Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xuất Siêu Có Tiếng Không Có Miếng: Cá Tra Càng Xuất, Càng Giảm Giá

Xuất Siêu Có Tiếng Không Có Miếng: Cá Tra Càng Xuất, Càng Giảm Giá
Ngày đăng: 17/01/2013

Từ vị thế một sản phẩm độc quyền của VN, chỉ sau vài năm mặt hàng cá tra xuất khẩu đã rớt giá thê thảm. Đáng buồn hơn, ngành này còn để lại một ấn tượng xấu cho khách hàng nước ngoài về kiểu làm ăn chụp giật, bát nháo, tự phá giá lẫn nhau của doanh nghiệp Việt…

Năm 1997 - 1998, giá cá tra xuất khẩu (XK) bình quân 4,93 USD/kg. Hơn 12 năm sau, các doanh nghiệp (DN) VN chào bán cá tra tại Mỹ chỉ còn 1,8 - 2,5 USD/kg, giảm khoảng 40%. Đáng nói là giá cá giảm mạnh trong khi chi phí (thức ăn, nhân công, thuốc thú y…) ngày càng tăng.

Tự hại mình

Cá tra VN từng được các nhà nhập khẩu quốc tế công nhận là một sản phẩm tuyệt vời với cơ thịt săn chắc, phù hợp khẩu vị của hầu hết người tiêu dùng trên thế giới, có thể chế biến thành nhiều món ăn. Hơn thế, giá cá tra rất cạnh tranh so với các loài cá khác do hiệu quả sử dụng nguồn đạm từ bột cá để nuôi cá tra so với các loài cá khác tốt hơn rất nhiều… Với nhiều lợi thế như vậy, nhưng chỉ sau một thời gian phát triển nóng, mặt hàng cá tra đang dần bị các nhà nhập khẩu (NK) quay lưng. Lý do là giá cá tra ngày càng thấp, thậm chí giá bán hôm trước có thể thấp hơn vào ngày hôm sau. Tình trạng này khiến các nhà NK không yên tâm kinh doanh vì ngày càng khó kiếm lời từ việc NK mặt hàng này.

Nguyên nhân của tình trạng trên, thật đáng buồn là do chính các DN VN tự cạnh tranh phá giá lẫn nhau. Trong khi lẽ ra với ưu thế chiếm trên 80% thị phần thế giới, các DN VN hoàn toàn có thể chủ động định giá cá. Ông Jean-Charles Diener, Giám đốc Công ty Ofco Sourcing (một nhà NK và phân phối cá tra VN tại châu Âu), cho biết hầu hết nhà NK cá tra hiện không còn muốn kinh doanh loài cá này, vì dù lượng tiêu thụ ngày càng cao nhưng lợi nhuận ngày càng giảm do các DN VN cứ thi nhau hạ giá.

Người nuôi cá lỗ nặng

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), nhìn nhận: “Để có 1 kg cá tra phi lê XK dù là loại gì, sau khi cộng tất cả chi phí thì người bán cũng phải thu về ít nhất 2,7 - 2,8 USD mới có thể tiếp tục tái sản xuất. Vậy mà tôi không thể hiểu tại sao vẫn có những người bán giá thấp hơn. Các nhà NK EU đang phát ngán với việc các DN cá tra VN bán phá giá. Nhiều DN XK cá tra chào hàng, khi chưa nghe đối tác phản ứng gì đã vội tiếp tục giảm giá. Nên nhớ là không phải lúc nào nhà NK cũng trông đợi vào chuyện giảm giá bán”.

Cá tra VN đã có mặt tại 135 quốc gia và vùng lãnh thổ. ĐBSCL có 136 DN XK cá tra (trong đó 64 DN có nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kế hơn 1,2 triệu tấn/năm). Việc có quá nhiều DN XK đã dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Hậu quả là hiện đã có khoảng 50% số DN này đã phải ngưng hoạt động; chỉ có khoảng 20 DN XK ổn định.

Trong thập niên qua, diện tích nuôi cá tra đã tăng gấp 5 lần, lên 6.000 ha; sản lượng tăng 35 lần, hiện đạt 1,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, người nuôi cá thì đang thua lỗ do giá thu mua cá của các DN giảm quá nhanh, trong khi chi phí nuôi cá tăng mạnh. Cách đây 5 năm, giá cá tra nguyên liệu chỉ trên dưới 13.000 đồng/kg nhưng người nuôi đã có lãi. Trong năm 2012, giá cá tra giảm từ 23.000 - 23.500 đồng/kg còn 20.000 - 22.000 đồng/kg, có thời điểm còn 18.000 đồng/kg, khiến người nuôi cá lỗ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Kim ngạch XK cá tra năm 2012 đạt 1,8 tỉ USD, bằng với năm trước, sản lượng cũng bằng với năm trước, nhưng lợi nhuận thu về chẳng đáng là bao.

Phải bỏ ngay cách làm ngược

Trong những ngày này, VASEP đang phát động cuộc góp ý “Làm thế nào để trả lại giá trị thực của cá tra”, để kêu gọi ý thức của cộng đồng DN. Theo các chuyên gia trong ngành, nếu có một chiến lược kinh doanh tốt trong những năm trước đây cùng sự tuân thủ nghiêm của các DN thì giá cá tra XK có thể tăng hơn 30 - 40% so với mức giá hiện nay ở châu Âu.

