Xuất Khẩu Sang Trung Quốc Nhiều Hàng Nông Sản Gặp Khó
Hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của ta sang Trung Quốc đang sụt giảm lượng xuất cũng như giá cả.
Hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường kể từ khi nước này đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu (XK) của ta sang Trung Quốc đang sụt giảm lượng xuất cũng như giá cả.
Đồng loạt giảm ở nhiều mặt hàng
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, giá mủ cao su SVR3L (chưa bao gồm thuế) tại thị trường cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (cửa khẩu chủ lực XK cao su sang Trung Quốc) những ngày cuối tháng 5 chỉ còn 11.500-11.600 NDT/tấn (1 NDT = 3.370 đồng, tương đương với 38,7 triệu đồng/tấn).
Với mức giá này, trung bình mỗi tấn cao su XK, các doanh nghiệp (DN) lỗ ít nhất 5 triệu đồng. Ở nhiều vườn cao su liên kết và cao su tiểu điền tại Tây Nguyên, nông dân đã ngừng cạo mủ vì tiền bán sản phẩm thấp hơn chi phí, chỉ bán được cao su mủ tươi với giá 7.500-8.000 đồng/kg.
Ngành điều cũng gặp khó khăn. Ông Đặng Hoàng Giang- Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, Trung Quốc đang là thị trường XK lớn thứ hai của ngành điều Việt Nam, chiếm 20% tổng kim ngạch XK. Song các DN Trung Quốc lại đang giảm nhập của ta. Tương tự là mặt hàng thanh long. Chính phủ Trung Quốc đang có chính sách về hỗ trợ cấp đất, vay vốn ưu đãi, hơn nữa giống thanh long Trung Quốc lại tốt hơn Việt Nam, khiến thanh long Việt khó cạnh tranh.
Ông Nguyễn Văn Kỳ-Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết, chúng ta cần quy hoạch lại vùng trồng thanh long, hạn chế trồng tự phát, chú trọng chất lượng và giảm dần sự phụ thuộc XK vào Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các mặt hàng thủy sản, gạo cũng đang sụt giảm giá mạnh do Trung Quốc không thu mua mạnh như trước. Hiện tình trạng các thương lái thu mua tôm thẻ chân trắng nguyên liệu XK ồ ạt sang Trung Quốc không còn nên giá tôm giảm mạnh. XK gạo sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch cũng đang bị “kẹt” do DN chủ động tạm ngừng đưa hàng sang vì e ngại rủi ro trong khâu giao nhận và thanh toán...
Tự cân đối trong sản xuất
Ông Trần Ngọc Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) cho rằng, doanh nghiệp có thể chuyển hướng dần xuất thanh long sang châu Âu, Ấn Độ; đa dạng hóa sản phẩm rau quả xuất khẩu để giảm bớt rủi ro cho một mặt hàng nào đó nếu chỉ xuất sang Trung Quốc. Nhiều thị trường như New Zealand, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản... đang mở rộng cửa cho nhiều loại trái cây của ta.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, dù chưa bị tác động mạnh, song không thể phủ nhận sự cố Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông đã khiến hoạt động buôn bán, thương mại giữa 2 nước bị tác động về tâm lý, hàng hóa lưu thông có phần chững lại.
Các đối tác Việt Nam lúc này phải “quân tử phòng bị gậy” - tự cân đối, điều tiết hợp lý hàng XK sang Trung Quốc cũng là việc buộc phải làm.
Vì thời gian vừa qua, thương lái Trung Quốc thu mua nông sản, thủy sản nhưng không trả tiền hoặc hủy bỏ hợp đồng đã xảy ra trên thực tế. Gian thương Trung Quốc có thể nhân cơ hội này mà gây khó, ăn quỵt tiền của thương nhân Việt Nam.
Bộ Công Thương cho biết, thực tế hiện nay Trung Quốc vẫn nhập khẩu tới 70 - 75% toàn bộ giá trị XK cao su; đứng thứ 4 về thị trường XK thủy sản của ta; chiếm trên 1/3 sản lượng gạo XK của Việt Nam; 67% lượng thanh long, gần 100% sản lượng sắn...
Có thể bạn quan tâm
Do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng ngay từ đầu hè nên nhiều diện tích chè tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái bị cháy búp, gây thiệt hại lớn.
Việc hướng nông dân làm theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là hết sức bức thiết nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.
Theo tính toán của Cục trồng trọt Bộ NN&PTNT, tới đây, sẽ có 4.000 tỷ đồng hỗ trợ người trồng lúa. Khoản chi này sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước hàng năm để giúp người trồng lúa theo nghị định số 42 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất lúa có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.
Nhiều năm trước, cũng như nhiều người dân địa phương, gia đình ông Bùi Đức Công ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai chỉ trồng những loại cây ăn trái giống cũ nên năng suất và thu nhập thấp. Kể từ khi ông áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cây trồng phù hợp bằng những loại giống cây trồng mới đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần.
Từ nhiều năm nay, bà con nông dân ở các tỉnh ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An …và một số tỉnh ở miền Đông Nam bộ đã phấn khởi nhờ trồng ớt chỉ thiên mang lại hiệu quả đáng kể. Mặc dù, hiện nay giá ớt trên thị trường đôi lúc biến động, nhưng đa số bà con đều thu nhập cao hơn so với trồng lúa.