Cá Giống Hoàng Lương Đi Muôn Nơi
Gom cá giống đưa đi các tỉnh xa có nhiều rủi ro nhưng với ai thạo nghề vẫn có lãi. Đó là chia sẻ của những người làm nghề thu mua cá giống tại xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Nhờ "đội quân" này mà các ao nuôi ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc có đủ nguồn giống để sản xuất.
Nhộn nhịp chợ cá giống
Trời tang tảng sáng, thôn Thanh Lâm, xã Hoàng Lương đã tấp nập bởi người xe và tiếng trao đổi của người bán, mua cá giống. Dọc hai bên đường làng, trên kênh dẫn nước từ thôn Thanh Lâm đi Đại Thắng, mấy chục giai cá nối tiếp nhau tập kết, bên trong có đủ loại cá giống như: Trê lai, chép lai, rô phi đơn tính, mè, trắm... Các chủ hàng đều đặn đưa tay té nước trên mặt giai chứa để có đủ ô xy cho cá.
Anh Vũ Văn Bình, thôn Đại Thắng phấn khởi nói: "Hôm nay tôi kéo 30 kg cá để bán. Nếu khách có nhu cầu lấy nhiều hơn thì kéo thêm. Với 6 sào cá giống, thu từ 4-6 lứa/vụ, giá bán 30 nghìn đồng/kg, trừ chi phí gia đình tôi lãi gần 20 triệu đồng". Chưa đầy 15 phút, anh Bình đã bán hết cá và cuộn giai nhường chỗ cho hộ khác. Trong khi đó, các chủ ao vẫn tiếp tục kéo cá giống mang đến điểm cân.
Dạo một vòng quanh các điểm bán, chị Nguyễn Thị Liễu, thôn Thanh Lâm làm nghề buôn cá giống dừng lại bên lưới cá mè, chép, trôi để gom hàng cung cấp cho trang trại thủy sản tại Hải Dương và Cao Bằng. Gần 10 năm trong nghề, chị Liễu có nhiều mối hàng ở trong và ngoài tỉnh. Cứ vào mùa thả cá, khách hàng điện thoại liên hệ với chị đặt số lượng nhất định vào từng thời điểm. Mỗi ngày chị giao từ 80-90 kg cá giống.
Chị Liễu chia sẻ: "Nếu đi tỉnh ngoài thì phải lấy hàng từ hôm trước để sáng sớm hôm sau chỉ việc mang cá đến cho khách. Quãng đường vận chuyển xa, nếu không bảo quản tốt, cá có tỷ lệ sống thấp thì lỗ vốn". Nói vậy nhưng mỗi chuyến hàng, chị cũng bỏ ra được 300-400 nghìn đồng.
Ngoài người dân trong xã, có nhiều người đến từ các xã lân cận và tỉnh ngoài cũng về Hoàng Lương mua hàng. Với hành trang là bình đựng khí ô xy, bao nilông, chiếc xe máy có giá sắt đèo hàng chắc chắn, hằng ngày, ông Nguyễn Văn Tỉnh ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chở 30 kg cá từ Hoàng Lương về giao cho các hộ trong huyện.
Theo lời ông Tỉnh, hơn 8 năm qua mua cá giống tại đây ông luôn yên tâm về chất lượng. Mỗi chuyến đi ông đều chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Lượng ôxy dù được bơm vào bao chứa ngay tại điểm thu mua nhưng ông vẫn mang thêm một bình nữa đề phòng bao hở, cá bị ngạt do thiếu khí.
Tại "chợ" cá, chỉ sau vài câu giao tiếp ngắn gọn như: "Loại gì đấy?", "bao nhiêu?", nâng giai, chao vợt xem qua là khách bốc hàng. Theo kết quả tổng hợp của UBND xã Hoàng Lương, mỗi ngày có khoảng 200 thương nhân ở trong và ngoài tỉnh mua cá giống trên địa bàn xã với lượng khoảng 3 tấn, sau đó tỏa đi tiêu thụ khắp các tỉnh phía Bắc. Trong đó, thị trường chính là Bắc Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Cao Bằng.
Phương tiện vận chuyển chủ yếu bằng xe máy và 5-7 ô tô chuyên dụng. Chợ cá giống tấp nập nhất vào lúc 6-7 giờ và kết thúc lúc 9-10 giờ sáng, kéo dài suốt từ tháng 3 đến đầu tháng 8 dương lịch hằng năm.
