Xuất Khẩu Trái Cây Sang Mỹ Cửa Đã Mở, Nhưng Chưa Thể Mừng
Theo quyết định của Bộ Nông nghiệp Mỹ, từ ngày 6.10 VN sẽ được xuất khẩu thêm hai loại trái cây sang Mỹ là nhãn và vải. Cánh cửa của thị trường khó tính bậc nhất này đã mở cho trái cây VN, nhưng làm thế nào để có thể khai thác tốt cơ hội?
“Quan trọng lúc này là khả năng quảng bá của DN. Cho phép nhập khẩu là một việc, còn thâm nhập thị trường, định vị sản phẩm là việc của DN. Ví dụ như Malaysia cũng được Mỹ cho phép xuất khẩu chôm chôm vào Mỹ mà có xuất được đâu.”
TS Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục BVTV)
Vải và nhãn tươi của VN sẽ được xuất khẩu (XK) vào Mỹ nếu đáp ứng được một số tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này. Các điều kiện sơ bộ phía Mỹ yêu cầu bao gồm vải phải được trồng trên vùng đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) VN theo dõi nhằm đảm bảo không có bệnh; vải và nhãn phải được chiếu xạ để loại bỏ ký sinh trùng; mỗi lô hàng phải kèm theo chứng chỉ của Cục BVTV, xác định sản phẩm phù hợp với quy định. Ngoài ra, các sản phẩm trên còn phải tuân thủ các quy định rất ngặt nghèo về dư lượng thuốc BVTV...
Công nghệ bảo quản thực phẩm 10 năm
Năm 2013, VN đã đưa công nghệ Cas (công nghệ bảo quản thực phẩm hiện đại có thể bảo quản thực phẩm đến 10 năm) vào thử nghiệm bảo quản quả vải. Vừa diệt khuẩn tốt, vừa lưu giữ thực phẩm tươi ngon. Mùa vải vừa rồi, chúng tôi đã thử nghiệm xuất 10 tấn vải sang thị trường Nhật để người tiêu dùng đánh giá chất lượng quả vải. Kết quả rất khả quan. Nếu trái cây VN đạt được tiêu chuẩn của Nhật, chắc chắn sẽ có cơ hội vào Mỹ hay vào EU.
TS Trần Ngọc Lân, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển vùng (Bộ Khoa học - Công nghệ)
T.Hằng (ghi)
Theo TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, trước đây diện tích nhãn trồng ở miền Nam vào khoảng 34.000 ha, trong đó có nhiều diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhãn là loại cây có thể xử lý ra trái quanh năm, đáp ứng được số lượng lớn để XK.
Ông Nguyễn Thành Lập, Tổng giám đốc Công ty CP chiếu xạ An Phú (API), nhận định: “Hiện chúng tôi hỗ trợ và tư vấn rất tốt cho các doanh nghiệp (DN) XK thanh long, chôm chôm đi Mỹ với số lượng ngày càng tăng. Sắp tới có thêm nhãn và vải thì đây là cơ hội rất tốt. Trái cây VN xuất sang các thị trường lân cận thường có giá thấp và bấp bênh. Còn thị trường Mỹ có sức tiêu thụ rất lớn và ổn định, nếu đạt quy trình của Mỹ thì có thể bán với giá rất cao”.
Cơ hội lớn.
Từ Mỹ, chị Nguyễn Thị Ngọc Uyên, một Việt kiều ở bang California, cho biết: “Trái cây nhiệt đới như vải, nhãn, chôm chôm ở Mỹ rất đắt. Một thùng chôm chôm 5 kg giá khoảng 20 USD, nhãn khoảng 30 USD/thùng 5 kg. Đắt như vậy nhưng cộng đồng người gốc châu Á tiêu thụ rất nhiều. Tuy nhiên trái cây này xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, Hawaii chứ chưa có trái cây VN. Nếu sắp tới VN được bán trái cây sang đây thì chắc chắn sẽ được cộng đồng người Việt ủng hộ”.
“3 nhà” cần liên kết
Cửa đã rộng mở, nhưng việc XK được vào thị trường khó tính này không hề đơn giản. Theo ông Võ Minh Quang, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Bình Thuận), mặc dù Bình Thuận là nơi sản xuất thanh long lớn nhất cả nước nhưng thanh long XK đi Mỹ vẫn không đáng kể.
Thanh long vào Mỹ phải đáp ứng 3 điều kiện: Đảm bảo xuất xứ địa lý (mã vạch, code) của nhà vườn theo quy định; đóng gói đạt tiêu chuẩn Mỹ, cơ sở đóng gói được cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp phép; phải được chiếu xạ.
“Do vận chuyển đường xa, chi phí rất cao nhưng khi sang đến Mỹ tỷ lệ hư hỏng nhiều nên bị lỗ. Nguyên nhân khác là hiện nay phía Mỹ kiểm tra sản phẩm rất nghiêm ngặt. Do vậy, các doanh nghiệp (DN) ở Bình Thuận không xuất thanh long đi Mỹ là vậy. Hiện chỉ còn duy nhất Công ty Hoàng Hậu còn xuất đi Mỹ nhưng rất ít”, ông Quang cho biết.
Nhìn lại 6 năm XK trái cây vào Mỹ, TS Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục BVTV), nhận định: “Năm 2008 Mỹ bắt đầu mở cửa cho thanh long. Nhưng 2 năm đầu chỉ xuất được 100 tấn/năm, năm 2010 được 800 tấn, năm 2011 và 2012 được 1.200 tấn...
