Xuất khẩu nông sản qua kênh siêu thị
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các hệ thống phân phối, bán lẻ lớn, không chỉ tạo thêm những kênh phân phối quan trọng cho nông sản trên thị trường nội địa, mà còn tạo cơ hội để XK nông sản vào hệ thống siêu thị, bán lẻ ở nhiều nước khác.
Những đơn vị đi đầu
Big C là hệ thống siêu thị đầu tiên ở Việt Nam đã tiến hành XK các sản phẩm Việt Nam (trong đó có nông, thủy sản) cho các chi nhánh của Tập đoàn Casino (là tập đoàn sở hữu hệ thống Big C) ở nhiều nước.
Theo ông Hồ Quốc Nguyên, giám đốc quan hệ công chúng của Big C, từ 16 năm nay, Big C đã thường xuyên thực hiện XK 3 nhóm hàng chính là hàng may mặc, nông – thủy sản và đồ thủ công mỹ nghệ (chủ yếu là hàng mây tre lá).
Mỗi năm, Big C thực hiện XK khoảng 1.100 container những nhóm hàng nói trên sang các chi nhánh của Casino. Riêng với hàng nông, thủy sản, những mặt hàng XK chính là tôm, cá, mực, thanh long… Trong đó, tôm, cá, mực, đã được XK cho chi nhánh Casino ở Pháp, ở một số nước Nam Mỹ và một số đảo quốc trên Ấn Độ Dương. Thanh long đã được XK sang Pháp…
Ông Nguyên cho biết, trong những năm tới, Big C vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh XK các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có nông – thủy sản sang các chi nhánh của Casino trên toàn cầu, bởi đây là một trong những hoạt động chủ lực của hệ thống siêu thị này.
Sau Big C, Cty Metro Cash & Carry Việt Nam (gọi tắt là Metro Việt Nam) cũng đã thực hiện việc XK qua hệ thống siêu thị.
Cụ thể, từ giữa năm 2013, Metro Việt Nam cùng Văn phòng Thương mại Metro khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các đơn vị trong nước đã hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy XK nông sản của Việt Nam vào hệ thống Metro trên toàn thế giới.
Trong nửa cuối năm 2013, Metro Việt Nam đã mua trực tiếp từ các nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp trong nước với tổng trị giá hơn 6 triệu USD để cung cấp cho hệ thống Metro trên toàn cầu. Các sản phẩm chính gồm thủy sản và hoa quả, mà nổi bật là lô hàng 23 tấn thanh long XK vào cuối tháng 11 cùng năm sang Thượng Hải (Trung Quốc).
Trong năm 2014, Metro Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh XK các sản phẩm rau, hoa quả như tỏi, gừng, chanh dây, chôm chôm… và các sản phẩm thủy sản vào hệ thống Metro ở các nước khác. Riêng mặt hàng thủy sản, trong năm 2014, Metro đã thực hiện XK được 81 container, trị giá khoảng 7 triệu USD.
Ông Phillip Bacac, TGĐ Metro Việt Nam, cho biết, trong năm nay, tuy đang trong quá trình chuyển giao chuỗi siêu thị Metro ở Việt Nam sang cho Cty BJC (Thái Lan), nhưng hoạt động XK nông, thủy sản của Metro Việt Nam vẫn diễn ra bình thường.
Đặc biệt, kể cả sau khi đã hoàn tất chuyển giao, công việc XK nông, thủy sản vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện, bởi Văn phòng Thương mại Metro khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn có nhu cầu thu mua nông, thủy sản Việt Nam để cung ứng cho hệ thống Metro trên toàn cầu.
Ông Suwicha Boonsupa, đại diện của Cty BJC, cũng cho hay, khi quyết định mua lại mảng kinh doanh bán sỉ của Metro ở Việt Nam, ngoài việc sẽ sử dụng hệ thống của Metro để kinh doanh, buôn bán các sản phẩm tiêu dùng ở thị trường Việt Nam, BJC sẽ vẫn đặc biệt chú trọng tới việc XK các sản phẩm của Việt Nam (trong đó có nông sản) ra nước ngoài.
Thúc đẩy XK nông sản
Tuy giá trị XK hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng qua các hệ thống phân phối, siêu thị chưa nhiều, nhưng điều đáng mừng là ngày càng có thêm nhiều hệ thống phân phối, siêu thị tiến hành XK các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có hàng nông sản, vào hệ thống của họ trên toàn cầu hay sang các hệ thống siêu thị khác ở các nước.
Trong năm ngoái, Saigon Coop đã bán cho hệ thống siêu thị Fair Price (Singapore) nhiều mặt hàng nông sản như gạo, trái cây, rau củ quả và thực phẩm chế biến như phở ăn liền... Ngoài ra, việc Saigon Coop hợp tác với Fair Price mở đại siêu thị Coop Xtra cũng tạo điều kiện cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam như bưởi, thanh long, khoai lang Nhật, thực phẩm khô…, thâm nhập vào hệ thống siêu thị ở Singapore.
Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) tuy mới thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam chưa lâu, nhưng hệ thống của Tập đoàn này ở Việt Nam đã nhanh chóng tổ chức XK sang Nhật Bản nhiều sản phẩm của Việt Nam với tổng giá trị tới 60 triệu USD, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản.
Bên cạnh đó, trong mấy năm qua, việc nhiều hệ thống phân phối, bán lẻ đã tổ chức những chương trình truyền thông, triển lãm về hàng Việt Nam ở một số nước, với mục đích chính là quảng bá và tiêu thụ hàng Việt Nam trong hệ thống siêu thị của họ ở nước sở tại, nhưng cũng đã có tác dụng tích cực cho XK nông sản nước ta nói chung.
