Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sâu Cuốn Lá Nhỏ Hại Lúa Hè Thu

Sâu Cuốn Lá Nhỏ Hại Lúa Hè Thu
Ngày đăng: 24/08/2013

Vụ hè thu này huyện Thăng Bình gieo sạ được 7.250ha lúa. tuy nhiên 2 tuần gần đây trên cây lúa bắt đầu xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ gây hại ở nhiều địa phương.

Cánh đồng lúa hơn 5ha ở tổ 8 và tổ 11 (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) dự kiến vụ này sẽ cắt giảm chuyển sang trồng hoa màu nhưng do thực hiện nhiều biện pháp chống hạn nên nông dân vẫn sạ. Hiện nay, hơn 5ha lúa tại cánh đồng này có nguy cơ bị giảm năng suất từ 30 - 40% do bị sâu cuốn lá gây hại. Ông Nguyễn Phước Long (tổ 10, thị trấn Hà Lam) có 7 sào đất canh tác lúa tại đây.

Các năm trước do ít hạn nên nước về đồng sớm, ông tranh thủ làm đất để sạ trà 1, nhưng năm nay do hạn hán kéo dài, thiếu nước sản xuất nên đành phải sạ trà 3 với giống HT1 và Q.Nam9 ngắn ngày. Khoảng 2 tuần gần đây, khi ruộng lúa chuẩn bị trổ đòng thì sâu cuốn lá bùng phát mạnh. Ông Long cho biết: “Khi bắt đầu xuất hiện sâu cuốn lá gây hại tôi đã mua thuốc đặc trị về phun ngay, nhưng đến nay lúa vẫn bị trắng cả 7 sào và có dấu hiệu khô cây”. Gia đình anh Nguyễn Công Hòa (tổ 13, thị trấn Hà Lam) cũng có 2 sào lúa bị sâu cuốn lá gây hại.

Anh Hòa cho biết: “Đến nay đã 3 lần phun thuốc đặc trị sâu cuốn lá nhưng vẫn không diệt được tận gốc loại sâu này. Hiện trên ruộng đã bắt đầu xuất hiện thêm nhiều con bướm nhỏ có màu trắng, khả năng chỉ vài ngày nữa một đợt sâu non khác lại ra đời và tiếp tục cắn phá lúa”.

Theo thống kê, Thăng Bình hiện có khoảng 180ha lúa bị sâu cuốn lá gây hại, tập trung ở các xã Bình Định Bắc (30ha), Bình Quý (20ha), Bình Tú (20ha), các xã còn lại bị nhiễm từ 5 - 10ha. Ông Võ Duy Anh – Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Thăng Bình cho biết, sâu cuốn lá gây hại diện rộng là do các địa phương triển khai biện pháp phòng trừ bệnh cho nông dân chậm, một số nơi nông dân phun thuốc không đúng liều lượng ghi trên nhãn thuốc.

Trong thời gian tới sâu cuốn lá sẽ tiếp tục gây hại trên địa bàn huyện Thăng Bình, nhất là đối với các chân ruộng sạ muộn tập trung ở khu vực hồ Đông Tiển thuộc xã Bình Trị, Bình Định Bắc và các cánh đồng thuộc khu vực ven sông Trường Giang, xã Bình Giang.

“Để hạn chế thiệt hại do sâu cuốn lá gây ra, bà con nông dân cần quan sát trên các cánh đồng thấy bướm rộ lên nhiều thì chờ đến khi không còn thấy bướm bay lên nữa, khoảng 5 ngày sau là phun thuốc đặc trị sẽ cho hiệu quả cao. Bởi lúc này sâu mới chỉ từ 2 - 3 ngày tuổi, chưa gây hại nhiều và còn non nên dễ diệt trừ” -  ông Anh nói.


Có thể bạn quan tâm

Ô Nhiễm Môi Trường Nước, Cá Kình Chết Hàng Loạt Ô Nhiễm Môi Trường Nước, Cá Kình Chết Hàng Loạt

Cùng với dịch bệnh ở tôm sú, 3 ngày nay bà con ngư dân trên địa bàn xã Quảng Phước (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) đang lao đao với tình trạng cá kình chết hàng loạt.

07/06/2013
Đại Gia Vịt Miền Tây Đại Gia Vịt Miền Tây

Dù giữa trưa nắng gắt, ngồi giữa trang trại vịt Vigova rộng thênh thang, ngay mặt tiền đường lộ lớn trải bê tông phẳng lì của ông Võ Văn Lạc (ấp Bình Điện, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, Long An), chúng tôi vẫn cảm thấy hết sức dễ chịu và thư thái.

07/06/2013
Xoài Úc “Bén Duyên” Đất Đồng Nai Xoài Úc “Bén Duyên” Đất Đồng Nai

Là một trong những người năng động, nhận thấy trồng điều không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà chủ trang trại sản xuất trái cây an toàn Nguyễn Thị Kim Mai đã mạnh dạn chuyển đổi 10ha trồng điều sang trồng xoài.

07/06/2013
Thoát Nghèo Từ Nghề Nuôi Ong Thoát Nghèo Từ Nghề Nuôi Ong

Ban đầu chỉ có dăm hội nuôi, sau 8 năm “cắm rễ” ở huyện nghèo Vũ Quang (Hà Tĩnh), nghề nuôi ong lấy mật đã thu hút 1.000 hộ nuôi với trên 4.000 đàn. Mỗi năm, các hộ thu về hơn 40 tấn mật và bán ra khoảng 1.000 đàn ong giống, thu hàng tỷ đồng...

08/06/2013
70% Đàn Vịt Mang Máu Vigova 70% Đàn Vịt Mang Máu Vigova

Nhờ ưu thế vượt trội, có tới hơn 2/3 tổng đàn vịt ở ĐBSCL và một số tỉnh Đông Nam bộ là giống Vigova. Sức mạnh của con giống tốt đã giúp nông dân làm lợi hàng trăm tỷ đồng/năm…

08/06/2013