanh vây thép B40, chuồng nuôi chọn nơi khô ráo, thoáng mát, bảo đảm giữ ấm mùa đông, thoáng mát về mùa hè”.
Tuy nhiên, cách vệ sinh phòng bệnh cho chim công chính là bí quyết khiến anh Khởi thành công với vật nuôi này. Cùng với việc tiêm phòng như các loại gia cầm khác, anh thường xuyên sử dụng men vi sinh rải khắp chuồng trại để xử lý chất thải, khử mùi hôi, tạo môi trường sạch, giúp chim công phát triển nhanh, rất ít bị bệnh đường ruột và hô hấp.
Sau 2 năm nuôi chim đạt đến độ tuổi trưởng thành và bắt đầu có khả năng sinh sản. Chim công đẻ vào cuối mùa xuân cho tới hết mùa hè, mỗi năm công mái đẻ khoảng 25 đến 35 trứng. Ban đầu khi chim công giống đẻ trứng, anh Khởi cho gà ấp trứng nhưng tỷ lệ nở không cao nên anh đã sử dụng lò điện để ấp và tìm ra công thức duy trì nhiệt độ thích hợp để trứng nở với tỷ lệ 90%.
Mỗi con chim công non mới nở được bán với giá 1 triệu đồng, nếu nuôi khoảng 2 năm, con trưởng thành nặng 6 - 7 kg, có thể làm giống thì giá lên đến 10 triệu đồng/con. Hiện mỗi năm gia đình anh Khởi bán khoảng 200 con chim công mới nở, thu về hơn 200 triệu đồng. Khách hàng của anh chủ yếu là các khu du lịch, những hộ gia đình khá giả trong và ngoài tỉnh mua để làm cảnh.
Mô hình nuôi chim công của anh Nguyễn Hữu Khởi là một độc đáo trong việc chuyển đổi giống vật nuôi mới. Hiện mô hình này bước đầu đang phát triển tốt, hy vọng với sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân mô hình chăn nuôi như của anh ngày càng được nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Công thương vừa có văn bản gửi các cơ quan thông tấn báo chí thông báo kết quả xác minh việc thương nhân Trung Quốc thu gom các loại nông, lâm sản và "những mặt hàng khác lạ"... sau khi yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát.
Sáng nay 30-3, Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam và triển khai đề án “Tái cơ cấu ngành thủy sản”.
Chuyện đã qua, nhưng hậu quả thì đến hôm nay vẫn chưa giải quyết được, mà trước hết là sự lúng túng trong việc hỗ trợ vốn để người dân tái đầu tư, gây dựng lại thương hiệu tu hài Vân Đồn...
Thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) lâu nay người dân thường trồng cây phi lao (dương liễu). Tuy không đem lại giá trị kinh tế cao, những cánh rừng phi lao dọc bờ biển này có tác dụng chắn gió, chắn cát và giữ đất. Nhưng trước sức hút của con tôm, người dân đã chặt phá hết cây, thuê xe máy đào, máy ủi bạt rừng để lấy đất đào hồ nuôi tôm. Gia đình bà Trương Thị Vân trước đây làm nghề đi biển, nhưng thấy nuôi tôm có giá nên cũng thuê đất đào hồ tôm.
Nhằm góp phần bảo vệ & phát triển nguồn lợi thủy sản, nằm trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản (1-4-1959 - 1-4-2014), vừa qua tại khu vực nuôi trồng thủy sản ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, Chi cục Thủy sản phối hợp với Hội Nghề cá tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) và chính quyền xã tổ chức thả 60 ngàn con tôm sú giống ra môi trường thiên nhiên.