Sâu Phá Ruộng Mía, Vẫn Không Công Bố Dịch
Hơn 5.000ha mía trên địa bàn và hơn 2.000ha mía tại Campuchia do nông dân thuê đất trồng bị sâu đục thân tấn công.
Điều này khiến nhiều nông dân trồng mía đang đứng ngồi không yên do chỉ còn hai tháng nữa là thời điểm Tây Ninh bắt đầu vụ thu hoạch mía.
Dù đây là loài sâu đục thân lần đầu tiên xuất hiện tại VN với tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ gây hại trên diện rộng, nhưng cơ quan chức năng địa phương cho rằng vẫn chưa thể công bố dịch do chưa đủ... điều kiện.
Nguy cơ trắng tay vì sâu đục thân mía!
Ông P.N.Bình (huyện Châu Thành, Tây Ninh) thuê đất trồng 7ha mía bên Campuchia cho biết tháng trước thăm thấy ruộng mía phát triển bình thường, chỉ lác đác vài cây mía bị vàng ngọn tưởng là sâu đục thân thông thường nên không quan tâm.
Thế nhưng tháng này loài sâu đục thân phát triển rất nhanh, diện tích mía vàng ngọn tăng, thiệt hại ước tính hơn 30% cánh đồng.
“Để hạn chế sâu đục thân, tôi dự định thuê người đánh lá và xịt thuốc lại, chi phí mất vài triệu đồng/ha nhưng chưa chắc diệt hết sâu” - ông Bình lo lắng.
Nông trường Thành Long thuộc Nhà máy đường Biên Hòa - Tây Ninh là đơn vị bị thiệt hại nặng nhất do sâu đục thân với khoảng 1.200ha/1.700ha, năng suất thiệt hại khoảng 28%.
Anh Đinh Quốc Tuấn, phó phòng sản xuất Nông trường Thành Long, cho biết diện tích mía nhiễm bệnh chủ yếu phía rìa lô mía. Cá biệt có lô mía khoảng 1ha của nông trường bị sâu đục thân 100% đang được đề xuất tiêu hủy. Công nhân nông trường đang tất bật đánh lá, xịt thuốc để hạn chế sâu đục thân phát triển.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, huyện Châu Thành hiện có diện tích mía bị sâu đục thân tấn công nhiều nhất với khoảng 3.600ha trong số 5.900ha mía trồng.
Trong đó có tới 117ha mía bị sâu đục thân làm thiệt hại trên 50% và 85ha mía bị sâu đục thân làm thiệt hại 20-50%.
Ông Phạm Đình Giản, phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, cho biết đây chỉ mới là con số ghi nhận được qua quan sát đối với mía vàng héo ngọn, thực tế có thể cao hơn vì sâu đang đục thân mía chưa đến giai đoạn vàng thì ngọn mía vẫn xanh bình thường.
Chưa đủ quy định để công bố dịch?!
Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Quốc Thới, giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng sâu đục thân đang ở giai đoạn nhộng nên không có khả năng lây lan tiếp.
Theo ông Thới, việc bùng phát sâu đục thân trên diện tích rộng là do cán bộ khuyến nông và cán bộ của các nhà máy đường kiểm tra giám sát chậm, không phát hiện khiến sâu sinh sản nhanh.
Bướm xuất hiện từ tháng 6-7 và trên cây mía 200 trứng/con, nhộng sâu nở ra sống đến 90%. Sâu chủ yếu tấn công cây mía ở phần trên.
“Chưa đủ điều kiện để công bố do diện tích mía bị sâu đục thân phá hoại chưa đạt quy định và chưa biết đây có phải là loài mới hay không” - ông Thới nói.
Ông Thới cho rằng theo quy định, phải tới 60% diện tích mía trên địa bàn tỉnh bị sâu đục thân và 30% diện tích trên tổng diện tích trồng mía bị sâu đục thân nặng thì mới công bố dịch.
Trong khi đó, diện tích mía trên địa bàn là 21.000ha nhưng mía bị sâu đục thân khoảng 5.000ha, trong đó khoảng 430ha mía bị sâu đục thân mức độ nặng, 500ha mức độ trung bình, còn lại 4.100ha bị nhẹ.
