Hiệu Quả Từ Mô Hình Cá, Tôm Trên Ruộng Lúa
Năm 2013, nông dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) thả nuôi 750ha thủy sản, trong đó 430ha cá ruộng. Hầu hết diện tích thả nuôi đều trúng mùa, được giá. Nhưng vui nhất là những hộ nuôi tôm càng xanh toàn đực và nuôi ghép các loại cá “đen” trên ruộng lúa. Đây là mô hình mới ở tỉnh Hậu Giang sẽ được nhân rộng theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Kéo tôm giao cho khách hàng mà trong lòng anh Võ Hồng Quang, ở ấp Trường Lợi, xã Trường Long A tràn ngập niềm vui, bởi anh nuôi nhiều vụ tôm, nhưng đây là vụ cho hiệu quả nhất. Vụ này, anh nuôi tôm càng xanh toàn đực, tôm đồng đều, lớn nhanh hơn so với các vụ trước nuôi tôm lộn xộn đực và cái, tôm chậm lớn, kích cỡ không đồng đều. Sau gần 6 tháng thả nuôi, tôm đạt trọng lượng 13 con/kg, tôm loại 1 giá 240.000 đồng/kg, năng suất 800kg, lợi nhuận 80-90 triệu đồng/ha sau khi trừ hết chi phí.
Anh Quang là một trong hai hộ nằm trong dự án nuôi tôm càng xanh luân canh trên ruộng lúa (được Trung tâm Khuyến nông tỉnh phân bổ trình diễn ở 2 xã Trường Long A và Trường Long Tây, mỗi địa phương 1ha). Mỗi hộ thực hiện trình diễn 1ha nuôi tôm càng xanh được hỗ trợ 100% chi phí con giống (55.000 con tôm giống toàn đực), 30% thức ăn, hóa chất, tổng cộng 33 triệu đồng.
Theo anh Phạm Hữu Hạnh, người hùn nuôi tôm với anh Quang và là người trực tiếp chăm sóc tôm cho biết, vùng đất trũng ở Trường Long A rất thích hợp với con tôm càng xanh. Tuy nhiên, theo anh Hạnh, để áp dụng mô hình lúa - tôm thành công thì ruộng trồng lúa hạn chế sử dụng thuốc, không được sử dụng các thuốc dạng cát, không được dùng nhớt pha thuốc để diệt chuột trong ruộng lúa. “Tôm ăn dơ nhưng ở sạch”, vì vậy thường xuyên phải thay nước cho ruộng tôm. Mực nước ruộng nuôi giữ khoảng 5 tấc, chỉ cần bơm nước hạ xuống 2 tấc, chứ không nên bơm cạn, rồi cho nước vào ruộng đạt 5 tấc trở lại. Anh Hạnh cũng chia sẻ là khi thay nước cho ruộng tôm nên lựa vào lúc trời mát, nước lớn, chứ không nên thay lúc nắng gắt, khi đó tôm sẽ bị chết.
Qua đây cho thấy, nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì nuôi tôm càng xanh sẽ cho hiệu quả cao. Từ hiệu quả này là cơ sở để tỉnh nhân rộng mô hình lúa - tôm trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Chúng tôi tổ chức hội thảo để nhân rộng mô hình tôm này, hộ nào có nhu cầu chúng tôi hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm”.
Song song với thắng lợi từ các mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực thì các hộ nuôi cá rô đồng ghép sặc rằn và mè, có đầu tư thức ăn cho thu nhập gấp 7 đến 10 lần trồng lúa vụ 3. Với 2.500m2 đất ruộng nuôi cá kết hợp lúa Thu đông, nhưng nhiều vụ trước ông Võ Quang Tiên nuôi cá trắng (như mè, chép), không đầu tư thức ăn nên năng suất không cao, mà giá trị các loài cá này rất thấp, khoảng 8.000-16.000 đồng/kg.
