Ba Ba Mở Hướng Làm Giàu
Mới khởi nghiệp được khoảng 6 năm nhưng mô hình nuôi ba ba đã giúp gia đình anh Đinh Công Thủ, ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân trở thành triệu phú. Mà không chỉ có gia đình anh Thủ, hiện nay có rất nhiều hộ nuôi ba ba ở Thạnh Xuân cũng “phất” lên từ con ba ba.
Anh Thủ cho biết: “Trước kia, gia đình chủ yếu sống bằng nghề nông, ruộng vườn liên tiếp gặp cảnh mất mùa, rớt giá. Thấy mô hình nuôi ba ba ở Cần Thơ có hiệu quả kinh tế cao, nên tìm đến học hỏi kinh nghiệm và quyết định đào ao nuôi thử. Không ngờ chính những con ba ba đã làm gia đình tôi đổi đời”.
Hiện tại, anh đang nuôi khoảng 5.000 con ba ba thịt lẫn ba ba bố mẹ. Trung bình mỗi năm anh thu về hơn 300 triệu đồng. Anh Thủ vui vẻ cho biết: “Năm vừa rồi, do được giá ba ba thịt và giống, tôi đã đem hết số tiền thu được cất căn nhà khang trang trị giá trên 550 triệu đồng”.
Theo kinh nghiệm của nhiều người nuôi ba ba lâu năm, đây là loài rất dễ nuôi, không đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mỉ, công phu. Chỉ cần đào ao, rào chắn kỹ càng không để ba ba bò ra ngoài, vệ sinh ao thật sạch trước khi thả con giống là người nuôi có thể yên tâm cho đến cuối vụ. Thức ăn chủ yếu là các loại cá vụn, ốc… mỗi ngày chỉ cho ăn một lần do vậy rất lợi công. Chỉ sau 15 tháng, trọng lượng của ba ba sẽ đạt từ 1kg trở lên và xuất bán được.
Ngoài ra, ba ba có chu kỳ sinh sản rất nhanh, trung bình mỗi tháng ba ba mẹ đẻ 10-15 trứng, nên ngoài nuôi lấy thịt, người dân còn sản xuất ba ba giống để cung cấp ra thị trường. Với tỷ lệ nở rất cao (khoảng 90%), sản xuất ba ba giống cũng là một lợi thế được nhiều người nuôi lựa chọn. Hiện mỗi tháng, toàn xã Thạnh Xuân cung cấp ra thị trường khoảng 100.000 con giống/trứng.
Số lượng ba ba con được bán ra chủ yếu là miền Trung và Hà Nội. Hiện nay, đầu ra của ba ba rất ổn định và luôn trong tình trạng khan hiếm hàng. Trong thời gian tới, việc phát triển, mở rộng diện tích nuôi ba ba là điều mà người dân và chính quyền xã Thạnh Xuân đang hướng đến.
Do số lượng nuôi ngày càng gia tăng, năm 2009, xã Thạnh Xuân đã thành lập HTX chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi với 11 thành viên. Theo thống kê của HTX, tổng số ba ba của các xã viên đang nuôi có trên 10.000 con ba ba thịt lẫn bố mẹ. Ngoài chức năng tập hợp hộ nuôi, trao đổi kinh nghiệm, HTX còn đảm nhận chức năng thu mua, cung cấp ba ba thịt và con giống ra thị trường. Hiện tại, ba ba thịt loại 1 có giá khoảng 280.000 đ/kg, trừ hết chi phí, người nuôi sẽ thu lãi trên 40%. Do tốn ít chi phí, nhưng hiệu quả lại rất cao, nên xã viên trong HTX có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Năm qua, có 6/11 xã viên có mức thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm, các xã viên còn lại cũng có mức lợi nhuận trung bình khoảng 40 triệu đồng/năm. Ngoài nguồn cung con giống cho thị trường trong nước, ba ba của HTX còn được bán sang Trung Quốc. Anh Đinh Công Thủ, Chủ nhiệm HTX, cho biết thêm: “Đến thời điểm này, ngoài con giống bán trong nước thì Trung Quốc đang là hướng tiếp theo để HTX cung ứng con giống.
Hiện tại, HTX đã đóng thùng 10.000 trứng để chuẩn bị bán sang Trung Quốc và đây là lần thứ 3, trứng ba ba được bán cho thị trường rộng lớn này. Hiện nay, số lượng trứng ba ba của HTX chỉ đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu của đối tác”. Không dừng lại ở mô hình nuôi ba ba, HTX còn thí điểm nuôi cua đinh. Theo anh Thủ, ngoài ba ba, cua đinh sẽ là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cho mọi người trong thời gian tới. Hiện tại, anh đã mua về 30 con cua đinh bố mẹ để chuẩn bị nhân giống.
Ông Nguyễn Văn Sĩ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân cho biết: Do đặc thù là xã nông thôn và có đến 80% người dân sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa. Thu nhập từ cây lúa luôn bấp bênh về giá cả nên mức sống người dân chưa cao. Việc kết hợp trồng lúa với chăn nuôi sẽ giúp người dân cải thiện kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Riêng mô hình nuôi ba ba, những năm gần đây, đã phát triển mạnh và có đầu ra ổn định, giúp nhiều hộ dân trong xã có thu nhập cao. Điều này, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cho địa phương, đồng thời tạo ra cơ hội mới cho người dân phát triển kinh tế. Trong những năm tiếp theo, UBND xã sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình này, để tăng thêm nguồn thu ngoài cây lúa…
Có thể bạn quan tâm
Thay thế sức kéo của 8 người, rút ngắn thời gian kéo chỉ còn 1/5 lần, tăng lượt thả lưới gấp 3 lần… chiếc máy kéo lưới bằng thủy lực do anh Lê Phước Hoàng (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), chủ cơ sở sửa chữa động cơ máy thủy Phước Hoàng chế tạo đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho bà con ngư dân hành nghề đánh bắt lưới rê, lưới cá.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện giá cá tra nguyên liệu đang ở mức thấp, chỉ từ 22.000 đến 23.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
Tận dụng tiềm năng lợi thế mặt nước, mấy năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đã được người dân huyện Quỳnh Nhai đầu tư nuôi và bước đầu đã mang lại hiệu quả, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế...
Từ đầu tháng 6/2015 giá cá tra nguyên liệu liên tục giảm mạnh. Hiện giá cá tra được các doanh nghiệp mua với giá chỉ 19.200 - 19.300 đồng/kg (giảm 4.300 - 7.200 đồng/kg so với tháng 1/2015), dưới giá thành sản xuất khoảng 3.000 đồng/kg. Những người nuôi cá tra đang lo lắng sắp vào chu kỳ giảm giá mới.
Mặc dù có tiềm năng lợi thế nhưng xuất khẩu thủy sản của tỉnh Nghệ An vẫn đang khó khăn chồng chất. Kim ngạch xuất khẩu nhỏ lẻ, thiếu bền vững và cho đến nay, chưa có giải pháp nào đủ mạnh để tạo cú huých cho sản phẩm này.