Theo ông Thới, hiện nay mía đã già gần đưa vào thu hoạch (tháng 11 bắt đầu thu hoạch) nên mức độ phá hoại của sâu hạn chế hơn mía non. Sở đang hướng dẫn người trồng mía kết hợp với các biện pháp thủ công như đánh lá mía, xịt thuốc trừ sâu đục thân cho cây mía...
Ngoài ra, cán bộ nông nghiệp hướng dẫn người dân đi kiểm tra cây mía nào bị nặng thì chặt bỏ đoạn non phía thân trên cây để tiêu hủy.
Tuy nhiên, do thuốc diệt sâu đục thân mía chưa có, một số nông dân dùng thuốc diệt sâu đục thân cây lúa để xử lý.
Phải có giải pháp tránh thiệt hại cho nông dân...
Ông Hồ Văn Chiến, giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, cho biết hiện văn phòng FAO tại Bangkok vẫn chưa phản hồi kết quả xác định loài sâu đục thân này.
Tuy nhiên, Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh công bố dịch sâu đục thân trên cây mía. “Đây là loài sâu đục thân mới phát hiện ở VN, không thể không công bố vì sẽ bùng phát tràn lan, nhưng công bố như thế nào để không gây hại cho doanh nghiệp, không gây hại cho dân”.
Theo ông Chiến, để không lây lan cần yêu cầu kiểm dịch, không cho các tỉnh khác đến Tây Ninh để mua hom giống mía. Các nhà máy đường cần phải thu mua sớm cho nông dân.
Khi thu hoạch nhất thiết phải có biện pháp bao bọc cây mía lại, chở thẳng vào nhà máy để sâu bướm không phát tán trong quá trình vận chuyển.
Ông Chiến cho rằng nhộng sâu trong cây mía không thể ảnh hưởng đến chất lượng đường vì thực chất đó là protein. Trong quá trình thu hoạch mía không sợ lây lan sâu do mía đã già, trong khi loài sâu này chỉ phá hoại giai đoạn mía non.
Hơn nữa, sâu nhộng nằm trong cây mía chưa phải là bướm để phát tán.
Ông Chiến cũng khuyến cáo cơ quan chức năng Tây Ninh nên có giải pháp tiếp nhận mía từ hơn 4.000ha của người dân trồng ở Campuchia chuyển về để người dân không bị thiệt.
“Đối với động vật, khi công bố dịch thì phải tiêu hủy, nhưng đối với thực vật, nếu có giải pháp an toàn thì vẫn cho vận chuyển và tiêu thụ bình thường” - ông Chiến nói.
Có thể bạn quan tâm
Ca cao đang đứng trước “thời cơ vàng” để phát triển, khi dự báo nhu cầu sử dụng hạt tại nhiều nước phục vụ chế biến vào năm 2020 lên khoảng 1 triệu tấn. Tuy nhiên, trồng như thế nào, diện tích bao nhiêu và tiêu thụ ở đâu,… là những vấn đề đặt ra.
Theo thông tin từ một số nhà vườn trồng thanh long tại các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom (Đồng Nai), giá thanh long ruột đỏ bán tại vườn hiện dao động ở mức 15-20 ngàn đồng/kg, tăng khoảng từ 7-10 ngàn đồng/kg; thanh long ruột trắng hiện có giá từ 7-10 ngàn đồng/kg, tăng từ 3-5 ngàn đồng/kg so với thời điểm giữa tháng 6-2014.
Thời gian gần đây, người dân ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của nhiều hộ dân.
Thông qua trung tâm nông nghiệp huyện, từ đầu năm đến nay, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện Đam Rông phát triển sản xuất, chăn nuôi trong các chương trình dự án lên đến trên 3,996 tỷ đồng, bao gồm: Chương trình trợ giá cây giống cà phê Robusta, sầu riêng giống mới cho người dân các xã Đạ Tông, Đạ M’rông, Liêng S’rônh, Rô Men, Phi Liêng, Đạ K’Nàng, với tổng kinh phí 322,5 triệu đồng;
Thôn Ánh Mai 3 (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc) được nhiều người quen gọi là “Xóm Ao”. Bởi tại đây có rất nhiều nông hộ đang triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình thả cá kết hợp chăn nuôi, với khoảng 10ha diện tích ao hồ. Trong số đó có anh Nguyễn Phúc Lợi.