Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giảm Lệ Thuộc Vào Trung Quốc Rau Quả Chuyển Hướng Xuất Khẩu

Giảm Lệ Thuộc Vào Trung Quốc Rau Quả Chuyển Hướng Xuất Khẩu
Ngày đăng: 06/06/2014

Chủ động tìm thị trường mới, tăng XK chính ngạch và tập trung chế biến để tăng giá trị hàng hóa…, là những giải pháp của các DN XK nông sản đang hướng tới, nhằm giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Những năm gần đây, Trung Quốc là thị trường XK nông sản quan trọng của Việt Nam. Thị trường này dễ tính và không yêu cầu cao về chất lượng nên được nhiều DN ưa chuộng.

Tuy nhiên, đa phần các mặt hàng đều XK qua đường tiểu ngạch, luôn tiềm ẩn những rủi ro đối với thương nhân trong nước. Đồng thời, sự lệ thuộc lớn vào một thị trường không ổn định như Trung Quốc đã khiến nhiều mặt hàng XK bắt đầu bị ảnh hưởng và buộc phải tìm giải pháp chuyển hướng.

Gặp chúng tôi, anh Trần Hữu Danh, GĐ Cty TNHH Long Việt (Tiền Giang) chuyên XK mặt hàng thanh long đi Trung Quốc tâm sự: “Các mối xuất hàng thanh long của công ty chúng tôi hiện đã rút hết về Trung Quốc, vì lo ngại tình hình căng thẳng trên biển Đông.

Do vậy, trước mắt những ngày qua chúng tôi phải tính toán giảm lượng hàng XK và tạm chuyển hướng xuất sang thị trường Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…!”. Theo anh Danh, hiện nay bình quân mỗi ngày DN của anh xuất khoảng 3 container thanh long, nhưng nay giá thu mua thanh long tại vườn giảm khoảng phân nửa so với tháng trước...

Còn ông Trần Ngọc Hiệp, GĐ Cty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) cũng cho biết, khoảng 80% lượng hàng thanh long của DN ông xuất sang thị trường TQ. Tuy nhiên, thời gian qua thị trường TQ chỉ còn vài phần trăm, DN ông đã chuyển hướng, 60% lượng hàng xuất sang châu Âu, Ấn Độ có giá trị cao hơn nhiều.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết: “Có một số DN (hội viên của Vinafruit) cũng đang tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc thị trường Trung Quốc, bằng cách xuất thêm nhiều loại trái cây tươi mới.

Cụ thể như trước đây chỉ XK thanh long, nhưng nay họ đã tìm thêm thị trường XK bưởi, hiệu quả mang lại cao và giảm được rủi ro. Gần đây, tin vui đến từ nhiều thị trường khó tính bắt đầu mở cửa, các DN XK của ta tập trung thu mua thanh long xuất sang New zealand, xoài sang Hàn Quốc, chôm chôm và vải sang Mỹ...”.

“Theo PGS.TS Nguyễn Minh Châu – Nguyên Viện trưởng Viện CĂQ miền Nam, XK vào thị trường Trung Quốc có cái lợi là dù chất lượng thấp vẫn bán được, nhưng giá cả thường không ổn định. Khi gặp vấn đề thông quan ở biên giới, ngay lập tức hàng chục tấn rau quả sẽ bị kẹt lại không bán được, phải đổ bỏ như trường hợp dưa hấu vừa qua và nhiều mặt hàng rau quả khác trước đây.

Giải pháp cho XK rau quả của Việt Nam là phải sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP và phải tìm cách tiếp thị đến các thị trường có giá trị cao XK như Nhật Bản, Hoa Kỳ và châu Âu..”.

Theo ông Kỳ, ngành rau quả Việt Nam đang có những chiến lược đa dạng hóa thị trường và sản phẩm. Sản phẩm đã được chú trọng về chất lượng, bảo quản tốt, đều được xử lý bằng công nghệ chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng, kiểm dịch nên đủ điều kiện để XK vào thị trường khó tính. Đây là một thuận lợi để rau quả VN thoát ra sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Theo Vinafruit, kim ngạch XK rau quả 4 tháng đầu năm 2014 đạt 351 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường XK rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 32% thị phần. Kinh nghiệm của các chuyên gia, làm ăn với Trung Quốc, DN phải có hợp đồng, chứng từ rõ ràng, thanh toán qua ngân hàng, tìm hiểu kỹ đối tác, kỹ thị trường…

Để giảm rủi ro, DN phải có chiến lược tiếp cận bài bản như tổ chức lại hạ tầng vận chuyển, đầu tư xây dựng các kho ngoại quan tại cảng lớn như Hải Phòng và cửa khẩu Quảng Ninh, Lạng Sơn để lưu trữ chứ không thể chở ra xếp hàng chờ bán như trước đây.

