Bác Bỏ Tin Đồn Về Trường Hợp Mít Non Nhúng Thuốc Trung Quốc

Chỉ vì tin đồn thất thiệt “mít non nhúng thuốc Trung Quốc bán tràn lan ngoài thị trường” mà nhà vườn trồng mít ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) và các địa phương lân cận phải lao đao vì giá giảm thê thảm, gây thiệt hại rất lớn.
Ông Hồ Văn Lập (Ba Lập), ngụ ấp 4 (Cẩm Sơn, Cai Lậy) được mệnh danh là “vua” mít siêu sớm cho biết, vừa qua giá mít rớt chưa từng có từ trước tới nay. Theo đó, giá mít có lúc chỉ còn từ 7.000 - 8.000 đồng/kg (mít loại tốt) và từ 3.000 - 5.000 đồng/kg (mít xấu) nhưng cũng rất ít người mua. Với giá này, chỉ bằng phân nửa so với khoảng tháng 4 và bằng 25% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Theo ông Lập, không chỉ mít trái rớt giá mà cây mít giống cũng không tiêu thụ được. Gia đình ông Lập có 0,9ha trồng mít, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng ngàn cây mít giống và từ 2 - 3 tấn trái. Trong đợt giảm giá gần 2 tháng qua, thiệt hại về kinh tế của ông khoảng 20 - 30 triệu đồng.
Xã Cẩm Sơn được xem là “thủ phủ” của cây mít ở huyện Cai Lậy. Ông Ngô Văn Cường, cán bộ Khuyến nông xã Cẩm Sơn cho biết, toàn xã hiện có khoảng 145 ha mít siêu sớm. Trước đây, giá bán mít đứng ở mức cao, rất nhiều hộ dân làm giàu từ cây mít nên diện tích mít liên tục phát triển. Khoảng tháng 6 và giữa 7, giá mít liên tục sụt giảm, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho nông dân trồng mít trong xã.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tin đồn nhà vườn thu hoạch mít non, nhúng thuốc cho mau chín, khiến người tiêu dùng “tẩy chay” mít. “Trước tin đồn trên, chính quyền xã đã xuống từng ấp, từng tổ, từng nhà động viên nông dân không được đốn bỏ cây mít để chuyển sang cây trồng khác. Bởi đây là tin đồn thất thiệt nên giá giảm chỉ là nhất thời” - ông Cường nói.
Toàn huyện Cai Lậy hiện có khoảng 980 ha mít và được trồng tập trung tại các xã: Cẩm Sơn, Thanh Hòa, Long Khánh, Hội Xuân…
Bà Trần Thị Nguyên, Quyền Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cai lậy khẳng định: “Nông dân trồng mít không hề có chuyện thu hoạch mít non để nhúng thuốc cho mau chín. Vì đối với cây mít khi trái chưa già mà thu hoạch là bị thối ngay. Nguyên nhân mít rớt giá vừa qua được xác định ban đầu là do tin đồn được phát ra từ các thương lái thu mua mít dạo muốn ép giá nông dân. Riêng các vựa mít tại địa phương thường vào tận vườn của nông dân đặt cọc tiền trước nên chỉ thu hoạch mít già hoặc chín”.
Theo bà Nguyên, đặc điểm của mít là càng chín thì trọng lượng càng tăng nên nông dân chỉ thu hoạch mít già để tăng năng suất. Điều này càng khẳng định nông dân không bao giờ hái mít non bán như tin đồn vô căn cứ.
Theo các nhà vườn và các vựa thu mua mít, hiện tại giá mít đã bắt đầu hồi phục và tăng giá trở lại. Tuy nhiên, thiệt hại do tin đồn vừa qua lên tới hàng tỷ đồng. Nhà vườn và chủ vựa kiến nghị ngành chức năng sớm tìm ra những người tung tin đồn và xử lý mạnh tay.
Có thể bạn quan tâm

Được nông dân trong nước khâm phục cỡ đó, nhưng Hồ Sáu không vì thế mà tự mãn, ông vẫn thường xuyên bỏ tiền túi ra nước ngoài học hỏi thêm những kinh nghiệp hay để về áp dụng vào SX.

Nhãn hiệu chứng nhận “Mực ống Cô Tô” không chỉ khẳng định đẳng cấp của một sản phẩm, mà còn khởi nguồn cho một phương thức sản xuất mới ở huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

Tiểu vùng 2, 3 của huyện Thạnh Phú,Bến Tre (gồm các xã từ Mỹ An đến Thạnh Hải) là vùng ngập mặn, bà con ở đây chỉ có thể nuôi trồng thủy sản. Vài năm gần đây, bà con tranh thủ trữ nước ngọt trong vuông tôm để trồng vụ lúa mùa. Trong những ngày cuối năm này, nhiều hộ tất bật thu hoạch lúa để chuẩn bị đón Tết. Vụ lúa này được công nhận là trúng mùa, trúng giá.

Công nghệ nuôi biofloc được hiểu là ao nuôi tôm sẽ được bổ sung một số loại vi sinh vật và không thay nước trong quá trình nuôi. Mô hình này đã được một số hộ nuôi tôm đang áp dụng tại một số địa phương ở miền Trung và ĐBSCL.

Trong hai ngày 9 và 10-12, hàng trăm ngư dân biên giới thuộc địa bàn xã Vĩnh Xương, Phú Lộc (TX. Tân Châu), Phú Hữu (An Phú - An Giang) dùng các phương tiện đánh bắt, như: Chài, lưới, vó cất, vó gạt… để đánh bắt cá đồng ra sông và trúng đậm.