Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bài Toán Tháo Gỡ Khó Khăn Ngành Cá Tra

Bài Toán Tháo Gỡ Khó Khăn Ngành Cá Tra
Ngày đăng: 14/02/2014

Bài toán cá tra không chỉ đơn giản là kiểm soát diện tích, sản lượng nuôi mà song song với đó là xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm phi lê cá tra xuất khẩu.

Không đơn giản chỉ là kiểm soát sản lượng

Đó là ý kiến được đưa ra tại hội thảo hội thảo “Phát triển thị trường và nâng cao giá trị gia tăng cá tra tại ĐBSCL” do Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức vào ngày 19/12 tại TP Cần Thơ vừa qua.

Theo thống kế của Tổng cục Thủy sản, tính đến cuối tháng 12/2013, diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL là 4.679 ha, chỉ bằng 87% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó diện tích đã thu hoạch là 3.638 ha với sản lượng khoảng 1 triệu tấn. Ước giá trị XK cá tra năm 2013 gần đạt 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ cá tra còn rất nhiều khó khăn. Theo ý kiến của lãnh đạo nhiều DN cũng như chuyên gia, việc kiểm soát diện tích nuôi thông qua đó kiểm soát được sản lượng cá tra thương phẩm sẽ là một trong những giải pháp ưu tiên thực hiện nhằm tháo gở khó khăn ngành cá tra hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Kịch – Tổng GĐ Công ty CAFATEX - cho rằng: “Giải pháp trước tiên và cấp bách hiện nay đối với con cá tra hiện nay là phải kiểm soát được sản lượng và diện tích nuôi. Nếu chúng ta chưa kiển soát được sản lượng, diện tích nuôi thì đừng nên bàn đến những giải pháp khác. Chỉ khi nào làm tốt giải pháp này thì hàng loạt các khó khăn của ngành cá tra sẽ tự động được giảm bớt, gỡ bỏ”.

Tại hàng loạt các hội thảo chuyên ngành lớn được tổ chức trong thời gian qua, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã khẳng định rằng kiểm soát diện tích và sản lượng cá tra nuôi là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp cá tra hiện nay. Để làm tốt công tác này, ông đề nghị lãnh đạo các địa phương có diện tích nuôi và sản lượng lớn nên ngồi lại với nhau cũng bạn bạc thống nhất phân chia sản lượng, diện tích nuôi của từng địa phương, kiểm soát chặt chẽ nguồn cung.

Đồng quan điểm trên, song ông Võ Hùng Dũng – Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam - nêu lên những quan ngại cho rằng việc kiểm soát diện tích và sản lượng cá tra nuôi là vô cùng khó khăn. “Đây là việc mà chúng ta nhất định phải làm, tuy nhiên trong quá trình thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh liên kết vùng đối với con cá tra còn nhiều hạn chế và lõng lẽo” Ông cho biết thêm: “Do tính đặc thù nên con cá tra rất nhạy cảm với giá, dù thực trạng hiện nay là người nuôi cá tra thua lỗ phải treo ao, nhưng một khi có sự biến động tăng về giá dù rất nhỏ thì nông dân ùn ùn nuôi cá, cả diện tích và sản lượng gia tăng nhanh chóng mà nhiều tháng sau mới có thể tiêu thụ hết”.

Con cá tra Việt Nam đang “mắc cạn” trong một mớ “bòng bong” của những vấn đề nan giải. Để vượt qua giai đoạn chông gai này, kiểm soát diện tích và sản lượng nuôi là một trong những giải pháp quan trọng cần phải được ưu tiên thực hiện trước tiên. Song vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Song song với đó cần phải thực hiện song hành hàng loạt giải pháp khác trong đó có xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị gia tăng philê cá tra XK.

Mở rộng thị trường xây dựng thương hiệu và nâng cao GTGT phi lê cá tra XK

Cá tra Việt Nam gần như chiếm độc quyền trên thị trường thế giới thế nhưng sản phẩm XK cá tra còn quá đơn điệu phần lớn là philê đông lạnh, một phần rất nhỏ là sản phẩm GTGT. Đây được xem là một trong những rào cản trong việc xây dựng thương hiệu và hình tượng con cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. Sự đa dạng về chủng loại sản phẩm, từ những mặt hàng truyền thống chất lượng cao đến các mặt hàng GTGT, sẽ là điều kiện tốt để con cá tra Việt Nam tiếp cận mạnh hơn với thị trường thế giới.

