Anh Tiến Quyết Tâm Làm Giàu Từ Nuôi Thỏ

Đi tham quan mô hình gồm có 150 gian chuồng mới được dựng lên kiên cố trên diện tích nhà hình chữ U rộng khoảng 200m2, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Hệ thống điện, các ô cửa cho ánh sáng tự nhiên, khoang chứa nước… đều được bố trí khoa học, đầy đủ, rất thuận tiện cho việc chăm sóc vật nuôi.
Trên nhiều gian chuồng anh đã để sẵn cỏ, lá phục vụ đàn thỏ mới. Đây là mô hình nuôi thỏ mà anh Dương Văn Tiến, ở thôn Nà Hán, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) đang dành toàn bộ trí lực để thực hiện ước mơ làm giàu.
Sau khi dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh khu chăn nuôi của gia đình, anh Tiến nhanh tay cho thức ăn, nước uống vào các khoang chuồng. Nhìn những chú thỏ con ăn ngon lành, tôi thấy niềm vui rạng ngời, lấp lánh qua ánh mắt của anh.
Anh say sưa chia sẻ cách chăm sóc thỏ: chúng dễ nuôi, mỗi ngày chỉ ăn một bữa thức ăn tinh bằng cơm nguội hoặc cám ngô, còn lại có thể tận dụng mọi thứ rau, củ, cỏ, nhưng phải ở sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, giữ ấm vào mùa đông. Chúng cũng hay mắc một số bệnh như đau bụng, bỏ ăn, ghẻ lông…
Những lúc đó, phải cho uống thuốc, hoặc tiêm thuốc và tăng cường thức ăn nóng. Nếu được chăm sóc tốt, phối giống đúng kĩ thuật, một con sinh sản sẽ đẻ từ 6 đến 11 con/lứa, trung bình trong khoảng 45 - 50 ngày cho một lứa. Trong 21 khoang chuồng cũ này hiện có 50 con sinh sản, 40 con nhỏ. Để nuôi thỏ thành phẩm phải nuôi 4 tháng, với mỗi con được 2,2 - 2,5kg…
Nhìn đàn thỏ hiện có, ít ai nghĩ chỉ cách đây hơn 1 năm, đàn thỏ đầu tiên của gia đình anh Tiến chỉ có 10 con cái và 2 con đực giống, với vốn đầu tư mua giống 7 triệu đồng. Trong hơn một năm qua, gia đình đã xuất bán hơn 100 con, thu nhập gần 20 triệu đồng… Với giá trị kinh tế thấy rõ, lại dễ chăm hơn nuôi lợn, hơn nữa đầu ra thuận lợi nên từ đầu năm 2013, gia đình anh đã chuyển hướng sang tập trung nuôi thỏ thay bởi nuôi lợn nái, lợn thịt trước đây.
Anh tiếp tục chia sẻ: “Khi hình thành ý nghĩ mở rộng mô hình làm kinh tế, tôi chủ động tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm từ sách, báo, nhất là xem các chương trình làm giàu cùng nhà nông về cách chăm đàn thỏ. Sau đó, tìm vay thêm vốn anh em, họ hàng, tôi đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng khu chăn nuôi này từ tháng 6/2013.
Khu nhà hình chữ U, thiết kế thành hai dãy chuồng ở hai bên, với mỗi khoang chuồng rộng 3,5m, cao 0,7m. Cứ một con mẹ, tôi dự trữ 3 khoang chuồng nuôi thỏ con, tức là một con mẹ đẻ từ 6-12 con/lứa, sau khi tách mẹ sẽ chuyển số thỏ con sang khoang chuồng mới...”.
Rồi anh Tiến nhẩm tính, trong hai tháng tới, những khoang chuồng này sẽ không còn khoang nào trống, tương đương đàn thỏ khoảng 500 con. Anh sẽ đầu tư toàn bộ thời gian, công sức, ứng dụng những kiến thức, kinh nghiệm để chăm sóc đàn thỏ…
Rời khu chăn nuôi của gia đình, tôi có một niềm tin vào kiến thức và kinh nghiệm của anh, mà trên hết đó là lòng quyết tâm, ý chí vươn lên trong anh. Như anh Đặng Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Tân Liên khẳng định: đó là mô hình nuôi thỏ đầu tiên của xã có quy mô và hiệu quả nó sẽ giúp ích rất nhiều cho người dân trong xã học tập, nhân rộng.v
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, nông dân ở vùng ngập mặn thuộc các huyện Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang của tỉnh Trà Vinh đã thu hoạch gần dứt điểm hơn 2.000 ha nuôi tôm càng xanh trong ao nuôi tôm sú. Điều phấn khởi là vụ nuôi tôm càng xanh năm nay, nông dân Trà Vinh tiếp tục được bội thu.

Hàng năm vào tháng 9, 10 ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều có lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Bên cạnh những lợi ích như: cung cấp phù sa, xổ nước phèn cho đồng ruộng, mang lại nguồn lợi thủy sản…, lũ cũng gây hại nhất định đối với sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản nước ngọt.

Do thời tiết ở Thái Lan đang ấm dần lên, nên người nuôi tôm ở miền Nam nước này đã bắt đầu thả nuôi lại với hy vọng vụ mùa năm nay sẽ kả quan hơn.

Với nhiều hàng rào kỹ thuật mà các nước nhập khẩu đề ra ngày càng cao, ngành cá tra Việt Nam đang chủ động hướng tới sản xuất bền vững.

Hơn một tuần sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, đến thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương (Đà Nẵng), chúng tôi biết được người nông dân nơi đây có nguồn thu nhập cao nhờ vào nuôi cá nước ngọt, từ 100 triệu đồng/500m2 đến 2 tỷ đồng/ha.