Trước tình trạng tự phá giá như hiện nay, VN cần xây dựng giá sàn xuất khẩu đối với cá tra. Mức giá tối thiểu phải được xác định không chỉ căn cứ trên tình hình sản xuất thực tế cá tra tại VN, mà còn phải phù hợp thị trường cá phi lê thịt trắng trên thế giới. Ông Trần Huy Hiển, một người kinh doanh XK cá tra hơn 10 năm, góp ý: “Thật ra, tình hình cá tra lộn xộn như hiện nay bên cạnh bản thân các DN tự tranh bán với nhau bằng cách hạ giá, hạ chất lượng thì lỗi lớn nhất là chính sách quản lý của nhà nước chưa tốt. Để cá tra phát triển tốt hơn, theo tôi không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần phải có một số giải pháp căn cơ từ tái cơ cấu ngành cá tra, chỉ duy trì khoảng 50 nhà máy lớn. Dứt khoát không cho phát triển thêm nữa trong ít nhất 5 năm tới để tập trung lo chuyện ổn định nội bộ ngành và tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời giảm sản lượng còn 1 triệu tấn/năm trong 5 năm tới để tái cơ cấu ngành, ổn định chất lượng và bảo vệ môi trường”.

Cũng theo ông Hiển, một điều cần làm khác là xem xét hạn chế việc XK cá tươi còn thịt đỏ (hàng Untrimmed) vì đây là tác nhân góp phần giảm giá trị con cá tra VN. “Cách đây 10 năm, chúng ta chỉ XK mặt hàng chế biến sâu nên không mấy phức tạp, gần đây chuyển sang XK cá phi lê tươi, cần sản lượng rất lớn khiến diện tích nuôi tăng đột biến. Nay thị trường này co hẹp lại nên mới dư thừa, tồn kho rất nhiều. Hơn nữa, XK Untrimmed là làm ngược, đi ngược lại chủ trương tăng hàm lượng giá trị gia tăng của cá tra. Đáng lẽ, phải tiến tới XK cá tẩm bột, tẩm gia vị... thì chúng ta cứ mãi chạy theo sản lượng nên mới ham làm hàng Untrimmed giá rẻ”, ông Hiển nói.

Nhiều chuyên gia thủy sản cũng khuyến cáo phải thay đổi xu hướng độc canh XK sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh (chỉ có 1% tổng kim ngạch XK cá tra hiện nay là các sản phẩm chế biến, 99% là cá phi lê). Việc đa dạng hóa sản phẩm cá tra XK không chỉ giúp tăng giá trị, mà còn giúp giảm nguy cơ bị các nước kiện bán phá giá.


Có thể bạn quan tâm

Hồi Sinh Nghề Rập Cua Hồi Sinh Nghề Rập Cua

Thời gian gần đây, sản lượng cua nuôi giảm mạnh do người dân dành ao nuôi tôm sú. Giá cua cao nên người dân ven biển Bến Tre hồi sinh nghề rập cua.

27/05/2014
Ngư Dân Vào Vụ Khai Thác Cá Nam Ngư Dân Vào Vụ Khai Thác Cá Nam

Vào vụ cá Nam năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, các đàn cá nổi liên tục xuất hiện với trữ lượng rất lớn nên đã có 65% tàu cá ra khơi khai thác trên các ngư trường từ tỉnh Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu.

08/05/2014
Chợ Mới (An Giang) Phát Triển Đàn Bò Theo Hướng Trang Trại Chợ Mới (An Giang) Phát Triển Đàn Bò Theo Hướng Trang Trại

Từ mô hình trồng bắp thu trái non, lấy phụ phẩm nuôi bò; trồng cỏ voi cặp các bờ kênh, tuyến đê, trên đất trồng lúa… số lượng đàn bò huyện Chợ Mới phát triển đến 22.000 con, đi đầu phong trào nuôi bò của tỉnh. Địa phương đang dần hình thành mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, ứng dụng công nghệ cao.

27/05/2014
Khôi Phục Mô Hình Lúa Tôm Ở Phú Thuận (An Giang) Khôi Phục Mô Hình Lúa Tôm Ở Phú Thuận (An Giang)

Từ điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi và kinh nghiệm sẵn có, nông dân xã Phú Thuận (Thoại Sơn - An Giang) đang phục hồi, mở rộng vùng nuôi tôm càng xanh với diện tích 502 héc-ta, trở thành vùng chuyên canh lúa-tôm lớn nhất tỉnh.

09/05/2014
Cà Mau Nuôi Chim Yến Khó Quản Lý Vì Chưa Có Văn Bản Quy Định Tiêu Chuẩn Cà Mau Nuôi Chim Yến Khó Quản Lý Vì Chưa Có Văn Bản Quy Định Tiêu Chuẩn

Mấy năm gần đây, phong trào nuôi chim yến trên địa bàn Cà Mau phát triển mạnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân, giải quyết nguồn lao động lớn cho địa phương.

27/05/2014