Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xuất Khẩu Thủy Sản Sang Nga Những Rào Cản Lớn

Xuất Khẩu Thủy Sản Sang Nga Những Rào Cản Lớn
Ngày đăng: 19/09/2014

Ngành thủy sản đang có những động thái đẩy mạnh XK sang Nga. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản khiến cho các doanh nghiệp ngần ngại với thị trường này.

Mời gọi doanh nghiệp tham gia

Lâu nay, Nga chưa phải là thị trường quan trọng của thủy sản Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm nay, trong khi giá trị XK thủy sản cả nước đã đạt trên 5 tỷ USD, thì giá trị XK thủy sản sang Nga chiếm chưa tới 1% (45,625 triệu USD). Có nhiều nguyên nhân khiến Nga còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong kim ngạch XK thủy sản Việt Nam.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trước hết là do Nga cũng có nguồn thủy hải sản khá nhiều. Bên cạnh đó, những khó khăn trong khâu thanh toán, rào cản về kỹ thuật… khiến cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam còn chưa mặn mà với thị trường này.

Tuy nhiên, với việc Chính phủ Nga đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ EU, Nauy, Mỹ, Canada và Úc, thủy sản Việt Nam đang có nhiều cơ hội đẩy mạnh XK vào thị trường khá tiềm năng này. Bởi phần lớn trong những thị trường bị cấm nói trên vốn là những nguồn cung cấp lớn thủy sản NK cho Nga.

Trong đó, Nauy là nước XK thủy sản lớn nhất vào Nga, với thị phần trên dưới 40% trong 5 năm qua. Mỹ cũng từng chiếm khoảng 2,5% lượng thủy sản NK vào Nga, còn EU là nhà cung cấp cho Nga các sản phẩm như cá thu, cá mòi, cá hồi…

Chính vì thế, ngay sau khi Chính phủ Nga ban hàng lệnh cấm NK trong vòng 1 năm đối với sản phẩm thủy sản từ các thị trường nói trên, các nhà NK Nga đang phải tìm kiếm nguồn hàng thay thế từ những nước khác.

Tín hiệu rõ nhất là tại Hội chợ thủy sản quốc tế vừa được tổ chức ở Moskva, các nhà NK Nga đã tìm tới gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam để tìm hiểu khả năng cung ứng thủy sản từ Việt Nam sang Nga.

Trước cơ hội đó, các Bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp thủy sản đang khẩn trương đẩy mạnh XK thủy sản sang Nga. Mới đây, Cục XNK (Bộ Công thương) và ĐSQ Nga tại Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam và khả năng XK sang Nga. Thông tin từ buổi tọa đàm này cho thấy Nga đang có nhu cầu NK nhiều loại thủy sản như tôm, cá tra...

Đồng thời đại diện thương mại Nga tại Việt Nam cũng đã đề xuất có 1 bản danh sách cập nhật các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu XK nông, lâm, thủy sản sang Nga. Trên tinh thần đó, ngày 15/9 vừa rồi, VASEP đã gửi công văn tới các doanh nghiệp hội viên, đề nghị các doanh nghiệp có nhu cầu XK sang Nga, sớm đăng ký để tổng hợp danh sách gửi tới Cục XNK và ĐSQ Nga.

Ông Hòe cho biết, đây sẽ là cơ sở để Chính phủ đàm phán cấp quốc gia với Chính phủ Nga về việc tạo điều kiện cho các mặt hàng thủy sản nói riêng và nông sản nói chung của Việt Nam có thể thâm nhập dễ dàng hơn vào thị trường nước này.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng đã mời các doanh nghiệp nuôi, chế biến, XK cá tra tham gia đoàn công tác của Bộ NN-PTNT sang làm việc tại thị trường Nga để mở rộng khai thông thị trường quốc tế, tháo gỡ rào cản, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và phát triển thị trường trong thời gian tới.

Rào cản nhóm lợi ích?

Ở ngành thủy sản, theo ông Hòe, những mặt hàng chủ lực có thể đẩy mạnh XK sang Nga sẽ là cá tra, tôm, các mặt hàng khô…

Năm 2013, XK thủy sản sang Nga đạt giá trị hơn 100 triệu USD, thì cá tra chiếm tới hơn 43%. Nhưng từ tháng 2 đến tháng 7 năm nay, do bị tạm ngưng XK vào Nga, giá trị XK cá tra sang thị trường này đã bị giảm rất mạnh.

Tuy nhiên, với việc 10 DN thủy sản Việt Nam đã được XK trở lại vào Nga, trong đó có nhiều doanh nghiệp cá tra, nhiều khả năng, giá trị XK cá tra sang thị trường này sẽ tăng mạnh trong những tháng tới.

