Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhiều Mô Hình Con Nuôi Đặc Sản Ở Thạch Thành Phát Huy Hiệu Quả

Nhiều Mô Hình Con Nuôi Đặc Sản Ở Thạch Thành Phát Huy Hiệu Quả
Ngày đăng: 01/07/2014

Việc phát triển những cây, con có giá trị kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất luôn được nông dân quan tâm.

Đã có những gia đình đầu tư với số lượng lớn, quy mô, song việc làm ăn chỉ thuận lợi được một thời gian ngắn ban đầu rồi giảm dần và chịu thua lỗ hoặc phá sản do khó khăn trong việc tìm đầu ra.

Trong khi đó ở Thạch Thành (Thanh Hóa), nhiều gia đình lại đang có thu nhập cao từ con nuôi đặc sản, được bà con duy trì trong nhiều năm, theo hướng mở rộng sản xuất, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Thạch Sơn là trên 23%, tổng nguồn thu từ chăn nuôi đạt gần 2,8 tỷ đồng. Đến tháng 6 năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,6% và thu từ chăn nuôi đạt tới 32 tỷ 940 triệu đồng. Hiện nay, cả xã đang nuôi 1.260 con trâu bò, 27.000 con gà giống bản địa, 2 loại này được coi là con nuôi “đặc sản” của địa phương.

Trại nuôi gà của gia đình anh Lê Văn Hòa, 32 tuổi, thôn Liên Sơn, hiện mỗi lứa nuôi 1.500 con giống địa phương theo phương thức thả đồi, thức ăn là các loại phụ phẩm nông nghiệp, anh Hòa cho biết: Được coi là đặc sản vì giống gà này có chất lượng thịt thơm ngon.

Tuy nhỏ hơn những loại gà lai nhưng sức kháng bệnh dịch của loại gà này tốt, giá chỉ nhỉnh hơn gà thịt thông thường, nên luôn đắt hàng. Hiện đã có những đơn hàng lâu dài tận Hà Nội, Ninh Bình. Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, mỗi năm anh thu về trên 150 triệu đồng tiền lãi.

Cùng với nuôi gà, những năm gần đây, nuôi trâu thương phẩm cũng đang được người dân xã Thạch Sơn lựa chọn, bởi thị trường tiêu thụ mạnh và thịt trâu được đánh giá là sản phẩm sạch, không sử dụng thức ăn công nghiệp, giá cả hợp lý, chế biến đa dạng. Hai loại con nuôi này phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã miền núi có phần lớn diện tích đồi rừng, vườn rừng như Thạch Sơn.

Tại xã Thạch Cẩm, xuất phát từ điều kiện thực tế của xã khi diện tích rừng trồng đã phát triển tốt, các loại thực bì là nguồn thức ăn tự nhiên rất phù hợp cho nuôi dê, nên trong nhiều năm qua, đàn dê của xã liên tục duy trì gần 3.000 con, mỗi năm cho nguồn thu hơn 10 tỷ đồng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Đặng, thôn Thạch Yến 1 đang nuôi gần 50 con dê, trên 700 con gia cầm các loại, trên 1.000 m2 ao cá, cho rằng: Nếu không kết hợp chăn nuôi với đồi rừng thì rất lãng phí.

Chăn thả gia cầm, dê trong rừng trồng, ngoài việc thường xuyên kiểm tra, bảo vệ rừng còn tận dụng được nguồn chất thải của con nuôi làm phân bón cho cây. Như gia đình bà, ngoài việc thu được từ trồng rừng, con dê, gia cầm đang đem lại nguồn thu thường xuyên hơn 120 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3 lao động.

Để tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi, hội nông dân xã đã đứng ra tập hợp, thành lập câu lạc bộ nông dân phát triển kinh tế gồm 46 hộ, được phân theo nhóm con nuôi để có điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra, hội còn đứng ra tín chấp và ủy thác với ngân hàng trên 20 tỷ đồng cho nông dân vay đầu tư chăn nuôi.

Ông Trương Thanh Khiết, tổ trưởng nhóm nuôi dê của câu lạc bộ cho biết: Con dê được gia đình ông nuôi trên 10 năm nay, gắn bó từ khi cái nghèo còn đeo đẳng cho đến khi ông nuôi 5 người con trưởng thành.

Theo ông, tuy giá bán không cao như nhiều loại con đặc sản khác, nhưng 10 năm gần đây giá dê thương phẩm chỉ tăng chứ chưa bao giờ giảm. Từ đầu năm 2014 đến nay, ông đã thu được 120 triệu đồng từ bán dê và luôn duy trì tổng đàn trên 50 con.

Việc đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu là cơ sở lý giải cho việc nhiều năm, đàn dê của gia đình ông Khiết nói riêng, các hộ nuôi dê ở Thạch Cẩm nói chung được các bạn hàng đánh giá cao về chất lượng, tạo thành thương hiệu riêng, có chỗ đứng vững chắc trong thị trường.

Biết tìm những loại con nuôi để phát triển và khẳng định chất lượng, cách làm này đã giúp nhiều hộ chăn nuôi ở Thạch Thành có thu nhập ổn định. Những vật nuôi thông thường trở thành đặc sản do chất lượng bảo đảm đã và đang góp phần vào việc phát triển một ngành chăn nuôi bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Làm giàu từ cây măng tây Làm giàu từ cây măng tây

Trong những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, trên địa bàn, huyện Ứng Hòa thành phố Hà Nội đã xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi

27/04/2022
Khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi lươn không bùn Khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi lươn không bùn

Mặc dù nuôi lươn không bùn không phải là mô hình mới với người dân Hà Tĩnh, nhiều người đã thử nghiệm nhưng không duy trì được lâu dài và phải bỏ cuộc.

27/04/2022
Giống ổi TA 036 cho hiệu quả kinh tế cao trên đất triền đồi Giống ổi TA 036 cho hiệu quả kinh tế cao trên đất triền đồi

Theo lời hẹn vào một ngày tháng 3 nắng đẹp, chúng tôi ghé thăm vườn ổi của gia đình anh Nguyễn Hữu Trường – thành viên Hợp tác xã (HTX) trái cây Mỹ Đức.

27/04/2022
Thu tiền tỷ từ mô hình VAC Thu tiền tỷ từ mô hình VAC

Dám nghĩ dám làm, mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, chị Vũ Thị Dân, xã Thăng Long (Đông Hưng)

13/05/2022
Triển vọng từ mô hình sản xuất lạc đen tại Nghệ An Triển vọng từ mô hình sản xuất lạc đen tại Nghệ An

Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ vừa phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Nghệ An, HTX Nam Thịnh tổ chức hội thảo đánh giá giống lạc đen.

17/05/2022