Quýt Hương Cần Đang Được Khôi Phục
Nổi tiếng và từng đi vào thi ca, song quýt làng Hương Cần, xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà - Thừa Thiên Huế) trải qua bao năm tháng thăng trầm. Vượt qua nhiều thách thức, đến nay quýt Hương Cần vẫn giữ được vị ngọt thơm nồng nàn đặc trưng.
Người dân Hương Cần chỉ nhớ chuyện xưa kể rằng, có một vị vua khi ghé qua thăm Hương Cần, người dân chọn quýt là loài đặc sản của làng để tiến vua. Vua tấm tắc khen ngon và khuyến khích mở rộng diện tích...
“Ngọt, đắng”...
Người dân thường bảo ông Hồ Đăng Dĩ ở thôn Giáp Kiềng là người “sống chết” với cây quýt Hương Cần. Trải qua bao thách thức của chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, nhiều người dân Hương Cần bỏ quýt chuyển sang trồng các loài cây khác. Với ông Dĩ, cứ sau mỗi lần gặp khó, bằng mọi cách ông lại khôi phục vườn quýt của mình. Khi chúng tôi trở lại Hương Cần cách nay mấy ngày, nhiều bà con vẫn còn loay hoay khôi phục, mở rộng diện tích thì tám sào của gia đình ông Dĩ đã trĩu quả, tỏa mùi thơm ngào ngạt.
Ông Dĩ hái một vài quả chín vàng để mọi người thưởng thức. Vỏ mỏng, dễ bóc, vị ngọt thơm nồng nàn đặc trưng chỉ có quýt ở Hương Cần. Đề cập đến bí quyết để có được loài quýt đặc sản này, ông Dĩ nói: “Có lẽ, đặc ân phù sa của dòng sông Bồ tạo nên mùi vị đặc trưng của quýt Hương Cần. Chứ chẳng có bí quyết nào cả”.
Ông Dĩ chia sẻ: “Vườn quýt có được như bây giờ cũng đã từng nếm trải bao “ngọt, đắng”. Ông kể, một thời chiến tranh tàn phá, nhiều vườn quýt mai một, gia đình ông cũng như bà con phải mất nhiều thời gian khôi phục. Chiến tranh đi qua, quýt Hương Cần rồi cũng đơm hoa cho quả ngọt.
Nhiều hộ dân một thời “dựa vào cây quýt” để sinh sống. Lũ lịch sử 1999 ập đến, quýt Hương Cần một lần nữa rơi vào cảnh lụi tàn. Nhiều hộ thất vọng, nản chí. Một số hộ “đau đáu” với loài cây đặc sản quý giá của làng thì tìm mọi cách để lưu truyền. Năm tháng đi qua, quýt Hương Cần lại đơm hoa kết trái và được người dân trong làng nhân rộng diện tích...
Mùa bão, lũ năm 2007-2008 tiếp tục tàn phá nhiều vườn quýt Hương Cần. Người dân e ngại nên diện tích ngày một “vơi dần”, đến nay chỉ còn khoảng 10 ha... Tuy nhiên, với những hộ như ông Hồ Đăng Dĩ còn “bám trụ” cây quýt đã phất lên khá. Hộ ông Dĩ mỗi năm thu nhập 60 triệu đồng trở lên.
Cần một thương hiệu
Trong số khoảng 10 ha quýt của làng Hương Cần còn sót lại, chủ yếu tập trung ở thôn Giáp Kiềng. Hầu như nhà nào trong thôn cũng trồng hai đến ba sào, nhà trồng nhiều từ sáu đến tám sào. Ngoài trồng lúa, cây quýt góp phần rất quan trọng trong đời sống của người dân. Nói về thu nhập, ông Hồ Đăng Lào ở thôn Giáp Kiềng nhẩm tính: Mỗi sào trồng 25-30 gốc, mỗi gốc cho thu nhập khoảng 350-400 ngàn đồng.
Như vậy, mỗi năm cho thu hoạch một lần, bình quân mỗi sào thu nhập khoảng mười triệu đồng. Những năm được mùa như năm rồi, mỗi sào cho thu nhập gần mười lăm triệu đồng. Gia đình ông Lào trồng bốn sào, thu nhập khoảng sáu chục triệu đồng. Hộ ông Hồ Đăng Hải trồng hai sào cũng cho thu nhập gần ba chục triệu đồng. Năm nay, chỉ còn hơn tháng nữa quýt cho thu hoạch, dự báo thêm một mùa bội thu.
