Bảo hiểm nông nghiệp chiếc phao của nông dân trồng cà phê
Vấn đề bảo hiểm cho cây cà phê đã được triển khai thí điểm, bước đầu cho thấy những hiệu ứng tích cực.
Những bước đi ban đầu
Để góp phần giảm bớt thiệt hại cho người trồng cà phê khi hạn hán xảy ra, trong 2 năm (2011 – 2012), Công ty Bảo Minh Đắk Lắk đã triển khai thí điểm bảo hiểm theo chỉ số hạn hán cho người trồng cà phê tại 5 vùng có trạm đo mưa, với ngưỡng hạn xác định tại thị xã Buôn Hồ: 55mm, huyện Cư M’gar: 32mm, TP. Buôn Ma Thuột: 40mm, Cầu 14: 68mm, huyện Krông Ana: 44mm; 60 nông hộ đăng ký mua bảo hiểm trên diện tích 49,5 ha.
Thời hạn đo mưa là từ ngày 31-3 đến ngày 10-5 hằng năm, nếu tổng lượng mưa tích lũy từ ngày 31-3 đến ngày 10-5 hằng năm (xác định theo số liệu của Trạm khí tượng thủy văn) bằng hoặc thấp hơn ngưỡng hạn tại 5 vùng triển khai thí điểm, nông dân sẽ được bồi thường tối đa cao gấp 10 lần so với mức phí phải đóng (số tiền được bồi thường tỷ lệ nghịch với lượng mưa đo được).
Ông Phan Văn Ban, xã Pơng Đrang, (Krông Búk) cho biết, năm 2011, gia đình mua bảo hiểm chỉ số hạn hán cho 1 ha cà phê với mức phí 1,5 triệu đồng, lượng mưa tích lũy đo được trong thời gian bảo hiểm là 34.1mm (tương ứng mức bồi thường 40%) nên gia đình nhận 7,2 triệu đồng bồi thường thiệt hại.
Sản xuất nông nghiệp chứa nhiều rủi ro, khi vườn cà phê được bảo hiểm đã tạo tâm lý thoải mái cho gia đình ông trong việc chăm sóc vườn cây mùa hạn. Ông Nguyễn Bá Tòng phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ) thừa nhận, mực nước ngầm suy kiệt, mưa ngày càng ít đi nên hạn hán là mối đe dọa lớn nhất đối với vườn cà phê của gia đình.
Được sự giới thiệu của cán bộ khuyến nông, đầu năm 2011, ông có mua bảo hiểm hạn hán cho 0,5 ha cà phê của gia đình ở mức 2 triệu đồng và cũng được bồi thường 9,6 triệu đồng. Theo ông, lượng mưa trong thời gian bảo hiểm chỉ dựa vào một đơn vị xác định nên khó thuyết phục người dân tham gia bảo hiểm.
Nông dân xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc chăm sóc cà phê.
Ông Trần Quốc Phúc, Phó Giám đốc Công ty Bảo Minh Đắk Lắk cho biết, ngưỡng hạn được xác định theo từng vùng trên dựa vào thống kê tình hình hạn hán trong 30 năm tại các trạm đo mưa.
Mức phí bảo hiểm từ 4,5 – 5,5 triệu đồng/ha (tùy theo vùng được bảo hiểm), nhưng người dân cũng có thể lựa chọn mức phí thấp hơn. Số tiền bồi thường thiệt hại là nhằm để bù đắp chi phí xăng, dầu, nhân công và giảm sản lượng khi vườn cà phê của nông dân bị hạn hán.
Điểm ưu việt của sản phẩm này là việc xác định bồi thường rất đơn giản, chỉ cần căn cứ vào tổng lượng mưa tích lũy trong thời hạn bảo hiểm đo được tại trạm khí tượng chỉ định và được công bố bởi Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên để tính toán bồi thường theo công thức định sẵn.
Còn nhiều việc phải làm
Hiểu một cách đơn giản, bảo hiểm nông nghiệp là lấy những năm được mùa để bù đắp chi phí cho những năm mất mùa và là xu thế tất yếu của nông nghiệp tương lai. Nếu theo phương thức bảo hiểm của Công ty Bảo Minh Đắk Lắk thì các trạm đo mưa chỉ đo được lượng mưa trong vòng bán kính khoảng 20km, trong đó, nhiều trạm nằm trong khu dân cư nên diện tích cà phê nằm trong vùng triển khai bảo hiểm rất hạn chế.
