Rau Màu Châu Phú Xuất Khẩu
Cùng với việc canh tác cây lúa, huyện Châu Phú (An Giang) có khá nhiều vùng chuyên canh rau màu, chủ yếu tập trung ở các xã: Khánh Hòa, Mỹ Đức, Bình Thủy. Khi thị trường nội địa không thể tiêu thụ hết sản phẩm của nông dân thì việc đưa rau màu Châu Phú “xuất khẩu” sang Campuchia đang là hướng đi cho hiệu quả khả quan.
Anh Nguyễn Bá Tình, nông dân xã Mỹ Đức, cho biết: “Lúc trước, trồng rẫy thu nhập bấp bênh lắm. Có khi trồng mấy công rau, gặp ngay lúc “dội chợ” thì phải chịu lỗ vốn. Bây giờ tình hình có đỡ hơn, rau trồng nhiều nhưng nhờ chở sang Campuchia bán, thành ra dân làm rẫy đỡ lo”. Anh Tình nhớ lại cái thời dân trồng rẫy suốt ngày gánh nước, tưới phân, trông mong cho mau tới ngày thu hoạch thì lại phải ngậm ngùi vì rau màu trồng ra không thể bán được hoặc phải bán với mức giá rẻ mạt.
Hiện nay, dù vẫn còn phải vừa trồng vừa “nghe ngóng” giá thị trường nhưng người trồng rau màu không phải chạy tìm đầu ra như trước. Anh Tình chia sẻ: “Bây giờ, anh em làm rẫy có kỹ thuật lắm, năng suất cao gấp rưỡi, gấp hai hồi trước, nếu không bán lên Campuchia thì dân mình làm sao tiêu thụ hết”. Vài năm gần đây, nhiều nông dân trong xã Khánh Hòa, Mỹ Đức đang chuyên canh cải thìa và cải rổ vì hai loại rau này được thị trường Campuchia ưa chuộng. Nếu ngay lúc trúng giá thì người trồng cải thìa và cải rổ có thể lời trên 10 triệu đồng/công.
Nói là “xuất khẩu” cho oai chứ thực tế là bán sang nước bạn để tiêu thụ nhỏ lẻ theo các chợ, nhưng như vậy cũng đã làm cho anh em trồng rẫy “mở cờ” trong bụng, vì sau bao nhiêu cực nhọc họ không phải lo lắng đầu ra. “Ngày trước trồng rau chỉ tiêu thụ ở các chợ tại Châu Đốc, mặt hàng nào hút nhiều thì mang ra Sài Gòn. Bây giờ bạn hàng bán lên Campuchia mỗi ngày, thành ra ít khi anh em làm rẫy bị lỗ vốn” - anh Tình cho biết. Hiện anh Tình đang xuống giống 2 công cải rổ, thời điểm chúng tôi ghé thăm thì giá khoảng 5.000-6.000 đồng/kg, đây là mức giá có thể mang lại cho anh lợi nhuận cao.
Rau màu Châu Phú phần nhiều tập kết tại chợ Châu Long (TP. Châu Đốc) hoặc chợ Tịnh Biên, từ đây được phân phối ra các vùng lân cận và sang Campuchia. “Cứ mỗi ngày tôi gom hàng rẫy của bà con lên đây, bình quân khoảng 7-8 tấn/ngày, rồi đưa lên Long Bình hoặc vô Tịnh Biên tiêu thụ. Rau cải lên tới đó bán tại chỗ một phần, đa số còn lại là bán sang Campuchia” - chị út Vân, bạn hàng tại chợ Châu Long, cho biết. Ngoài chị Vân, còn có rất nhiều thương lái cũng mua rau màu tại Châu Phú và các huyện khác mang lên tiêu thụ tại các chợ biên giới.
Cải rổ, cải thìa, cải ngọt, cải xanh và các hàng rau cho trái như khổ qua, dưa leo, bí đao… đều lần lượt “xuất cảnh” sang nước bạn qua cửa khẩu Khánh Bình hoặc Tịnh Biên. Mỗi ngày, rau màu thu hoạch tại rẫy của nông dân vào buổi sáng được “đội quân thu gom” (mỗi bạn hàng rau thuê khoảng 3-4 người chạy xe gắn máy tới rẫy của nông dân chở rau) tập kết lên vựa.
Do đặc thù của rau màu là nhanh khô héo nên công việc diễn ra khá tất bật, những bạn hàng phải tranh thủ gom đủ số lượng trước 2 giờ chiều để mang tới chợ Tịnh Biên hoặc Long Bình tiêu thụ. “Bên Campuchia nhóm chợ vào ban đêm, tôi phải chuyển rau cho mấy chị bên đó sớm để họ tranh thủ bán. Thường thì 7-8 giờ đêm là vừa, trễ quá thì không bán được. Tôi cũng có bán rau- củ- quả Đà Lạt nhưng số lượng không nhiều bằng rau vườn mình ở đây, vì dân bên đó hình như không mấy chuộng các mặt hàng xứ lạnh” - chị Vân giải thích.
Nhu cầu từ thị trường Campuchia vẫn luôn ở mức cao, đó là điều kiện thuận lợi để rau màu Châu Phú và các nơi khác trong tỉnh An Giang có được đầu ra ổn định. Đó cũng là cơ hội để những người nông dân chuyên canh rau màu có được thu nhập đều đặn, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có quy hoạch, giải pháp căn cơ để rau màu Châu Phú cũng như các địa phương khác có thị trường tiêu thụ ổn định, nhất là việc tiêu thụ ở thị trường Campuchia theo hướng “Danh chính, ngôn thuận” để nông dân yên tâm sản xuất…
Có thể bạn quan tâm
Nhằm khai thác triệt để, tiềm năng lợi thế về các điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hoá, từ năm 2006, huyện Hạ Lang tiến hành ký kết hợp đồng với huyện Long Châu (Trung Quốc) phát triển trồng mía nguyên liệu xuất khẩu với quy mô đến năm 2015 trồng 1.200 ha.
Trong những ngày lạnh giá của mùa đông, hàng nghìn giáo viên và học sinh các dân tộc huyện Bảo Lâm đã được đón Tết Nhâm Thìn vừa qua trong những căn phòng kỹ túc xá khang trang, sạch đẹp, ấm cúng.
Trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành một số mô hình kinh tế trang trại (KTTT), góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dần đưa sản xuất nông nghiệp trở thành sản xuất hàng hóa, tạo giá trị sản phẩm, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Song, phát triển KTTT đang bộc lộ những khó khăn, bất cập, cần có cơ chế chính sách phù hợp...
Chiều 29-6, giá cá tra loại 1 chỉ còn khoảng 18.500 - 19.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 3.000 - 3.500 đồng/kg; dù giá cá giảm mạnh nhưng người nuôi vẫn khó bán bởi các nhà máy hạn chế thu mua.
Sau một thời gian khảo sát tìm hiểu, ông Nguyễn Quốc Minh từ TP.HCM đã quyết định lên Đà Lạt (Lâm Đồng) đầu tư 42 tỷ đồng để xây dựng trang trại trồng cà phê sạch - nuôi chồn và sản xuất chế biến cà phê chồn.