Ngược lại với cá tra, từ đầu năm đến nay, XK chả cá, surimi sang Nga lại khá thuận lợi. Theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2014, xuất khẩu chả cá, surimi sang Nga đạt hơn 6 triệu USD, tăng hơn 13,5% so với cả năm 2013.

Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn đang gặp phải những trở ngại không nhỏ có thể khiến cho việc đẩy mạnh XK sang Nga gặp nhiều khó khăn.

Trước hết, là số doanh nghiệp Việt Nam được XK thủy sản sang Nga hiện còn quá ít (10 doanh nghiệp). Những khó khăn trong khâu thanh toán hay nhiều tiêu chuẩn của Nga đặt ra với hàng thủy sản Việt Nam còn khắt khe hơn cả tiêu chuẩn EU…

Thế nhưng, theo phản ánh của một số doanh nghiệp ngành hàng cá tra, rào cản hiện không chỉ từ phía Nga, mà còn từ chính một số doanh nghiệp Việt Nam. Những doanh nghiệp này đã cấu kết với nhau, hình thành một nhóm lợi ích.

Nhóm lợi ích này bắt tay với một nhóm nhà NK Nga, qua đó gạt các doanh nghiệp cá tra khác ra khỏi thị trường này. Nhóm lợi ích nói trên hình thành đã mấy năm nay, hầu hết các doanh nghiệp cá tra đều biết về việc này, nhưng chưa doanh nghiệp nào lên tiếng, bởi không xuất được sang Nga thì họ vẫn còn những thị trường khác.

Nhưng việc để một nhóm lợi ích bắt tay nhau thao túng thị trường Nga về lâu dài vừa không có lợi gì cho cả ngành hàng, cho người nuôi cá tra, mà còn có nguy cơ tạo ra hình ảnh xấu cho con cá tra trên thị trường này.

Chính vì thế, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã từng có công văn kiến nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương về việc tránh tình trạng độc quyền nhóm, đảm bảo lợi ích hài hòa cho tất cả các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng thủy sản vào Liên bang Nga.

GĐ một doanh nghiệp cá tra (xin không nêu tên), cho rằng cần phải làm minh bạch việc XK cá tra từ Việt Nam sang Nga. Theo đó, cơ quan chức năng của Nga cần công khai các tiêu chuẩn chất lượng, ATTP với sản phẩm cá tra Việt Nam.

Còn Bộ NN-PTNT cần sớm có biện pháp chấn chỉnh lại việc điều hành XK cá tra sang Nga theo hướng loại bỏ lợi ích nhóm, loại bỏ tình trạng độc quyền, tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp cá tra đều có cơ hội XK sang Nga nếu đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng, ATTP của Việt Nam và của Nga.


Có thể bạn quan tâm

Giải pháp nào phát triển bền vững ngành hồ tiêu diện tích vượt ngưỡng Giải pháp nào phát triển bền vững ngành hồ tiêu diện tích vượt ngưỡng

Liên tiếp trong một thời gian ngắn, nhiều hội nghị, hội thảo đã được tổ chức ở những vùng trọng điểm của cây hồ tiêu như Tây Nguyên, Đông Nam bộ. Tất cả các diễn đàn này đều có chung một nỗi lo: Diện tích hồ tiêu đang tăng nhanh và rất khó kiểm soát.

24/10/2015
Liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị giống lúa ST20 Sóc Trăng Liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị giống lúa ST20 Sóc Trăng

Giống lúa thơm ST20 được chọn lọc từ tổ hợp lai (ST3/Tám thơm Hải Hậu đột biến/Hoa sữa, ST1/KDM105, Tám thơm đột biến 35-4-2).

24/10/2015
Phát triển nuôi cá lồng trên sông ở Hải Lăng Phát triển nuôi cá lồng trên sông ở Hải Lăng

Là huyện nông nghiệp vùng trũng có nhiều sông, hồ… vì vậy nuôi cá lồng đang là hướng đi mới có hiệu quả đang được nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Hải Lăng triển khai nhằm góp phần tăng nguồn thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

25/10/2015
Ngành thủy sản tăng trưởng ổn định và bền vững Ngành thủy sản tăng trưởng ổn định và bền vững

Suốt 5 năm qua, ngành thủy sản tỉnh BR-VT luôn giữ tốc độ tăng trưởng cao nhờ ngư dân không ngừng áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, khai thác, chọn nghề khai thác có giá trị thương phẩm cao để hoạt động và nuôi những loại thủy sản phù hợp để gia tăng nguồn lợi.

25/10/2015
Cuối năm, hy vọng xuất khẩu tôm sáng sủa Cuối năm, hy vọng xuất khẩu tôm sáng sủa

Cả năm 2015, chúng ta sẽ hoàn thành được kế hoạch thả nuôi tôm cả về diện tích, sản lượng, ít nhất sẽ bằng sản lượng thu hoạch năm 2014…

25/10/2015