Do vậy, để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm, cần thiết phải tính đến phạm vi vùng khí hậu tương đồng. Ngoài ra trên thực tế, cây cà phê bên cạnh chịu tác động do hạn hán còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khác như sâu bệnh, biến động về giá, vốn đầu tư chăm sóc…
Cuối tháng 8 vừa qua, tại TP. Buôn Ma Thuột, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN – PTNT) đã phối hợp với Sở NN - PTNT tổ chức Hội thảo đề xuất mô hình bảo hiểm nông nghiệp cho cây cà phê vấn đề thể chế và kỹ thuật.
Viện đề xuất khu vực khuyến nghị thực hiện bảo hiểm thí điểm tại tỉnh Đắk Lắk (huyện Krông Năng, Cư M’gar) và Lâm Đồng (huyện Đam Rông, Di Linh). Để vườn cây được bảo hiểm thì chủ nhân phải chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình; gần ngày thu hoạch, đơn vị thẩm định sẽ trực tiếp tới vườn cây để xác định thiệt hại dựa trên mức năng suất được bảo hiểm.
Mức năng suất Viện dự kiến triển khai là 2,5 tấn/ha. Tuy nhiên, tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng mức bảo hiểm này là quá thấp; nếu muốn nhận mức bảo hiểm cao, người trồng cà phê phải chọn gói bảo hiểm có mức phí cao nên bà con rất khó tiếp cận.
Bà Hoàng Thị Liên, thôn 1, xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) cho biết, bảo hiểm nông nghiệp là lĩnh vực mới, gia đình bà rất mong muốn tham gia nhưng năng suất bình quân của vườn cà phê gia đình bà là 4,5 tấn/ha, nếu bảo hiểm với mức năng suất như trên thì gia đình cũng như những hộ khác sẽ không tham gia. Theo bà, Viện nâng mức bảo hiểm lên 3 tấn/ha là vừa...
Hồ Ea H’ra, xã Ea Tul (Cư M’gar) cạn kiệt nguồn nước khiến vườn cà phê của các hộ lân cận bị hạn.
Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng phân tích, năng suất dự kiến bảo hiểm dựa trên năng suất bình quân của địa phương được bảo hiểm, Viện sẽ cân đối, điều chỉnh mức năng suất bảo hiểm để thu hút nhiều nông dân tham gia.
Mục đích bảo hiểm nông nghiệp là giảm bớt rủi ro cho người dân trong quá trình sản xuất và được triển khai rộng rãi ở Nhật Bản, Tây Ban Nha, Mỹ… Viện mong muốn các cấp ngành tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu thêm về hình thức bảo hiểm mới này và Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ hợp lý triển khai một số mô hình điểm để nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm
Mùa biển năm nay, nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) liên tục trúng đậm mùa cá tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.
Dự án thực hiện ở 3 giai đoạn: cuối năm 2014 ươm giống, đầu năm 2015 triển khai thí điểm và trồng thực nghiệm (dự kiến khoảng 250 ha) các loài cây dược liệu bản địa phù hợp với thổ nhưỡng địa phương như: Kim tiền thảo, gừng, hoài sơn, sen, tràm, rau đắng biển, xuyên tâm liên…
Để thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp mang tính khả thi cao, tỉnh Tiền Giang đã mạnh dạn quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng đến năm 2020 khoảng 78.000 ha thuộc 79 xã của 9 huyện, sản lượng ổn định từ 1 - 1,1 triệu tấn/năm, xuất khẩu 250.000 tấn gạo/năm.
Ông Trương Văn Đúng, GĐ Trung tâm giống vật nuôi Sóc Trăng nói: Với khả năng SX con giống từ 3.500-4.000 con/năm nhưng trung tâm vẫn không đủ con giống bán.
Các cán bộ của Cục Chăn nuôi đã được đào tạo về LEGs và đến nay đã được cấp chứng nhận là giảng viên đào tạo LEGs do tổ chức LEGs cấp và là người trực tiếp giảng trong các lớp tập huấn. Học viên tham gia lớp tập huấn là các cán bộ thuộc các cơ quan Bộ NN-PTNT, các Sở NN-PTNT.