Năm nay, ông nuôi ghép các loại cá đen (như cá rô đồng, sặc rằn, mè) với mật độ 10 con/m2, có đầu tư thêm thức ăn, thu hoạch cho năng suất khoảng 2 tấn, mà giá bán khá cao, hiện cá rô cân xô 35.000-40.000 đồng/kg, cá sặc rằn từ 40.000-50.000 đồng/kg, nhờ vậy thu nhập từ vụ cá này của ông Tiên tăng đột biến. Ông Võ Quang Tiên so sánh: “Các năm trước, tôi bán 8-10 triệu đồng, lời khoảng 5 triệu đồng, nuôi cùng diện tích đó, nhưng mà năm nay nuôi cá rô đồng, sặc rằn thì lời khoảng 40 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Văn Giàu, hộ nuôi cá ruộng ở xã Trường Long Tây, cho biết: “Chuyển qua cá đen tôi thấy đạt hơn. Mấy năm trước, tôi nuôi cá mè, cá chép thì lợi nhuận không bằng, bây giờ nuôi cá đen (cá rô, sặc rằn), nó chịu môi trường này, nó không bị hao hụt”.
Đó là 2 trong 3 hộ tham gia dự án “phát triển mô hình nuôi cá - lúa” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ thực hiện trên địa bàn huyện Châu Thành A năm 2013, mỗi hộ được hỗ trợ 100% chi phí con giống và 30% chi phí thức ăn, thuốc, hóa chất. Các hộ thu hoạch cho năng suất bình quân 8,5 tấn/ha, trừ chi phí, lợi nhuận từ 80-100 triệu đồng/ha, cao gấp 7 đến 10 lần trồng lúa vụ 3.
Bên cạnh đó, năng suất lúa ruộng nuôi cá tăng 10% so ruộng không nuôi, đồng thời lại giảm chi phí. Ông Võ Quang Tiên chia sẻ: “Cá thả khoảng tháng 5, 6 âm lịch, khi sạ lúa Thu đông thì con cá sẽ lên ruộng, nó ăn sâu rầy mình không phun thuốc. Đồng thời con cá thải phân tạo dinh dưỡng cho cây lúa, nên giảm được phân hóa học, giảm lượng thuốc sâu, bảo vệ được môi trường”.
Ưu điểm của mô hình nuôi ghép cá đen này là chỉ cần đầu tư thức ăn cho cá rô đồng, còn sặc rằn và cá mè thì tận dụng chất thải của các loài còn lại và thức ăn trong tự nhiên, nên ít tốn chi phí. Và mô hình cá - lúa này sẽ cho hiệu quả cao hơn nếu hộ nuôi có ao chứa, chủ động thời điểm cá có giá mới xuất bán.
Với vụ tôm, cá thắng lợi này, đã tạo thêm mô hình làm ăn hiệu quả, thúc đẩy phong trào nuôi thủy sản phát triển trên ruộng thay thế cây lúa kém hiệu quả, nâng cao thu nhập cho nông hộ trồng lúa.
Có thể bạn quan tâm
Đến thôn Phú Yên xã miền núi Yên Bài, ai cũng biết đến anh Nguyễn Hoàng Vững, một người đi tiên phong trong thôn trong việc làm giàu từ sản xuất chè sạch
Công ty TNHH Đầu tư và phát triển chăn nuôi gia công Thực hiện chiến lược phát triển theo mô hình chuỗi giá trị, mô hình 3F (Farm - Feed - Food)
Với sự nhạy bén, cần cù, dám nghĩ, dám làm, nông dân Phan Văn Sần tại huyện Bến Lức quyết định làm giàu từ trồng chanh không hạt trên đất mía
Nhờ triển khai mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm biogas và phụ phẩm nông nghiệp, hàng chục xã viên Hợp tác xã Duyên Thái, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội)
Đam mê làm nông nghiệp, ông Võ Văn Chưng ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã mạnh dạn bỏ vốn lớn đầu tư nhà kính trồng dưa lưới.