Chọn Giải Pháp Giúp Dân Giảm Nghèo
Sau 5 năm huyện Sơn Hà kiên trì triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhưng kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Huyện Sơn Hà đang nỗ lực thực hiện những giải pháp mới nhằm đưa nghị quyết này vào cuộc sống.
30a là chương trình giảm nghèo quy mô nhất trong tổng số 16 chương trình, chính sách giảm nghèo mà huyện nghèo Sơn Hà đang thụ hưởng. 5 năm qua, tổng nguồn vốn 30a đã đầu tư cho huyện nghèo này hơn 203 tỷ đồng (chưa tính nguồn xây dựng nhà 167). Số hộ nghèo giảm trong 5 năm 5.248 hộ, bình quân mỗi năm hơn 1.000 hộ thoát nghèo…
Dựa vào chính quyền cơ sở
Từ kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a, Sơn Hà tiếp tục quán triệt mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của Nghị quyết 30a đến cơ sở.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Nguyễn Phong cho biết: “Chương trình 30a được đưa về tận cơ sở, đến tay dân nghèo thụ hưởng. Vì thế, lãnh đạo xã phải xác định rõ trách nhiệm của mình, phối hợp chặt chẽ, gần dân, hiểu dân nghèo cần gì để hỗ trợ trúng, đúng đối tượng”.
5 năm qua, chỉ tính riêng hợp phần “hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập” huyện Sơn Hà đã giải ngân hơn 39 tỷ đồng mua cây, con giống, dạy nghề… cho người nghèo. Tuy nhiên, nhiều cây, con giống sau khi hỗ trợ cho hộ nghèo chưa phát huy tác dụng.
Không ít người nghèo học nghề xong lại chưa thể “hành nghề”, kiếm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nguyên nhân chính vẫn là người nghèo chưa thực sự nỗ lực, song không thể bỏ qua lý do việc chính quyền và ngành chức năng đã chọn cây, con giống hỗ trợ chưa phù hợp; chọn nghề để dạy cho người nghèo chưa bám sát đòi hỏi của thị trường lao động...
Riêng chuyện sử dụng gần 160 tỷ đồng vốn 30a để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, nhiều công trình vẫn chưa bức thiết. Trong khi vẫn còn những công trình bức thiết lại chưa được ưu tiên đầu tư xây dựng.
Những bất cập này một phần do chính quyền và ngành chức năng chưa sát cơ sở. Vì vậy, những vấn đề đang đặt ra trong thực hiện Chương trình 30a thời gian đến là: Chính quyền cơ sở phải bám sát nhu cầu của người nghèo để hỗ trợ. Công trình nào bức thiết thì xây dựng trước.
Hộ nghèo khó nhất sẽ ưu tiên hỗ trợ trước. Phải có sự lựa chọn phù hợp về công trình, cây con giống, hỗ trợ đào tạo nghề... trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 30a thì mới mang lại hiệu quả.
Thực tế, việc triển khai thực hiện Chương trình 30a, thôn, xã đóng vai trò rất quan trọng. Từ chuyện xét chọn đối tượng, chọn cây con giống hỗ trợ, chọn công trình để xây dựng… đều phải từ cơ sở cả. Đây là bài học cho Sơn Hà trong thực hiện Chương trình 30a giai đoạn 2014 – 2020.
Giải pháp “vốn đối ứng”
Thống kê sơ bộ của huyện Sơn Hà, sau khi chọn heo, bò giống để cấp cho hộ nghèo, thì có đến 30% heo giống, khoảng 3% bò giống bị chết. Đó là chưa kể một số hộ tự ý bán bò, heo đã hỗ trợ lấy tiền chi dùng việc khác hoặc đổi bò lấy trâu…
Đó là vì đây là của cho, người dân không phải đóng góp tiền để mua con giống, nên phần nào không gắn kết, cộng đồng trách nhiệm để biến của cho thành của cải thực sự.
Sau khi nghiên cứu, lựa chọn nhiều giải pháp nhằm giúp người dân hiểu được “của cho là của quý” để bảo vệ, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đã được hỗ trợ, UBND huyện Sơn Hà quyết định chọn giải pháp: Người được chọn hỗ trợ con giống phải có đối ứng 20% số tiền Chương trình 30a mua con giống hỗ trợ.
Tức là ngân sách 80%, người dân 20%. Không hỗ trợ con giống cho hộ nghèo không có khả năng và điều kiện chăn nuôi. Vì những hộ này sẽ làm chết hoặc bán rẻ con giống sau khi được hỗ trợ.
Chỉ hỗ trợ cho những ai có ý chí, mong muốn thoát nghèo. “Nếu hộ nghèo nào không có tiền, nhưng có điều kiện chăn nuôi, mong muốn thoát nghèo thì chính quyền, hội đoàn thể và ngân hàng sẽ phối hợp tạo điều kiện cho vay vốn để đối ứng”, ông Nguyễn Phong - Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết.
Giải pháp không kém phần quan trọng mà huyện Sơn Hà sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới để quyết tâm đưa Nghị quyết 30a đi vào cuộc sống là “tăng cường giám sát cộng đồng”. Các hộ dân sẽ phát huy vai trò giám sát, giúp chính quyền phát hiện hộ nào bán con giống được hỗ trợ để kịp thời có biện pháp xử lý.
Đối với các công trình xây dựng bằng vốn 30a, việc giám sát cộng đồng sẽ giúp công trình đảm bảo tiến độ và chất lượng. Việc chọn công trình, chọn hộ dân để hỗ trợ cây, con giống nếu người dân tham gia tích cực cùng chính quyền xét chọn thì sẽ tránh lãng phí, sai sót khi triển khai thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Hiện các tỉnh duyên hải miền Trung có 8.000-10.000 hộ nuôi tôm hùm, sản lượng hằng năm đạt 1.385 tấn, đem lại nguồn thu 3.500 tỉ đồng/năm.
Vùng biển Tây Nam Bộ có nguồn lợi cá cơm rất dồi dào. Tuy nhiên hiện nay, do tình trạng lạm thác, nguồn nguyên liệu quý giá này đang có xu hướng suy giảm cả về chất lượng và số lượng.
Ngày 23/7, tại TP Đồng Hới (Quảng Bình), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp (LN). Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị.
Ngoài số tiền phạt nói trên, UBND tỉnh Quảng Nam cũng tịch thu tang vật vi phạm bổ sung vào ngân sách Nhà nước. Đây là trường hợp mua bán hạt ươi trái phép thứ 3 bị phạt nặng tại Quảng Nam kể từ đầu tháng 7 đến nay.
Tính đến ngày 27-3, các doanh nghiệp TP Cần Thơ đã thu mua tạm trữ được hơn 20.278 tấn quy gạo vụ đông xuân 2013-2014, đạt 14,8% chỉ tiêu được phân bổ. Hiện nông dân thành phố đang thu hoạch rộ lúa đông xuân, việc đẩy mạnh thu mua tạm trữ của doanh nghiệp (DN) đã tạo điều kiện cho nông dân đảm bảo có lợi nhuận.