Năm nay hy vọng cao hơn một chút. Còn chôm chôm sau 2 năm được xuất sang Mỹ ổn định ở mức 300 tấn/năm. Nói như vậy có nghĩa là chúng ta được trao cơ hội, được tạo điều kiện để bán hàng vào Mỹ, nhưng để bán được hàng chúng ta phải làm tiếp thị tốt, phải xây dựng thương hiệu, phải có thời gian để người tiêu dùng chấp nhận.
Quan trọng lúc này là khả năng quảng bá của DN. Cho phép nhập khẩu là một việc, còn thâm nhập thị trường, định vị sản phẩm là việc của DN. Ví dụ như Malaysia cũng được Mỹ cho phép xuất khẩu chôm chôm vào Mỹ mà có xuất được đâu”.
Theo ông Phan Nhật Tú, Tổng giám đốc Công ty Ánh Dương Sao (TP.HCM) - DN XK trái cây vào Mỹ từ năm 2011 đến nay, nhược điểm của trái cây VN vào Mỹ là giá cao: “Cụ thể chôm chôm VN sang Mỹ cao hơn các nước khác, chúng ta có quá nhiều chi phí từ khâu sản xuất, vận chuyển, khâu trung gian.
Nhà nhập khẩu họ cần giá bán ổn định trong suốt cả năm, còn chúng ta cứ điều chỉnh liên tục theo thời vụ nên khó cạnh tranh. Với vải và nhãn, vấn đề là trái vải chưa có công nghệ để giữ tươi được lâu, phải tìm cách bảo quản để vận chuyển đường biển chứ đi bằng máy bay thì giá rất cao, không thể cạnh tranh được”.
Ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND H.Lục Ngạn - vùng trồng vải quy mô lớn và nổi tiếng nhất của tỉnh Bắc Giang, cho biết nhiều năm nay Lục Ngạn quan tâm quy hoạch hỗ trợ nông dân đầu tư trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP phục vụ XK.
Trong mùa vải năm nay, Lục Ngạn bước đầu XK 10 tấn vải thiều sang Nhật Bản. Diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở 2 xã Giáp Sơn và Hồng Giang khoảng 150 ha. Quả vải sau khi thu hoạch nhất thiết được chiếu xạ.
Ông Tấn khẳng định không khó để hỗ trợ nông dân trồng vải tạo ra sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Mỹ, nhưng để có thể khai thác tốt cơ hội này nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ đầu tư cho nông dân tham gia chuỗi sản xuất nông sản chất lượng cao.
Nhà khoa học hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, chế biến sản phẩm, tư vấn sử dụng thuốc BVTV, phân bón an toàn hiệu quả. DN đứng ra xây dựng thương hiệu, bao bì, thông tin chỉ dẫn địa lý của sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ. “Ngay trong tuần này, chúng tôi sẽ có buổi làm việc với một DN tại TP.HCM để thảo luận và sớm bắt tay vào chuẩn bị các công việc cần thiết để XK vải thiều Lục Ngạn vào thị trường Mỹ trong năm tới”, ông Tấn cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Ông Phạm Văn Trung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lưu (Trảng Bàng - Tây Ninh) đưa chúng tôi đến ấp Phước Giang thăm gia đình ông Nguyễn Huỳnh Hắng (sinh năm 1963), một nông dân đã sáng chế và đang vận hành thử nghiệm máy xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên ruộng lúa.
Hiện nay, nông dân trồng dưa hấu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh đang ra sức chăm sóc những rẫy dưa với hy vọng có được vụ mùa bội thu. Qua khảo sát, trong vụ dưa hấu tết năm nay đa phần nông dân đều lựa chọn trồng giống dưa chất lượng cao, thẩm mỹ đẹp và được thị trường ưa chuộng.
Ông Phan Văn Minh, chủ trang trại trồng các loại đặc sản quýt đường, cam xoàn, sầu riêng, măng cụt tại ấp 4, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) là một nông dân có nhiều ý tưởng mới vì không ngại thử nghiệm những mô hình mới và là người đam mê sáng chế, tự cải tiến, chế tạo nhiều máy móc, dụng cụ trong nông nghiệp.
Chúng tôi tìm đến nhà anh Lê Hoàng Minh vào một buổi chiều, đúng lúc anh đang tất bật hái cam để kịp giao cho khách hàng. Đập vào mắt chúng tôi là một vườn cam sành rộng 1,5ha xanh tốt, trĩu quả. Khoảng nửa tháng nay, ngoài những thành viên trong gia đình, anh Minh còn phải thuê thêm 2 lao động cùng hái và đóng gói cam. Vừa hái những trái cam chín mọng, anh Minh vui vẻ nói: “Đây là năm thứ 2 vườn cam nhà tôi cho thu hoạch.
Ngày 5/2/2015 Công ty Điện lực Tiền Giang phối hợp UBND huyện Chợ Gạo tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình "Hỗ trợ nông dân trồng thanh long đổi đèn tròn sợi đốt bằng đèn Compact tiết kiệm điện". Chương trình do Công ty Điện lực Tiền Giang phối hợp Hội Nông dân tỉnh và Tỉnh đoàn Tiền Giang thực hiện.