Chăm Lo Đời Sống Đồng Bào
Những năm qua, cùng với các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền huyện Võ Nhai đã huy động mọi nguồn lực, không ngừng chăm lo cho đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Chúng tôi trở lại xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai) đúng vào dịp con đường Tân Thành - Lũng Hoài hoàn thành và đưa vào sử dụng tròn một năm. Đây là tuyến đường bê tông dài hơn 3km do Nhà nước đầu tư xây dựng với tổng kinh phí lên tới 25 tỷ.
Ông Lý Văn Sinh, Trưởng xóm Lũng Hoài phấn khởi cho biết: Từ khi có con đường mới, việc đi lại, giao thương của người dân trong xóm thuận lợi hơn rất nhiều. Trò chuyện với chúng tôi, ông Sinh nhớ lại: Xóm Lũng Hoài có 33 hộ gia đình, 100% là đồng bào dân tộc Mông từ Cao Bằng di cư đến từ những năm 1970.
Những năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, đồng bào Mông ở Lũng Hoài đã được thụ hưởng nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: Đường giao thông, nhà văn hóa, trường học; hỗ trợ kinh phí mua các loại máy móc nông nghiệp: Máy xay xát, máy cày, máy tẽ ngô…; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và đưa các cây, con giống mới vào sản xuất… Nhờ vậy, cuộc sống của người Mông nơi đây ngày càng khởi sắc.
Hiện nay, cơ bản người dân không còn phải ăn ngô thay cơm như trước. Mỗi hộ trong xóm thường trồng trung bình hơn 10kg ngô giống (tương đương với diện tích gần 1ha) chủ yếu là các giống ngô lai như: DK 999, DK 4300, LVN 61, LVN 99...
Ngoài ra, một số hộ còn mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò để tăng gia sản xuất. Hộ nào cũng có ít nhất một chiếc xe máy; trên 20 hộ sắm được máy phát điện chạy xăng, dầu để thắp sáng và xem ti vi, 100% trẻ em đến tuổi đi học đều đến trường…
Không riêng gì Lũng Hoài mà cuộc sống của người dân ở 174 xóm bản dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Võ Nhai cũng đang đổi thay từng ngày. Sự đổi thay đó chủ yếu nhờ các chính sách hỗ trợ từ các chương trình, dự án như: Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, già làng, trưởng thôn khó khăn, gia đình chính sách ở các xã khu vực II, III; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách cho vay vốn, nhà ở, đất sản xuất… Những chính sách trên đã góp phần tạo động lực cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Một trong những chương trình hỗ trợ phát huy hiệu quả cao nhất đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Võ Nhai chính là Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Trong 5 năm vừa qua (2010-2014) tổng nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 135 cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện là 50,3 tỷ đồng. Số tiền đó đã được đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng 68 công trình và hạng mục công trình đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa…
Đồng thời, thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ cơ sở, chính sách hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, hỗ trợ hoạt động văn hoá, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ cải thiện vệ sinh môi trường... Riêng năm 2014, tổng kinh phí để thực hiện Chương trình là 11,4 tỷ đồng, trong đó, đầu tư xây dựng cơ bản là 9 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất là 2,4 tỷ đồng.
Đặc biệt, thời gian qua, huyện Võ Nhai đã thực hiện tốt việc lồng ghép, phối hợp các nguồn vốn, trong đó có cả vốn huy động tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong và ngoài tỉnh để đầu tư hỗ trợ cho 9 xóm, bản người Mông đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Tính từ năm 2012 đến nay, tổng nguồn vốn hỗ trợ cho các xóm, bản có nhiều đồng bào Mông sinh sống gần 50 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng Dân tộc huyện Võ Nhai thì cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con nhân dân các dân tộc trong huyện cũng đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường. Đến nay, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực: Cơ cấu cây trồng vật nuôi dần chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; công tác tái định canh, định cư gắn liền với tổ chức sản xuất bền vững cơ bản được giải quyết ổn định.
Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng nhân rộng đã góp phần làm tăng thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống một cách đáng kể. Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 5-7%, hiện nay chỉ còn 28,3%.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù Lào Cai đã hết mùa từ tháng 7, song, gần hai tháng nay, dọc các tuyến phố ở Hà Nội, mận tím khủng Sapa (Lào Cai) vẫn được bày bán tràn lan.
Cây sim mọc hoàn toàn tự nhiên trên vùng đồi trống và dưới tán rừng được bà con thu hái bán phổ biến với mức giá từ 9.000 - 12.000 đồng/kg.
Tính đến hết tháng 9, khối lượng xuất khẩu gạo đạt khoảng 4,47 triệu tấn với giá trị 1,92 tỷ USD, giảm 10,1% về khối lượng và giảm 15,7 về giá trị.
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, 9 tháng đầu năm Việt Nam đã xuất khẩu 62 container nhãn, đạt 307,452 tấn. Trong đó, giá nhãn đi bằng đường máy bay đạt 8,8 USD/kg, chở bằng đường biển chỉ bằng một nửa, 4,4 USD/kg.
Từ ngôi vị thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, gần đây, Việt Nam bị một số đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Campuchia,... “vượt mặt” và nguy cơ dần thị trường.