Chú trọng nâng chất lượng
Kết thúc mùa cá giống, những ao nuôi phần lớn được chuyển sang cấy rau cần, chỉ dành một ít diện tích lưu giữ cá bố mẹ qua đông để sang Giêng khi mưa xuân xuống đón vụ cá mới. Toàn xã có 170 ha nuôi cá giống, tập trung ở các thôn Thanh Lâm, Đại Thắng, Thanh Lương, Đồng Hoàng. Trong đó, hơn 100 ha sản xuất theo mô hình cá-cần. Hằng năm xã cung cấp hơn 100 triệu cá giống các loại, doanh thu hơn 13 tỷ đồng.
Lợi nhuận từ mô hình cá-cần đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, giúp người dân cải thiện đời sống và có điều kiện đầu tư xây dựng hạ tầng. Các ao đều được xây bờ bao kiên cố. Bên cạnh các loại cá thông thường, các hộ còn ương một số giống cá có giá trị kinh tế cao như rô phi đơn tính, chim trắng, chép lai ba máu, vược, lăng chấm, trắm đen…
Những người nuôi cá nơi đây chia sẻ, để cá giống sinh trưởng, phát triển tốt, bảo đảm chất lượng cần xử lý kỹ ao trước khi nuôi. Sau mỗi lứa thu hoạch tháo hết nước trong ao rồi rắc vôi bột khử trùng. Nguồn nước phải sạch, loại bỏ nòng nọc, cá lớn.
Tiếp đó là lựa chọn nguồn cá bột tại những cơ sở có uy tín. Khi mới thả giữ mực nước trong ao 50-60 cm, bón phân tạo màu, sau đó cứ ba ngày bổ sung 25-30 cm nước; bảo đảm đầy đủ thức ăn thô, tinh như: Bèo trứng cá, bèo tấm, cám công nghiệp, bột ngũ cốc.
Chị Nguyễn Thị Vân, thôn Ninh Giang nói: "Làm cá giống khó mà dễ. Nếu am hiểu và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật thì cá có tỷ lệ sống cao, nhanh cho thu hoạch bằng không thì thất thu, có khi lỗ vốn. Đặc biệt phải luôn chú trọng khâu phòng bệnh, trong đó có bệnh nấm mang hại cá".
Được biết, UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn đang thực hiện mô hình nâng cao chất lượng giống thủy sản thông qua hỗ trợ một phần thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng bệnh, hướng dẫn kỹ thuật cho một số hộ làm điểm.
Đi đôi với phát triển nghề cá giống, người dân trong xã còn tích cực khai thác lợi thế của nhãn hiệu chứng nhận tập thể rau cần Hoàng Lương, tăng cường quảng bá, cung ứng sản phẩm có chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất.
"Hiện cá có giá trị cao chỉ chiếm khoảng 30% giống ương thả trên địa bàn. Do đó, định hướng của xã là khuyến cáo nông dân không tăng diện tích mà tập trung nâng cao hiệu quả bằng cách tăng tỷ lệ giống cá chất lượng" - Ông Trần Kim Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Lương.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi cá trê vàng lai phát triển gần 2 năm ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đã giúp không ít hộ dân thoát nghèo và làm giàu. Mô hình này hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều hộ dân trong huyện. Toàn xã Tân Phú có 6 hộ nuôi với diện tích gần 10.000m2, tập trung nhiều ở ấp Tân Thuận B và ấp Tân Thuận.
Theo Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC), hơn 20 thẩm định viên đã được đào tạo để đánh giá trại nuôi theo tiêu chuẩn ASC dành cho cá tra trong đợt Đào tạo Thẩm định viên Cá tra lần thứ hai được tổ chức tại Việt Nam
Trong mấy năm gần đây, nhất là 6 tháng đầu năm nay ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá đầu vào liên tục tăng còn đầu ra thì bấp bênh, giá giảm...
Đến thời điểm này, nông dân trong huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đã thu hoạch được gần 12.500ha lúa Thu đông, năng suất trung bình đạt 4,5 tấn/ha.
Tổ hợp tác (THT) trồng rau an toàn (RAT) ấp Đai Tèn, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành (Trà Vinh) thành lập năm 2010, có 56 thành viên tham gia, trên diện tích 12,5ha. THT chuyên canh tác các loại rau màu như: khổ qua, dưa leo, bầu, bí, ớt chỉ thiên… hàng năm đem về lợi nhuận cho các thành viên khoảng 200 triệu đồng/ha, từ đó đời sống kinh tế của các thành viên ngày càng ổn định.