Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bắc Hà (Lào Cai) Trúng Mùa Đào Pháp

Bắc Hà (Lào Cai) Trúng Mùa Đào Pháp
Ngày đăng: 22/04/2014

Những ngày này, ở khu vực trung tâm huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) chủ yếu ở thị trấn, xã Tả Chải, Na Hối, Bản Phố, bà con nông dân đang tập trung thu hoạch đào Pháp, ai nấy đều rạng ngời niềm vui vì vụ thu hoạch đào Pháp năm nay được mùa, được giá.

Hiện đào Pháp loại to giá ổn định từ 20 - 30 ngàn đồng/kg, loại nhỏ giá từ 10 - 15 ngàn đồng/kg. Vụ thu hoạch đào Pháp ở Bắc Hà bắt đầu từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 5 kết thúc, trong đó thời điểm chính vụ, đào chín rộ vào cuối tháng 4, đúng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, cũng là thời điểm nhiều khách du lịch ở Bắc Hà.

Gia đình ông Vàng Văn Thỉ, dân tộc Tày, ở thôn Na Kim, xã Tả Chải - là gia đình trồng cây đào Pháp đầu tiên và có diện tích nhiều nhất huyện Bắc Hà. Năm 1997, gia đình ông Thỉ bắt đầu trồng thử nghiệm 30 cây giống. Sau hai năm, cây đào Pháp đầu tiên đã bói quả.

Sang năm thứ ba, cây đào đậu quả cho sản lượng cao, vì vậy gia đình tiếp tục tự nhân giống mở rộng diện tích lên gần 200 cây đào trồng ở quanh những sườn đồi núi dốc hoang hoá và trồng thay thế vào một số diện tích mận tam hoa đã thoái hoá. Từ trồng cây đào Pháp, mỗi năm gia đình anh Thỉ thu từ 17 đến 25 triệu đồng, trong đó năm 2012 là năm cao nhất, với 25 triệu đồng. Ước tính vụ thu hoạch đào Pháp năm 2014 gia đình thu trên 30 triệu đồng từ bán quả đào Pháp.

Ông Thỉ cho biết, tuy có năm được mùa, năm mất mùa nhưng trồng đào Pháp vẫn kinh tế hơn cây mận, ngô, lúa và một số loại cây ăn quả khác. Giá đào cao hay có giảm chút ít chỉ do mẫu mã quả đào, song giá thành như vậy vẫn là cao so với một số cây ăn quả khác.

Năm 2013 do ảnh hưởng của mưa đá, đào mất mùa, năm nay điều kiện thời tiết, khí hậu hết sức thuận lợi cho cây đào sinh trưởng và phát triển nên đào Pháp đậu quả cao. Đây cũng là năm sai quả nhất được mùa nhất, trong khi giá thành quả đào cao, lại ổn định.

Ông Lương Quang Thạch, Trại trưởng Trại rau quả huyện Bắc Hà cho biết, năm nào quả đào Pháp cũng được giá, cao gấp 3-4 lần quả mận vì quả đào Pháp mẫu mã đẹp, tươi ngon.

Cây đào Pháp bắt đầu được đưa vào trồng thử nghiệm tại Trại rau quả huyện Bắc Hà từ năm 1991 thông qua chương trình hợp tác phát triển vùng cây ăn quả giữa Lào Cai với tổ chức Lương thực thế giới FAO. Qua 9 năm lai tạo, trồng thử nghiệm 3 giống đào Pháp là DT1, DT2 và DT3. Kết quả, giống đào DT2 thích hợp với điều kiện tự nhiên vùng trung tâm huyện, cho năng suất, chất lượng quả cao.

Bắt đầu từ năm 2000, Trại rau quả huyện bắt đầu cung cấp giống đào Pháp DT2 cho các hộ nông dân khu vực trung tâm huyện trồng thay thế diện tích mận đã già cỗi, thoái hóa giống.

Năm 2000, tỉnh Lào Cai đã có chương trình phối hợp với vùng Aquiten Cộng hòa Pháp, triển khai chương trình phát triển cây ăn quả ôn đới tại 2 huyện Bắc Hà và Sa Pa. Trong đó, tại huyện Bắc Hà đã tiếp tục tập trung nghiên cứu phát triển giống đào Pháp có tên khoa học là Micrets.

Qua 4 năm lai tạo, giống đào này cũng cho thấy khả năng sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại địa phương. Bắt đầu từ năm 2004, bằng các chương trình, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, huyện Bắc Hà đã tiến hành cung cấp 2 loại giống đào pháp cho bà con nông dân tại các xã khu vực trung tâm.

