Xuất Khẩu Sắn Giảm Cả Lượng Lẫn Giá Trị
Riêng tháng 8/2014, Việt Nam đã XK hơn 215.000 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 77 triệu USD, giảm 11,4% về lượng và 5,6% trị giá so với tháng 7/2014...
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, cả nước hiện có 560.000ha trồng sắn các loại, tổng sản lượng đạt gần 9,4 triệu tấn sắn tươi, với hơn 100 nhà máy chế biến tinh bột sắn đạt tiêu chuẩn, đứng thứ hai thế giới về XK sắn và sản phẩm từ sắn, chỉ sau Thái Lan. Tuy nhiên, thị trường XK sắn đang có nhiều biến động giảm.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, riêng tháng 8/2014, Việt Nam đã XK hơn 215.000 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 77 triệu USD, giảm 11,4% về lượng và 5,6% trị giá so với tháng 7/2014.
Trong số này có gần 76.000 tấn sắn nguyên liệu (tương đương 19,2 triệu USD, giảm hơn 34% về lượng và 31,3% trị giá so với tháng 7/2014). Tính cả 8 tháng 2014, Việt Nam đã XK 2,2 triệu tấn (sắn và sản phẩm chế biến từ sắn), trị giá 737,5 triệu USD, giảm 1,08% về lượng và 2,54% trị giá so với cùng kỳ năm 2013.
Sắn nguyên liệu và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam được xuất qua các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines… Trong đó 85,7% xuất sang thị trường Trung Quốc với 1,9 triệu tấn, trị giá 623,8 triệu USD, giảm 1,24% về lượng và giảm 3,42% về trị giá so với cùng kỳ.
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, việc rút ngắn khoảng cách chênh lệch năng suất sắn bằng cải tiến giống và chuyển giao thiết bị kỹ thuật có ý nghĩa rất lớn trong thực hiện quy hoạch không mở thêm diện tích nhưng vẫn đạt sản lượng tinh bột cao.
Thị trường có lượng XK lớn thứ hai sau Trung Quốc là Hàn Quốc với 122.000 tấn, trị giá 33,5 triệu USD, giảm 32,3% về lượng và giảm 31,33% về giá trị. Kế đến là thị trường Philippines với 49.700 tấn, trị giá 21,4 triệu USD, giảm 1,09% về lượng nhưng lại tăng 21,88% về trị giá so với 8 tháng 2013. Đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng là thị trường Nhật Bản, XK sắn của Việt Nam sang thị trường này lại có tốc độ tăng trưởng vượt trội cả về lượng và trị giá.
Theo nhận định của Hiệp hội Sắn Việt Nam, thời gian tới, XK sắn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Bởi hiện nay Trung Quốc đã và đang mở rộng thị trường NK theo cách mua lại hoặc đầu tư mới các nhà máy tinh bột sắn ở Campuchia, châu Phi…
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuạt Nông nghiệp miền Nam, Việt Nam đã có bước tiến dài trong việc tăng năng suất cây sắn, nhờ lai tạo được các giống mới như KM94, KM 98-1, SM 937-26… từ nguồn gen của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới (CIAT).
Tuy nhiên cây sắn ở Việt Nam vẫn chưa bền vững vì chênh lệch năng suất giữa các vùng trồng khá lớn. Cụ thể, năng suất sắn tại Tây Ninh đạt 30 tấn/ha với diện tích không tưới và 50 tấn/ha với diện tích có tưới bổ sung thì nhiều nơi khác chỉ đạt 15-17 tấn/ha. Bên cạnh đó, các vùng thâm canh sắn của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều loại bệnh dịch nguy hiểm trên cây sắn như bệnh chổi rồng, rệp sáp hồng, cháy lá vi khuẩn, bọ cánh trắng, nhện đỏ…
Có thể bạn quan tâm
Đến trang trại của gia đình anh Nguyễn Duy Châu ở xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy (Thái Bình) sau khi vượt qua một chặng đường lầy lội của vùng kinh tế mới, chúng tôi mới thấy hết sự nỗ lực để có thành công với mô hình trang trại tổng hợp của anh.
Từ giữa tháng 2 đến nay, ngư dân các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Mộ Đức (Quảng Ngãi) được mùa cá cơm.
Được sự trợ giúp cả về vốn và kỹ thuật của Nhà máy Đường Sông Con (Nghệ An), từ năm 2009 đến nay, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An đã chuyển đổi thành công hàng trăm ha đất bãi ven sông Con, đất màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng mía mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra, Bộ NNPTNT dự kiến sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ 2 gói hỗ trợ cho sản xuất và tiêu thụ cá tra với kinh phí 4.400 tỷ đồng.
Cá tầm lạ bởi xương cốt đều hóa sụn, thuộc chi cá cổ nhất hiện còn tồn tại, với cả triệu năm hầu như không thay đổi gen. Cá có thể dài tới 5- 7m, nặng tới 1.500 kg, thọ tới 200 năm, sống ở cả nước ngọt và nước mặn. Cá tầm đang trở thành đối tượng thủy sản nước lạnh thời thượng ở VN.