Xuất khẩu rau vào thị trường Nhật Bản: Khó nhất vẫn là chất lượng
Thâm nhập thị trường Nhật không dễ
Với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, thế mạnh khí hậu ôn đới đặc trưng, Lâm Đồng hoàn toàn có thể trở thành vùng sản xuất nông nghiệp XK cho Nhật Bản. Theo nghiên cứu, đánh giá của Công ty Dream Incubator Nhật Bản (DI) qua Dự án “Hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp Lâm Đồng”, địa phương này có thể trở thành cụm sản xuất hàng đầu XK cho Nhật Bản, đặc biệt đối với hai nhóm sản phẩm chủ lực là rau và hoa.
Theo DI, Nhật Bản hiện là thị trường lớn nhất châu Á đối với các sản phẩm rau, củ đã qua chế biến (chiếm từ 66 - 70% lượng nhập khẩu của châu Á). Trong khi nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản ngày càng tăng thì sản xuất tại chỗ của nước này đang bị thu hẹp. Cùng với đó, các nước XK lớn cho Nhật Bản, tức các đối thủ của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn như Trung Quốc (nước XK 53% rau, củ lớn nhất sang Nhật), gặp vấn đề an toàn thực phẩm. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng đẩy mạnh XK, trở thành nguồn cung ổn định cho thị trường Nhật Bản.
Kỳ vọng và tiềm năng là vậy, nhưng theo ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - XK rau Lâm Đồng hiện đang vướng “3 điểm nghẽn”: Chi phí sản xuất cao, nguồn cung không ổn định và quy mô nhỏ, chất lượng chưa đạt chuẩn.
Đến thời điểm này, XK rau vào thị trường Nhật Bản khó nhất vẫn là vấn đề chất lượng. Ông Lê Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH Đa Lat Gap - một trong những doanh nghiệp (DN) thành công tại thị trường Nhật Bản - chia sẻ, XK sang Nhật Bản, lợi thế là giá rau được nâng lên, nhưng đồng nghĩa với việc phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe, nếu làm được, khả năng mở rộng thị trường XK sẽ trong tầm tay, còn không tuân thủ quy định về chất lượng rủi ro là rất lớn.
Theo ông Cường, rau XK phải có chứng nhận Global GAP (Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế). Với sản phẩm chất lượng tốt, bắt buộc áp dụng công nghệ cao, đắt đỏ, nông dân khó có thể đáp ứng được, buộc phải có sự hỗ trợ của nhà nước.
Cần giải pháp đồng bộ
Để mở rộng XK rau vào thị trường Nhật Bản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho rằng, cần có những giải pháp đồng bộ, lâu dài, quan trọng là phải xây dựng mối liên kết giữa các DN XK và nông dân. Khi liên kết, nông dân sẽ có cơ hội tiếp cận kỹ thuật sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, họ sẽ mạnh dạn sản xuất rau chất lượng cao khi biết sản phẩm làm ra được DN thu mua để XK.
Ông Đoàn Văn Việt khẳng định, Lâm Đồng sẽ tập trung trọng điểm vào hiện đại hóa chuỗi cung ứng rau, hiện đại hóa khâu sản xuất và phân phối, tăng quy mô sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu của Nhật Bản.
Ông Mutsuya Mori - Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam - cho hay, việc hình thành cụm sản xuất chuyên XK sang Nhật Bản là ý tưởng mới lần đầu tiên được đưa ra và áp dụng ở một quốc gia khác ngoài Nhật Bản. Các quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Nhật Bản sẽ được các DN Nhật đưa đến Đà Lạt và sẵn sàng chuyển giao để mở rộng sản xuất. Khu công nghiệp - nông nghiệp gồm vùng sản xuất chính khoảng 100 ha và khu vực sản xuất vệ tinh từ 200 - 250 ha có các chức năng sản xuất, chế biến sau thu hoạch, nhân giống, nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực… Ngoài ra, còn có Trung tâm sau thu hoạch rau quả khép kín các dây chuyền kiểm tra, phân loại, đóng gói và vận chuyển lạnh nguồn rau chất lượng cao cho XK.
3 năm qua, Lâm Đồng đã thu hút 67 DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, với tổng số vốn 4.640 tỷ đồng. Tỉnh đang phối hợp với JICA, VASS thực hiện Dự án “Hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp”.
Có thể bạn quan tâm
Đây là mô hình nuôi cá chẽm đầu tiên tại huyện Triệu Phong, bước đầu có nhiều triển vọng, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tham quan mô hình nuôi cá leo thương phẩm trong ao đất tại ao nuôi cá leo của gia đình ông Nguyễn Duy Tuấn, thôn Tiên An, xã Vĩnh Sơn (Quảng Trị).
Chồn hương rất thích ăn loại cá tươi sống, chuối chín, trái cây. Càng vận động nhiều, chồn càng khỏe, đẻ nhiều. Người nuôi chồn phải được ngành kiểm lâm
Nuôi lươn không bùn là mô hình mới, đang phát triển ở tỉnh Nam Định. Hiệu quả kinh tế của mô hình này đem lại cao gấp nhiều lần so với nuôi cá truyền thống.
Lượng rơm rạ sau thu hoạch ở nước ta rất lớn, ước khoảng gần 46 triệu tấn/năm. Nguồn rơm rạ này có thể tận dụng, cho giá trị kinh tế cao, bảo vệ môi trường.