Hà Tĩnh là nhân tố xây dựng nông thôn mới cần được nhân rộng
Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả tập trung trong mô hình xây dựng nông thôn mới ở huyện Hương Khê.
Trong chuyến công tác tại các tỉnh Bắc miền Trung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Hà Tĩnh về tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.
Báo cáo của Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự với Thủ tướng và đoàn công tác về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2015 cho thấy thành tích nổi bật của Hà Tĩnh trong thời kỳ này là tốc độ tăng trưởng kinh tế với mức bình quân đạt 18,7%; trong đó, năm 2014 đạt 25,89%; 6 tháng đầu năm 2015 tăng 26,76% so với năm 2014, dự kiến năm 2015 tăng trên 28%; thuộc loại cao nhất cả nước.
Ở Hà Tĩnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực, theo đó, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ trên 82%; nông, lâm ngư nghiệp dưới 18%. Dự kiến thu ngân sách năm 2015 ước đạt 15.000 tỷ đồng; Hà Tĩnh xếp thứ 6 toàn quốc về thu hút đầu tư nước ngoài và cũng là một trong 5 tỉnh đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới.
Những thành tích của Hà Tĩnh 5 năm qua nhận được nhiều ý kiến đánh giá rất cao của đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương. Các bộ, ngành cũng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh trong bố trí nguồn ngân sách phục vụ công tác di dời, giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư; xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, công trình hạ tầng an sinh xã hội tại các xã vùng ngập lụt; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...
Nắm tình hình công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, lắng nghe ý kiến góp ý của đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, với cách làm chủ động, sáng tạo, quyết liệt, Hà Tĩnh sẽ nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế động lực của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.
Điểm lại những kết quả của địa phương, Thủ tướng đánh giá 10 năm qua, Hà Tĩnh đã có bước phát triển nhảy vọt, vượt bậc mà nổi bật là thành tích về kinh tế với mức tăng trưởng bình quân 5 năm qua là 20% GDP.
Chương trình xây dựng nông thôn mới hiệu quả cao với con số rất lớn là 8.700 mô hình được xây dựng, triển khai; Hà Tĩnh xứng đáng là nhân tố mới, cách làm mới để nhân rộng trên địa bàn cả nước.
Phân tích nguyên nhân, kết quả, Thủ tướng khẳng định thành tựu này có được là nhờ sự đoàn kết, nhất trí và những chủ trương, giải pháp đúng mà tỉnh đã đề ra. Chỉ rõ những tiềm lực dồi dào của vùng đất cách mạng Hà Tĩnh, Thủ tướng cho rằng, đây mới là những thành công bước đầu, bởi khi hoàn tất hệ thống hạ tầng công nghiệp, Hà Tĩnh hứa hẹn những chỉ số kinh tế còn cao hơn nữa.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý song song với chú trọng phát triển kinh tế, xây dựng Đảng, Hà Tĩnh cần tiếp tục tăng cường hơn nữa về thu hút, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính; đặc biệt chú trọng đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ 2015; đồng thời cụ thể hóa kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm tới trên tinh thần quyết tâm phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững hơn; không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân.
“Chính phủ luôn quan tâm, hỗ trợ, tạo các điều kiện thuận lợi để Hà Tĩnh tiếp tục phát triển làm cơ sở quan trọng phát triển cho vùng Bắc Trung Bộ và cả nước; nhất là ưu tiên phát triển các dự án trọng điểm để Hà Tĩnh vươn lên, vững bước cùng cả nước trên con đường đổi mới và hội nhập” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã xem xét và cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của Hà Tĩnh liên quan đến cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ vốn cho các công trình trọng điểm của địa phương, xây dựng các công trình hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, văn hóa, giáo dục…
Có thể bạn quan tâm
Cả nước hiện có 234 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó chỉ còn 194 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động, 40 doanh nghiệp còn lại (chủ yếu vốn trong nước) đã phá sản hoặc chuyển hướng kinh doanh.
UBND huyện Tri Tôn (An Giang) và các ngành chuyên môn của huyện vừa đến thị sát quá trình thu hoạch bắp non và kiểm tra việc chuyển đổi mô hình trồng mè tại các xã Cô Tô, Ô Lâm và An Tức (huyện Tri Tôn).
Từ 40 cặp chim giống ban đầu, sau 2 năm chăm sóc đến nay đàn chim bồ câu của ông Huỳnh Thắng ở thôn Tây Yên, xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đã lên tới hơn 400 con. Ông được xem là người nuôi chim bồ câu Pháp thành công ở vùng quê nhiều khó khăn này.
Những này gần đây giá ớt đứng ở mức cao từ 48.000 - 50.000 đồng/kg, đem lại thu nhập khá cho người trồng ớt ở các xã Bình Ninh, An Thạnh Thủy, Tân Thuận Bình, Đăng Hưng Phước... của huyện Chợ Gạo.
Đối với củ hành tím lẫn artemia, thế mạnh lớn nhất chính là nguồn giống được sản xuất tại địa phương và điều kiện về đất đai, nguồn nước phù hợp cho sự phát triển. Vì thế, sau cây lúa ST5, hành tím và artemia Vĩnh Châu được “Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng” chọn xây dựng nâng cấp chuỗi giá trị từ nay đến năm 2016.