Năm ngoái, ở Hàn Quốc, hệ thống Lotte Mart đã tổ chức một chương trình triển lãm, truyền thông khá quy mô về hàng Việt Nam, chủ yếu là hàng nông sản và sản phẩm chế biến từ nông sản như hạt điều, cà phê, tôm đông lạnh, bún khô, phở khô...
Chương trình này đã thu hút sự tham gia của khoảng 50 DN Việt Nam và 7 siêu thị Lotte có doanh số bán hàng cao nhất ở Hàn Quốc. Sau khi chương trình kết thúc, trên 20 DN Việt Nam đã được Lotte Mart làm cầu nối thực hiện XK tổng cộng trên 100 mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô... sang hệ thống Lotte Mart ở Hàn Quốc.
Nhiều công ty chế biến nông, lâm, thủy sản, cũng nhờ có hàng bán trong Lotte Mart Việt Nam mà đưa được hàng vào hệ thống Lotte Mart ở nước khác. Như Cty CP Chế biến gỗ Đức Thành, nhờ đưa các sản phẩm đồ gỗ vào bán trong hệ thống siêu thị Lotte Mart ở Việt Nam mà được hệ thống Lotte Mart ở Hàn Quốc biết tới và đặt hàng trực tiếp.
Với đơn hàng ấy, sản phẩm đồ gỗ của Đức Thành hiện đang được tiêu thụ tốt trong hệ thống Lotte Mart ở Hàn Quốc, với doanh số gấp nhiều lần so với bán trong Lotte Mart Việt Nam.
Trong các năm 2012 và 2014, Tập đoàn Casino (chủ sở hữu hệ thống Big C) đã phối hợp với Bộ Công thương, tổ chức “Tuần lễ hàng Việt Nam tại siêu thị Casino, Paris”, qua đó giới thiệu nhiều mặt hàng nông sản, dệt may… của Việt Nam tới người tiêu dùng Pháp.
Cũng trong 2 năm nói trên, Tập đoàn Metro đã phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức “Tuần lễ hàng Việt Nam tại Đức”. Những hoạt động này đã giúp cho nhiều loại nông sản, thủy sản, lương thực của Việt Nam có mặt trong hệ thống Metro tại Đức
Có thể nói, tuy còn mới mẻ và giá trị XK còn nhỏ bé so với giá trị XK nông sản cả nước, nhưng trong tương lai, các hệ thống phân phối siêu thị sẽ trở thành một kênh XK hàng nông sản khá quan trọng. Đồng thời, hoạt động XK này cũng góp phần vào việc thúc đẩy sự liên kết giữa các hệ thống siêu thị với các địa phương, DN, nông dân để hình thành các vùng nguyên liệu an toàn, chất lượng cao. Hiện nay, một số hệ thống siêu thị đang tích cực xây dựng các vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn an toàn với mục đích chính là tạo nguồn nông sản an toàn, chất lượng tốt để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng cũng nhằm hướng tới việc đẩy mạnh XK ra nước ngoài.
Điển hình trong việc này là hệ thống của Metro Việt Nam. Metro đã xây dựng được chuỗi cung ứng rau củ quả an toàn với 138 sản phẩm, sản lượng cung ứng cho hệ thống đạt 35 tấn/ngày. Ở Lâm Đồng, Metro đã tổ chức huấn luyện cho 55 hộ nông dân đạt được chứng nhận VietGAP. 55 hộ nông dân khác đang trong quá trình đào tạo VietGAP.
Nhờ đó, Metro đã tạo được vùng nguyên liệu rau củ quả an toàn ở Lâm Đồng với diện tích 100 ha, sản xuất 72 loại sản phẩm, sản lượng 600 tấn/tháng. Ở ĐBSCL, cũng đang có 70 hộ nông dân nuôi thủy sản cung ứng cho Metro theo tiêu chuẩn MetroGAP, trong đó có 28 hộ đang trong quá trình đào tạo và đánh giá để cấp chứng nhận VietGAP. Các sản phẩm thủy sản đang được đánh giá chứng nhận gồm tôm, cá tra, cá rô phi, cá chẽm, cá điêu hồng, cá lóc, cá thác lác...
Có thể bạn quan tâm
Bắp rớt giá, mì vẫn ở mức giá thấp… trong khi chi phí vật tư, tiền công thu hoạch tăng khiến nông dân huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) lao đao. Nhiều người đang thiếu vốn sản xuất, có nguy cơ thiếu đói…
VietGAP thủy sản là quy trình sản xuất đảm bảo theo hướng an toàn dịch bệnh, môi trường và xã hội; đồng thời truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Với 4 tiêu chí này, VietGAP được xem là cách giúp nông dân “tăng lợi, giảm hại” bền vững. Thế nhưng, giải pháp hữu ích trên vẫn chưa được áp dụng rộng rãi…
“Định vị hướng tới Lợi nhuận” là chủ đề của Hội nghị NTTS Châu Á - Thái Bình Dương và Triển lãm Thương mại (APA-2013) được tổ chức từ ngày 10 - 13/12/2013 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC).
Tổ chăn nuôi bò vỗ béo của Chi hội Cựu chiến binh ấp T4, xã Vĩnh Phú, là mô hình mới nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã giúp một số hội viên và nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Thời gian qua, việc phát triển cây cao su đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hơn 1.500 lao động và công nhân khai thác có mức lương 10 triệu đồng/tháng.