Trong thực tế, quá trình chế biến cá tra thành sản phẩm đông lạnh XK thường chỉ lấy đi 1/3 khối lượng nguyên liệu đầu vào, phần còn lại thải ra như: đầu xương cá, da, vè, mỡ, bao tử, thịt vụn cá,…chứa rất nhiều nguyên liệu có giá trị làm ra nhiên liệu sinh học, dầu ăn, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,… Ngoài bao tử cá được bán dưới dạng hàng GTGT thì phần còn lại chỉ dùng để sản xuất bột cá và dầu cá thô. Thay vì cứ XK cá tra phi lê, cạnh tranh lẫn nhau, ngành nên tập trung phát triển mặt hàng GTGT tiện dụng cho người tiêu dùng, đa dạng chủng loại.

Với những đặc thù về sức tăng trưởng nhanh, sản lượng lớn, khả năng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu để gia tăng sản lượng cá tra còn rất lớn. Bên cạnh đó, một số quốc gia lân cận trong khu vực cũng đang đầu tư tiền bạc, công sức nghiên cứu khoa học để nuôi thương phẩm đối tượng này, quá trình cạnh tranh giữa cá tra Việt Nam và các nước khác đang hình thành và ngày càng lớn dần. Do đó, để phát huy hết tất cả tiềm năng, lợi thế trong nước cũng như gia tăng sự cạnh tranh đối với các nước trong khu vực thì công tác nghiên cứu và tiếp cận thị trường cần phải được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, dự kiến kim ngạch XK cá tra Việt Nam năm 2014 sẽ giảm khoảng 5% so với năm 2013. Nhìn chung cá tra vẫn là sự lựa chọn của người tiêu dùng nước ngoài do giá cả phải chăng, trong đó nhu cầu tiêu dùng tại châu Á, Mỹ Latinh sẽ ít thay đổi. Thị trường Trung Quốc có thể sẽ trở thành thị trường hấp dẫn khi đã có mức tăng trưởng đang kể trong năm 2013 đạt mức 6% tổng kim ngạch XK với mức trung bình khoảng 4.000 tấn/tháng.

“Bên cạnh việc xúc tiến và mở rộng thị trường nước ngoài, thị trường trong nước, với hơn 90 triệu dân cũng là một thị trường đầy tiềm năng và cần phải được chú trọng khai thác. Theo dự báo của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đến năm 2015 sản lượng cá tra tiêu thụ nội địa có thể tăng 100%, năm 2020 là 300% so với năm 2012” - ông Võ Hùng Dũng cho biết.

Cá tra Việt Nam có nhiều lợi thế và còn nhiều tiềm năng, nhưng suốt thời gian khá dài đã phát triển thuần túy theo bề rộng, với quan điểm kinh doanh “bán cái mình có” chứ không phải “bán cái khách hàng cần”. Đã đến lúc tư duy này cần phải được thay đổi. Song song với kiểm soát diện tích, sản lượng nuôi, công tác nghiên cứu mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu và nâng cao tỷ lệ hàng GTGT các sản phẩm cá tra cần phải được đầu tư thực hiện một cách khoa hoc, bài bản.


Có thể bạn quan tâm

Cuối Năm Sẽ Xuất Nhãn Sang Mỹ Cuối Năm Sẽ Xuất Nhãn Sang Mỹ

Thị trường Mỹ vừa mở cửa cho nhập khẩu nhãn và vải của Việt Nam. Trước đó quả thanh long đã xuất vào thị trường này.

26/09/2014
Giá Trăn Ổn Định Trở Lại Giá Trăn Ổn Định Trở Lại

Sau thời gian giá trăn giảm mạnh do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc, đến nay giá trăn đã tăng và ổn định trở lại, giúp các hộ nuôi trăn ở ĐBSCL có thêm nguồn thu nhập khá.

26/09/2014
Tiếp Tục Siết Chặt An Toàn Thực Phẩm Tiếp Tục Siết Chặt An Toàn Thực Phẩm

Sáng 25/9, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ NN-PTNT giao ban về công tác quản lí chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm (ATTP) tháng 8, và triển khai kế hoạch tiếp theo với rất nhiều vấn đề nổi cộm cần phải giải quyết.

26/09/2014
Hậu Giang Quy Hoạch Khu Nông Nghiệp CNC Hậu Giang Quy Hoạch Khu Nông Nghiệp CNC

UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành quy định quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ đến năm 2025 dành cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi tiến hành đầu tư xây dựng.

26/09/2014
Hướng Giải Quyết Ô Nhiễm NM Thủy Sản Hướng Giải Quyết Ô Nhiễm NM Thủy Sản

Tiếp tục những thành quả đạt được từ việc xử lý chất thải chế biến thủy sản, Cty Hoài Nam - Hoài Bắc, DN xử lý môi trường hàng đầu Việt Nam đã làm việc với Sở TN-MT An Giang về xử lý nước thải NM thủy sản theo cơ chế phát triển sạch CDM.

26/09/2014