Phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới
Phụ nữ tham gia làm đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới. Từ “5 không, 3 sạch”...
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn về chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó chú trọng xây dựng mô hình “5 không, 3 sạch”.
Đến Bình Định (Kiến Xương), điều dễ dàng nhận ra nét khác biệt mà không phải địa phương nào cũng có được, đó là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nhà ở của người dân.
Cùng với việc thực hiện tiêu chí “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch đường), các chi hội phụ nữ thi đua thực hiện tốt “5 không”: không có hộ đói nghèo, không xảy ra tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không có trẻ suy dinh dưỡng và không có người sinh con thứ ba.
Không giấu được sự phấn khởi, chị Bùi Thị Thúy, Chi hội Phụ nữ thôn Công Bình cho hay: Từ khi triển khai mô hình “5 không, 3 sạch”, đi đến đâu cũng thấy chị em phụ nữ thay đổi được cách nghĩ, cách làm từ trong sinh hoạt gia đình đến cách nuôi dạy con cái.
Bằng cách “cầm tay chỉ việc”, chị em nơi đây đã dần thay đổi nhận thức hàng ngày, từng hộ gia đình tự quét dọn từ nhà ra ngõ, tập trung đốt rác thải đúng nơi quy định, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Hàng năm có khoảng 97% gia đình hội viên ở Chi hội Phụ nữ thôn Công Bình đạt danh hiệu trên.
Đặc biệt, trong Chi hội Phụ nữ thôn Công Bình không có gia đình hội viên nào có trẻ em hư, trẻ em bỏ học, không có trường hợp nghiện ma túy, mắc tệ nạn xã hội.
Kết quả trên đã góp phần bảo đảm an ninh chính trị ở địa phương, nhân dân, hội viên, phụ nữ yên tâm lao động, sản xuất, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, góp phần cùng địa phương giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới.
Thực tế cho thấy, các tiêu chí trong cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” rất gần gũi, gắn bó với đời sống hội viên, phụ nữ nên đã tạo được sức lan tỏa rộng khắp. Không chỉ ở Bình Định mà ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, cuộc vận động đã thu hút rất đông gia đình đăng ký tham gia.
Các gia đình sau khi tham gia mô hình “5 không, 3 sạch” đều biết cách tổ chức cuộc sống gia đình; việc học hành của con em đã được quan tâm hơn. Bên cạnh đó, nhiều gia đình hội viên sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đến góp sức giảm nghèo bền vững
Xác định giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, các cấp hội phụ nữ ở Thái Bình đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình.
Chị Bùi Thị Nhuần, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Nam Tiến, xã Đông Giang (Đông Hưng) là một trong những tấm gương phụ nữ tiêu biểu tham gia phát triển kinh tế, xây dựng NTM được nhận Bằng khen của UBND tỉnh.
Cuộc sống gia đình khó khăn, năm 2006, chị bàn với chồng huy động vốn tự có và vay mượn anh em đầu tư chuyển đổi 7 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá, làm vườn, xây dựng gia trại nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt thương phẩm cùng gà, vịt đẻ trứng, gà giống phục vụ bà con quanh vùng.
Khắc phục khó khăn, từ năm 2006 đến năm 2011, mỗi năm gia đình chị xuất ra thị trường gần 40 tấn lợn thịt, 270.000 quả trứng vịt, 4 tấn thịt gà, 600kg cá.
Mỗi năm, tổng thu của gia đình chị đạt gần 2 tỷ đồng. Hiện tại, gia trại của gia đình chị thường xuyên có 10 lợn nái sinh sản, 100 lợn thịt, 900 vịt đẻ, 100 gà thịt, 200 gà giống, 1 ao thả cá. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Điều đặc biệt, gia đình chị còn kết hợp với các hộ gia đình chăn nuôi trong thôn xây dựng mô hình liên kết sản xuất: nhập nguồn thức ăn chăn nuôi để phân phối cho các gia trại khác, trao đổi kinh nghiệm; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi… Không chỉ phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, chị cùng gia đình còn tích cực tham gia xây dựng NTM.
Ngoài số tiền đóng góp, gia đình chị còn ủng hộ 15 triệu đồng cùng nhân dân địa phương làm đường giao thông nông thôn.
Tiếp tục phát huy những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, phụ nữ Thái Bình đã và đang tích cực học tập, lao động, công tác, góp sức vào sự phát triển của quê hương.
Với những tiêu chí đề ra, các cấp hội đã cụ thể hóa nội dung, chỉ tiêu xây dựng NTM phù hợp với hoạt động công tác hội và phong trào phụ nữ.
Từ đó, mỗi cơ sở hội thực hiện việc đăng ký cam kết phần việc do phụ nữ đảm nhận phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương.
Bằng những hành động sát với thực tế như: giúp nhau về vốn, con giống giúp phụ nữ phát triển kinh tế; hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm…, các cấp hội đã giúp hàng nghìn hội viên thoát nghèo bền vững, đóng góp công sức không nhỏ vào tiêu chí xóa nghèo.
(Đồng chí Đinh Thị Hồng Thái, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳnh Phụ)
Có thể bạn quan tâm
Khu vực đầu nguồn biên giới An Phú (An Giang) đã xuất hiện cá linh non đầu mùa. Đây là thông tin khiến nhiều ngư dân khu vực đầu nguồn phấn khởi, do cá linh năm nay xuất hiện sớm hơn so mọi năm.
Sau hơn 9 năm thử nghiệm, giờ đây, tỉnh Sóc Trăng đã trở thành một trong những địa phương có đàn bò sữa lớn ở ĐBSCL. Kết quả này mở ra nhiều triển vọng phát triển nghề nuôi bò sữa ở Sóc Trăng…
Theo tin từ HTX Anh Đào, hiện HTX đang thu mua trái cà chua giống Vô hạn với giá ổn định 25 ngàn đồng/kg. Cà chua Vô hạn là giống mới nhập từ nước ngoài vào Việt Nam với khả năng nổi bật là trái lớn, lượng đường cao, màu đẹp.
Nhằm từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người dân, hướng đến việc canh tác theo hướng xen canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao; kỹ sư Đặng Văn Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Quang 3 đã thực hiện thành công mô hình trồng sắn xen đậu phộng ở huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên).
Đứng thứ 2 về sản lượng cung cấp cho thị trường thế giới nhưng cà phê Việt Nam lại đang đối mặt với nhiều vấn đề, mà đặc biệt là chất lượng và tính bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.