Anh Tống Văn Phong Làm Giàu Từ Cây Quýt Đường
Sự học hỏi và lòng say mê lao động đã giúp anh Tống Văn Phong (ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) thành công với mô hình trồng cây quýt đường. Mô hình cho thu nhập cao này đã đưa gia đình anh Phong vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Nhiều năm liền anh được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Nhiều năm trước, khi phong trào trồng quýt hồng trong huyện phát triển, với diện tích 3.000 m2 anh quyết định đào mương lên liếp trồng 300 cây quýt hồng. Qua 2 năm canh tác, cây phát triển tốt, tuy nhiên mỗi năm có khoảng 10% số lượng cây chết. Nguyên nhân là do lúc bấy giờ thuốc bảo vệ thực vật còn khan hiếm và nông dân chưa có kinh nghiệm trong phòng trừ sâu bệnh. Đến năm thứ 3, cây chuẩn bị cho trái thì cơn lũ năm 2000 đã làm vườn quýt hồng của anh chết gần hết, lúc đó anh gần như trắng tay.
Đứng trước hoàn cảnh khó khăn, anh vừa phải chạy lo vốn đầu tư sản xuất mới vừa đắn đo nên chọn cây gì cho phù hợp với vùng đất và điều kiện sản xuất. Qua theo dõi báo đài và tham quan nhiều mô hình sản xuất, cuối cùng anh chọn cây quýt đường làm cây trồng chính để phát triển kinh tế gia đình.
Trước hết, anh thiết kế lại đê bao đảm bảo chống lũ, chủ động nước tưới tiêu, khâu cải tạo đất, xử lý phân bón thuốc bảo vệ thực vật, tỉa cành tạo tán, trồng dậm và loại bỏ những cây nhiễm bệnh. Anh Tống Văn Phong cho biết: “... Để có thể thành công với cây quýt đường, tôi đã nghĩ ra cách làm riêng cho mình là sản xuất theo quy trình kỹ thuật. Trong việc tiêu thụ sản phẩm, tôi chọn thời điểm xử lý ra hoa phù hợp để cho trái nghịch mùa. Tôi cũng luôn đảm bảo uy tín với khách hàng qua việc phân loại trái. Từ đây, tôi tạo được thương hiệu riêng của mình ở các chợ đầu mối trái cây trên thành phố Hồ Chí Minh. Khi thấy thùng quýt đường thương hiệu “Tư Phong” thì khách hàng rất tin tưởng, yên tâm về chất lượng...”.
Nhờ sản xuất theo quy trình kỹ thuật, sản phẩm chất lượng, uy tín, 10 năm qua, đầu ra cho quýt đường của anh luôn ổn định và lợi nhuận đạt cao. Từ 3.000 m2 ban đầu, anh đã tích lũy vốn và mua thêm đất lập vườn. Đến nay, anh có 15.000 m2 diện tích vườn trồng quýt với lợi nhuận hàng năm trên 1 tỉ đồng.
Trong năm 2011, anh sản xuất được 62 tấn quýt, bán với giá 27.000 đồng/kg. Tổng doanh thu gần 1,7 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận gia đình thu được trên 1,35 tỷ đồng. Bình quân 1.000 m2 vườn trồng quýt đường cho thu nhập 90 triệu đồng. Vườn quýt của anh còn giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động, với mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Với thành công trong nghề, anh đã truyền đạt kinh nghiệm cho bà con nông dân cách sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sao cho phù hợp để tránh lãng phí và bảo vệ tốt vườn cây, hướng dẫn cách xử lý các loại sâu bệnh trên cây trồng. Ngoài ra, anh còn nhiệt tình cho mượn cây giống, bảo lãnh mua vật tư,... Với cộng đồng, anh Tống Văn Phong tích cực tham gia công tác xã hội như vận động đóng góp xây dựng cầu, đường, cất nhà tình thương... Hiện anh Tống Văn Phong là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông xã, Tổ trưởng Tổ nông dân trồng quýt đường.
Có thể bạn quan tâm
Đó là thông tin được ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT) đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10 của Bộ vừa được tổ chức chiều 6/10.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định dù có nhiều lợi thế song do sức cạnh tranh kém, chăn nuôi sẽ là ngành dễ tổn thương nhất khi Việt Nam tham gia hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Với dự kiến kim ngạch xuất khẩu nhân điều của Việt Nam năm nay đạt 2,2 tỷ USD sẽ chiếm gần 1/2 giá trị thương mại nhân điều toàn cầu.
Còn nhớ năm 2013, chương trình bảo hiểm nông nghiệp được triển khai rầm rộ trên cây lúa, vật nuôi và thủy sản ở 20 tỉnh, thành phố. Nhưng cho đến nay, sau khi hết thời gian thí điểm, dường như mọi việc lại trở về vị trí ban đầu.
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc nhờ hệ thống đồng cỏ phong phú. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế này chưa được người dân phát huy, đến nay bà con vẫn chăn nuôi theo phương thức cũ (thả rông) nên hiệu quả kinh tế không cao.