Tiếp đó, năm 2012, thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chương trình phát triển cây ôn đới chất lượng cao giai đoạn 2011 – 2015 của tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà đã triển khai trồng mới 20ha cây đào pháp. Đến nay, toàn huyện Bắc Hà có khoảng 50ha cây đào Pháp, giống DT2, DT3, Micrets, tập trung ở 3 xã Tả Chải, Na Hối, Bản phố và Thị trấn Bắc Hà.

Giống đào Pháp được lai tạo trồng tại Bắc Hà thích hợp với điều kiện tự nhiên vùng trung tâm huyện, cho năng suất, chất lượng quả cao, thời điểm thu hoạch vào giai đoạn chuyển mùa từ mùa xuân sang hạ, lúc các loại cây ăn quả khác chưa cho thu hoạch hoặc đã thu hoạch xong nên quả đào Pháp không bị cạnh tranh, giá thành cao, ổn định. Đào Pháp đã khẳng định là cây xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống bà con nông dân.

Về lâu dài, để giá cả, việc tiêu thụ sản phẩm đào Pháp ổn định, huyện Bắc Hà tiếp tục đẩy mạnh việc cải tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm quả đào thông qua việc chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, nhất là vấn đề bảo quản quả đào cho các hộ dân trồng đào Pháp, tiến tới xây dựng thương hiệu đào Bắc Hà, nhằm bảo đảm quyền lợi, lợi ích cho chính người dân trồng đào và người tiêu dùng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cao nguyên trắng Bắc Hà.


Có thể bạn quan tâm

Nghề Nuôi Lươn Đã Thật Sự Giúp Giảm Nghèo Nghề Nuôi Lươn Đã Thật Sự Giúp Giảm Nghèo

Đến xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang bạn sẽ cảm thấy rất ngỡ ngàng bởi màu sắc sân vườn phía trước nhiều ngôi nhà rất ư là lạ mắt. Trong xanh thẫm mượt mà của cỏ cây, có màu xanh dương đậm của những tấm bạt ni-lon được che chắn thành hình chữ nhựt, mỗi ô chừng vài chục mét vuông. Trong bể có lục bình, điên điển đang trổ ra những bông hoa sắc màu mát dịu. Những cái bể ấy dùng để nuôi lươn đó bạn ạ! Điểm qua hành trình của con lươn từ tự nhiên đi vào bồn bể, bạn sẽ thầm cảm ơn bao người nông dân chân chất đã cần mẫn sớm hôm để tạo thêm nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho đời.

17/02/2013
Ngày Đầu Thu Mua Lúa, Gạo Tạm Trữ - Giá Lúa Nhích Dần Lên Ngày Đầu Thu Mua Lúa, Gạo Tạm Trữ - Giá Lúa Nhích Dần Lên

Ngày 20-2, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chính thức triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa). Người dân ĐBSCL hy vọng đây là giải pháp khắc phục tình trạng lúa hàng hóa ùn ứ trong dân, giá lúa sụt giảm khi vào vụ thu hoạch đông ken.

22/02/2013
Kinh Nghiệm Nuôi Tôm Theo Mô Hình Mới Kinh Nghiệm Nuôi Tôm Theo Mô Hình Mới

Trong năm qua, toàn tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện thả tôm nuôi với diện tích 1.470 ha (67% tập trung tại khu vực Đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), vượt 40% kế hoạch năm, trong đó có 194 ha tôm sú và 1.276 ha tôm thẻ chân trắng. Song do bệnh hội chứng tôm chết sớm (EMS) xuất hiện, lây lan trên diện rộng tại các vùng nuôi trọng điểm với diện tích 625 ha (chiếm 45% diện tích thả nuôi toàn tỉnh và tập trung 82% diện tích bệnh tại Đầm Nại) đã làm cho sản lượng thu hoạch chỉ đạt 87% kế hoạch.

27/02/2013
Thoát Nghèo Nhờ Cá Tai Tượng Thoát Nghèo Nhờ Cá Tai Tượng

Qua nhiều năm, ông Võ Văn Vân (KP. Đông, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An - Bình Dương) thử nhiều mô hình nông nghiệp khác nhau từ trồng cây ăn trái, đến chăn nuôi… nhưng đều không mang lại hiệu quả. Chỉ khi quyết định nuôi cá tai tượng, ông mới thực sự thoát nghèo.

05/03/2013
Thừa Thiên - Huế Tăng Diện Tích Nuôi Trồng Thuỷ Sản Thừa Thiên - Huế Tăng Diện Tích Nuôi Trồng Thuỷ Sản

Trong tháng 2/2013, diện tích nuôi trồng thuỷ sản (ở nước ngọt và nước lợ) toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đạt hơn 570 ha, tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước.

05/03/2013