Thấy quýt mang lại hiệu quả cao, nhiều người dân Hương Cần đang khôi phục và phát triển vườn cây. Các hộ như ông Dĩ, ông Hải, ông Lào cũng có thêm nguồn thu nhập nhờ chiết cành làm giống để bán. Trong khi nhân rộng diện tích, điều lo ngại nhất đối với người dân là thiên tai, dịch bệnh.
Từ trước đến nay, sau những lần bão, lũ tàn phá, hay sâu bệnh, hầu như người dân chưa nhận được sự hỗ trợ nào để khôi phục. Nhiều hộ có chung nguyện vọng là được các cấp chính quyền, ban ngành quan tâm tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả; các biện pháp phòng trừ sâu bệnh và hỗ trợ khôi phục thiệt hại sau thiên tai, dịch bệnh.
Ông Hồ Đăng Dĩ cũng như nhiều người cho rằng, hiện nay trên thị trường trà trộn rất nhiều loại quýt, khó phân biệt đâu là quýt Hương Cần. Tại một số chợ, các lái buôn còn trộn quýt Hương Cần với loại quýt khác, hoặc mạo danh quýt Hương Cần để bán giá cao. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của sản phẩm quýt Hương Cần. Đã đến lúc, việc xây dựng thương hiệu cho loại cây đặc sản vốn nổi tiếng này là vấn đề cần quan tâm.
Ông Nguyễn Xuân Lai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Toàn cho biết, chính quyền địa phương từng nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu cho quýt Hương Cần; nhưng trải qua nhiều biến cố, diện tích và sản lượng không ổn định nên chưa thực hiện được. Giờ đây, người dân đang từng bước khôi phục, mở rộng diện tích, chất lượng sản phẩm vẫn khẳng định “vị thế như ngày nào” nên cần xây dựng một thương hiệu. Làm được điều này, người dân rất cần sự vào cuộc hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng.
Theo Cục Sở hữu Công nghiệp-Bộ Khoa học và Công nghệ, việc xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu cho nông sản đòi hỏi tập trung sức lực và tâm huyết của nhiều cơ quan, tổ chức, hiệp hội, nhà khoa học, doanh nghiệp... Thông qua mối liên kết bốn nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) mà xây dựng và phát triển thương hiệu.
Theo đó, nhà nông đảm bảo quy trình sản xuất, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác an toàn qua các chương trình khuyến nông; nhà nước hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất; nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu giống chất lượng cao; nhà doanh nghiệp cam kết thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý cho nhà nông...
Có thể bạn quan tâm
Do giá bán các máy ấp trứng trên thị trường quá cao, ông Nguyễn Tấn Lộc (ấp Láng Dài, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ - Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tự thiết kế thành công chiếc máy ấp trứng gà, mỗi tuần cho ra lò hơn 300 con gà giống cung cấp cho thị trường.
Năm 1981, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, anh Đào Văn Bằng ở thôn Đồng Vang, xã Kim Long - Tam Dương luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình.
Trong một chuyến đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm thực tế về kỹ thuật trồng cây chanh dây từ người dân, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Trịnh Văn Quyền – thôn 8 – xã ĐăkNia – thị xã Gia Nghĩa – tỉnh Đăk Nông. Đây là một trong những gia đình trồng chanh dây đạt hiệu quả kinh tế cao.
Phú Yên hiện có gần 1.000 tàu cá đang nằm bờ, trong đó có khoảng 670 tàu khai thác xa bờ, nguyên nhân là do giá xăng dầu tăng cao, giá bán thủy sản thấp, không ổn định nên có hơn 80% tàu thuyền khi về bến bị lỗ vốn. Để động viên ngư dân tiếp tục bám biển, các ngành chức năng và địa phương ven biển Phú Yên đang tập trung chỉ đạo hoạt động khai thác thủy sản đạt hiệu quả, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân…
Trong sản xuất và tiêu thụ mía của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) hiện nay, ngoài chịu ảnh hưởng chung của cơ chế thị trường, thì nhiều nơi nằm trong vùng nguyên liệu vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế, dẫn đến việc giá thu mua mía nguyên liệu giảm.