Xuất Khẩu Chả Cá Và Surimi Sang Nga Tăng Đột Biến
Tổng giá trị XK chả cá và surimi của Việt Nam sang Nga trong 9 tháng năm 2014 đạt hơn 8 triệu USD, tăng hơn 118% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng trưởng đột biến vào tháng 2, xuất khẩu (XK) chả cá và surimi (thịt cá đã được tách xương, xay nhuyễn, phối trộn với các chất chống biến tính do đông lạnh, và có thể bảo quản được lâu ở nhiệt độ đông lạnh) của Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Tuy nhiên, 4 tháng trở lại đây, XK chả cá và surimi của Việt Nam lại tăng trưởng khả quan ở mức 2 con số. Tổng giá trị XK mặt hàng này của Việt Nam 9 tháng năm 2014 đạt hơn 206 triệu USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân là do giá trị XK sang một số thị trường chính như Trung Quốc, Đài Loan và Nga đang ngày càng tăng trưởng mạnh, đặc biệt là thị trường Nga tăng hơn 118%.
VASEP cho biết, sau khi Nga ban hành lệnh cấm nhập khẩu (NK) thủy sản từ Mỹ, EU, Canada, Na Uy và Australia, lượng NK cá thịt trắng để làm nguyên liệu chế biến chả cá và surimi giảm. Nhằm bù đắp lại lượng sụt giảm này, các DN của Nga đang chuyển hướng NK từ các nước châu Á.
Chính vì vậy mà trong tháng 9, NK mặt hàng này của Nga từ Việt Nam tăng đột biến hơn 143%. Tổng giá trị XK chả cá và surimi của Việt Nam sang Nga trong 9 tháng năm 2014 đạt hơn 8 triệu USD, tăng hơn 118% so với cùng kỳ năm 2013.
Hàn Quốc là thị trường NK surimi lớn nhất của Việt Nam
4 tháng trở lại đây, XK chả cá và surimi của Việt Nam sang Hàn Quốc, các nước ASEAN, Trung Quốc đã tăng trưởng liên tục qua từng tháng.
Chiếm hơn 32% tỷ trọng, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường NK nhiều nhất chả cá và surimi của Việt Nam trong 9 tháng qua với tổng giá trị đạt hơn 66,7 triệu USD, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo số liệu thống kế của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), từ đầu năm đến hết tháng 8, NK chả cá và surimi của Hàn Quốc đã tăng trở lại so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 0,1%. Với thị phần hơn 54%, Việt Nam đang là nước cung cấp chính mặt hàng này cho Hàn Quốc.
Năm nay, NK các mặt hàng chả cá và surimi của các nước ASEAN (trừ Việt Nam) có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Hiện ASEAN đang NK các mặt hàng này từ hơn 35 nước trong và ngoài khối. Trong đó, Việt Nam và Indonesia là 2 nước XK nhiều nhất mặt hàng này sang các nước ASEAN.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 9, NK chả cá và surimi từ Việt Nam của ASEAN vẫn tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng tốt ở mức 2 con số.
Riêng trong tháng 9, giá trị XK mặt hàng này của Việt Nam sang 3 thị trường chính trong khối tăng lên nhanh chóng: Thái Lan tăng gần 47%, Singapore tăng gần 28% và Malaysia tăng gần 50%. Tính tổng giá trị XK sang cả khối này trong 9 tháng đạt hơn 47 triệu USD, tăng hơn 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, tại thời điểm này Thái Lan đang là nước NK nhiều nhất mặt hàng surimi trong khối đồng thời lại là nước NK nhiều nhất mặt hàng này của Việt Nam, đang có xu hướng tăng mạnh XK.
Theo VASEP, với tốc độ tăng trưởng tốt, trong tháng 9 năm 2014, Trung Quốc lại tiếp tục đứng ở vị trí thứ 3, trước Nhật Bản, trong bảng xếp hạng các thị trường NK chả cá, surimi của Việt Nam.
Tổng giá trị XK chả cá và surimi của Việt Nam sang thị trường này trong 9 tháng qua đạt gần 31 triệu USD, chiếm hơn 15% tổng giá trị XK mặt hàng này, tăng hơn 58% so với cùng kỳ.
Dự báo, XK chả cá và surimi của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2015 được dự báo là sẽ thấp nhất trong vòng 5 năm qua, song theo đánh giá của đại diện Bộ NN&PTNT thì đây là điều bình thường, khó tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung.
Cá hường vện (còn gọi là thái hổ) là giống cá kiểng nước ngọt quý hiếm hầu như chỉ có trên dòng sông Vàm Cỏ Đông.
Mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học đã xuất hiện từ lâu, với nhiều lợi ích thiết thực, nhất là giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện nhiều nông dân ở một số địa phương đã quay lưng với đệm lót sinh học và trở về với cách nuôi truyền thống.
Ngày 5/11, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết thời gian gần đây, Công ty TNHH Kinh doanh cà phê và phân bón Phúc Lộc trong hoạt động kinh doanh, mua bán đã có hành vi giả mạo nhãn hiệu phân bón và vừa bị lực lượng chức năng phát hiện.
Theo một nghiên cứu gần đây của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Việt Nam được cho là quốc gia hưởng lợi nhất từ TPP nhưng những gì mà nó mang lại cho ngành nông nghiệp lại rất hạn chế.