Đồng thời, cần có chiến lược khai thác các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, châu Phi…để giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay.

Trao đổi với PV NNVN, TS. Lương Ngọc Trung Lập, Viện CĂQ miền Nam (Sofri) cho biết: “Đến nay thị trường Trung Quốc vẫn là chủ lực của trái cây VN. Tuy nhiên, ở thị trường này chủ yếu ta XK theo đường tiểu ngạch. Trước tình hình hiện nay, một số DN xuất hàng trái cây sang thị trường này cũng đang rất lo ngại... Song chưa ảnh hưởng gì nhiều”.

Theo ông Lập, năm 2013 trái thanh long của VN đã XK sang hơn 30 quốc gia, trong đó phần lớn là Trung Quốc (80%). Trong thời gian qua, Cục BVTV đã mở rộng được nhiều thị trường khó tính như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, mới đây còn mở thêm được thị trường Ấn Độ và tin vui là chúng ta cũng vừa hoàn tất xong thủ tục xuất thanh long vào thị trường New Zealand.

Như vậy, chúng ta đã mở được gần hết thị trường khó tính, vấn đề còn lại là phải sản xuất bài bản, bền vững..., để giữ được những thị trường này.


Có thể bạn quan tâm

Tập Trung Phát Triển Chuỗi Giá Trị Chăn Nuôi Tập Trung Phát Triển Chuỗi Giá Trị Chăn Nuôi

Thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) được chọn triển khai tại 9/9 xã trên toàn địa bàn huyện cho 5.423 hộ dân, trong đó có 3.618 hộ nghèo và 570 hộ cận nghèo. Gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, Bác Ái xác định tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị trong chăn nuôi và nông sản hàng hóa từ lợi thế sẵn có của địa phương.

10/06/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Đu Đủ Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Đu Đủ

Đợt thử nghiệm đầu tiên trồng 200 gốc đu đủ trên đất ruộng, anh Trương Văn Hiền ở tổ 3, ấp 2, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã thu kết quả không ngờ. Bình quân mỗi cây cho trên 60 kg, giá trung bình 4.000 đồng/kg, anh thu về gần 50 triệu đồng. “Thừa thắng xông lên”, năm 2009 anh tiếp tục mở rộng diện tích 0,7ha, trồng 1.700 cây đu đủ và hiện cây sắp đến ngày thu hoạch…

10/06/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Liên Kết Chăn Nuôi Hiệu Quả Từ Mô Hình Liên Kết Chăn Nuôi

Phát triển chăn nuôi gia súc liên kết đang là hướng đi mới, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với chăn nuôi đơn lẻ. Nhận thức rõ vấn đề này, HTX chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hùng Cường, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã xây dựng hiệu quả mô hình sản xuất khép kín, đảm bảo chất lượng, cải thiện đời sống cho người dân.

11/06/2013
Vụ Hè Thu Năm 2013 Nông Dân Lại Thua Lỗ Vụ Hè Thu Năm 2013 Nông Dân Lại Thua Lỗ

Đến thời điểm này, trên 60% diện tích lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch. Nông dân đang trông chờ chính sách thu mua tạm trữ của Chính phủ để giá lúa nhích lên. Tuy nhiên, theo quy định, đến ngày 15/6 mới mua tạm trữ thì nông dân chắc gì còn lúa để bán...

11/06/2013
Mùa Trồng Mới Chú Ý Chất Lượng Cây Giống Mùa Trồng Mới Chú Ý Chất Lượng Cây Giống

Thị trường cây giống ở Gia Lai đang bắt đầu nở rộ với sự đa dạng về chủng loại cây giống như bời lời, cà phê, tiêu, giống cây ăn quả… Tuy nhiên, chất lượng cây giống vẫn đang còn bỏ ngỏ khi mà hầu hết quy trình chọn giống, ươm cây đều dựa vào kinh nghiệm của chủ vườn ươm.

11/06/2013