Triển Vọng Từ Nuôi Cua Mật Độ Cao
Qua 2 năm triển khai, Dự án nuôi cua mật độ cao (1 con/m2) của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III Nha Trang tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã và đang mang lại hiệu quả rất cao, sản lượng thu được từ 1,5 - 2 tấn/ha, góp phần cải thiện cuộc sống người dân.
Tham quan mô hình trình diễn tại hộ ông Lê Văn Đây, ấp Tân Thành, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, mọi người không khỏi ngạc nhiên vì tính hiệu quả của mô hình. Ông Đây thông tin: “Cua mới được 3 tháng tuổi nhưng tốc độ lớn rất nhanh. Với mật độ như thế này, khi thu hoạch, tôi cầm chắc trong tay trên 2 tấn cua”.
Luân canh hiệu quả
Khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, con tôm ngày càng rủi ro do nhiều yếu tố môi trường, dịch bệnh, vì thế, nông dân bắt đầu chú ý các đối tượng nuôi khác, trong đó có con cua. Song, nhiều năm qua, con cua vẫn là đối tượng “lót đường”, được ví là kinh tế phụ nên cả ngành chức năng và hộ gia đình chưa quan tâm hướng dẫn, ứng dụng kỹ thuật nuôi cũng như nhân rộng mô hình.
Ông Lê Văn Đây thừa nhận: “Những năm trước mua cua giống về thả không theo quy trình kỹ thuật nào, tôi không phơi đầm, thuốc cá, không quan tâm chất lượng con giống… nên tỷ lệ cua nuôi đạt không cao, lợi nhuận thấp, thậm chí bị lỗ vốn”.
Từ khi Dự án nuôi cua mật độ cao 1 con/m2 tại 2 xã Phong Điền và Lợi An được triển khai, bà con nông dân đã thay đổi cách nhìn, cách làm không mấy hiệu quả trong thời gian qua. Đó là kinh nghiệm lựa chọn con giống tốt, cải tạo ao đìa trước khi thả con giống, xả cạn nước, phơi đáy, đặc biệt là diệt các loại cá tạp, rắn, lịch. Đó là những yếu tố mang lại thành công cho vụ nuôi mà mô hình trình diễn mang lại.
Tổng chi phí cho toàn vụ nuôi dưới 35 triệu đồng/ha. Trong đó, nguồn thức ăn gồm cá phi, hến tại địa phương nên chi phí trên dưới 20 triệu đồng; tiền con giống 10 triệu đồng; cải tạo ao đìa 2 triệu đồng.
Với mật độ 1 con/m2 tại 5 điểm trình diễn đã cho kết quả tỷ lệ sống trung bình của các ao từ 65 - 70%, cua đạt trọng lượng 250 - 350 g/con. Nếu giá cua y từ 100.000 - 120.000 đồng/kg như hiện nay thì sản lượng 1,7 - 2 tấn cua thương phẩm sẽ thu về từ 150-200 triệu đồng.
Nhiều hộ dân tham gia mô hình trình diễn chia sẻ kinh nghiệm, chăm sóc cua cần quan tâm đến lượng thức ăn, bởi thiếu ăn cua sẽ ăn thịt nhau, từ đó hao hụt nhiều và chậm lột xác. Nếu thức ăn dư sẽ lãng phí, gây ô nhiễm môi trường.
Cần nhân rộng mô hình
Phó Chủ tịch UBND xã Lợi An Võ Văn Lạc nhận định: “Ban Chấp hành Đảng bộ xã dự kiến thời gian tới sẽ chỉ đạo lồng ghép triển khai nhân rộng mô hình này trong toàn xã. Trong đó, các tổ chức Hội Nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ… sẽ đi đầu thực hiện mô hình. Chúng tôi tin rằng, thấy hiệu quả thiết thực mà mô hình đạt được, nhiều bà con sẽ tự giác làm theo, góp phần tăng thu nhập cho gia đình”.
“Hằng ngày chúng ta theo dõi vấn đề dịch bệnh, quản lý tốt môi trường ao nuôi, rào lưới xung quanh để hạn chế cua bò từ ao này sang ao khác, tránh lây lan dịch bệnh. Mô hình này không những góp phần giảm nghèo mà có thể làm giàu cho nông dân. Tôi nghĩ, khi bà con trong huyện, trong tỉnh nhận thấy hiệu quả từ mô hình trình diễn này, họ sẽ làm theo. Mô hình sẽ được nhân rộng”, ông Nguyễn Diễu, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III Nha Trang, nhận định.
Phó Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời Trương Thanh Hải đánh giá: “Qua 2 năm triển khai mô hình, chúng tôi nhận thấy con cua không có bệnh, vốn đầu tư, kỹ thuật, cải tạo so với đầu tư mô hình tôm sú ít hơn nhiều. Trong khi đó, giá cua ổn định, mức thấp nhất cũng từ 100.000 đồng/kg trở lên, nếu nuôi nghịch mùa thì từ 300.000 - 500.000 đồng/kg. Với lợi nhuận và hiệu quả mang lại từ con cua, điều mà chúng ta phải tính đến là nhân rộng cho nhiều hộ dân thực hiện mô hình này trong thời gian tới”.
Nuôi cua mật độ cao là dự án của Bộ NN&PTNT, được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III Nha Trang triển khai thực hiện: năm 2010, năng suất đạt 2,5 - 3 tấn/ha tại tỉnh Ninh Bình. Năm 2011, năng suất đạt 1,5 - 1,7 tấn/ha tại tỉnh Bến Tre. Năm 2012, tại xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, năng suất đạt 1,7 - 2 tấn/ha và hiện tại 5 mô hình trình diễn tại xã Lợi An, năng suất ước đạt 1,7 - 2 tấn/ha. Với hiệu quả này, trung bình mỗi hộ thực hiện mô hình thu lợi nhuận trên 150 triệu đồng/vụ nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi huyện Phúc Thọ phát triển khá mạnh cả về số lượng và quy mô, dần đáp ứng mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Nuôi thỏ là một nghề rất mới với người dân miền núi, tuy nhiên với quy trình chăn nuôi khép kín từ cung ứng giống, tập huấn khoa học kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm cho người dân, mô hình chăn nuôi thỏ quy mô nông hộ do Công ty cổ phần thương mại và sản xuất thực phẩm Hà Nội đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người nông dân.
Lâm Đồng là địa phương có nhiều ưu thế để phát triển nhanh các giống gia súc ăn cỏ như trâu, bò, dê… Riêng với con bò, những năm gần đây, Sở NN-PTNT tỉnh và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ nông dân triển khai các chương trình chăn nuôi lớn là Chương trình Sind hóa đàn bò vàng và Chương trình Phát triển giống bò sữa.
Hiện nay, trên địa huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) có 99 hộ đăng ký chăn nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) với 14 loài, gồm: Gấu ngựa, cá sấu, rắn ráo trâu, kỳ đà, rùa đất lớn, rùa núi vàng, cua đinh, cầy vòi hương, heo rừng lai, dúi, nhím… với tổng đàn lên đến 8.628 con.
Từ khi thành lập năm 2012 đến nay, mô hình chăn nuôi bò vỗ béo tại xã Long Trì, huyện Châu Thành (Long An), đã phát huy hiệu quả. Một số hội viên (HV) nông dân (ND) nhờ số vốn mồi đã có điều kiện làm ăn, vươn lên trong cuộc sống.