Ứng Dụng Bóng Đèn Ôzôn
Hẹn tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, lần nào cũng lỡ cỡ vì ông bận, cũng bị ngắt quãng bởi những cú điện thoại, những chuyến đến thăm của nhiều nông dân hỏi về ứng dụng của bóng đèn ôzôn. Còn nhớ cách đây cả năm, gặp tôi, ông cứ úp mở về chuyện đèn ôzôn được đưa cho nông dân để thắp cho thanh long ra hoa, để khử mùi, khử khuẩn cho chuồng trại gia súc nhưng tịnh không tiết lộ cụ thể ở đâu. Lần này, vừa gặp tôi, ông cười khà khà: "Tớ vừa cho nông dân Bình Thuận ứng dụng đèn ôzôn thắp cho thanh long, đã có kết quả bước đầu rồi, hay lắm". Tiến sĩ Khải từ lâu nổi tiếng và cũng có phần…tai tiếng bởi lấn sân vào nhiều lĩnh vực nhưng dường như ông chỉ là ông khi trở về với lĩnh vực chuyên môn sâu: Vật lý.
Ông gắn bó với vùng thanh long Bình Thuận cũng từ sự "ngứa nghề" ấy. "Trước nông dân Bình Thuận toàn dùng bóng đèn dây tóc nóng sáng cỡ 75W để thắp cho thanh long ra hoa nên mới có chuyện hễ cứ đến 8 giờ tối là tỉnh này thiếu điện bởi giờ đó nông dân đồng loạt thắp đèn cho thanh long. Cứ 1ha thắp cỡ 900 bóng, cả tỉnh có chừng 9.000 ha thanh long, chỉ cần 1/3 trong số đó tới kỳ thắp đèn (chu kỳ thắp thường 17 ngày-PV) cũng ngốn một lượng điện khổng lồ. Bóng đèn nóng sáng lại không có chụp nên toả sáng không đều, thanh long ra hoa không tốt.
Hơn thế, bóng cứ treo lủng lẳng, thắp rất nóng nên khi mưa bị nứt vỡ hàng loạt". Từ bức xúc ấy, ngay từ mấy năm trước ông Khải đã nghiên cứu thay thế bóng đèn nóng sáng bằng bóng compact để thắp cho vườn thanh long ở Bình Thuận. Bóng compact tuy chi phí ban đầu cao hơn nhưng tiết kiệm điện năng hơn hẳn (bóng được lắp giữa 4 gốc cây). Cành thanh long gần đèn cũng không bị táp do nhiệt lượng toả ra từ bóng rất thấp. Ông Khải còn hướng dẫn dân làm choá đèn để hướng ánh sáng đều hơn vào cây và không bị hỏng khi trời mưa.
Theo tính toán của tiến sĩ Khải, một máy nổ trước kia tải cho 500 bóng đèn nóng sáng giờ tải được 2.500 bóng đèn compact. Từ những điểm thí nghiệm nhỏ, mô hình dùng bóng đèn compact cho thanh long nhân rộng dần ra ở Bình Thuận, có nhà mua đến 15 triệu đồng tiền bóng. Nhà ông Điền, ông Châu- những nông dân có diện tích vườn thanh long lớn ở huyện Hàm Thuận Bắc là những người hăng hái nhất trong việc ứng dụng thay bóng đèn tròn bằng bóng compact và cũng hưởng lợi nhiều khi độ đồng đều của quả thanh long cao hơn trước, bán dễ hơn, tiết kiệm điện hơn (do chu kỳ thắp rút xuống còn 15 ngày và bóng đèn compact ngốn ít điện hơn so với bóng tròn).
Tuy nhiên bởi phát triển tự phát, nông dân mua bóng tuỳ tiện, không rõ nguồn gốc, có bóng vừa thắp đã cháy, có bóng tuổi thọ ngắn (cỡ 4.000 giờ) nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Tiến sĩ Khải ấp ủ một dự định triển khai ứng dụng bóng compact tuổi thọ trên 8.000 giờ và hơn thế còn chế tạo ra bóng ôzôn công suất rất nhỏ nữa. Ông bộc bạch: "Sau khi thắp bóng compact cho cây ra hoa, những hôm mưa gió, mù trời, thiếu ánh sáng có thể thắp bóng ôzôn loại công suất cực nhỏ mắc ngay tại trụ thanh long để tăng lượng ô xi cho cây hấp thụ. Khí ôzôn toả ra từ bóng còn có tác dụng khử khuẩn, khử nấm giúp cây phát triển tốt hơn".
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi đang tiếp diễn bỗng có một nông dân nằng nặc xin gặp ông Khải để mua bóng ôzôn. Hỏi mới hay anh tên là Trịnh Duy Huy ở thôn Chúc Mỹ, xã Ngọc Hoà (Chương Mỹ, Hà Tây), nhà có trại gà nuôi gia công nhưng mùi chuồng nuôi luôn hôi nồng nặc. Khi trước anh Huy có mua 50 bóng ôzôn về thử lắp trong chuồng và y như lời anh: "Trước vừa đến chỗ thông gió của chuồng, mùi hôi đã nồng nặc, chỉ qua một đêm thắp bóng ôzôn vào tận chuồng rồi mới thấy mùi chỉ thoang thoảng".
Theo tiến sĩ Khải, sở dĩ chuồng gà nhà anh Huy còn chút mùi là do anh mới chỉ thắp một nửa số bóng theo khuyến cáo (mùa hè 8m2 chuồng/1 bóng; mùa đông 4m2/1 bóng). "Chúng ta thường quên mùi hôi thối và vi khuẩn là hai mặt của một vấn đề. Khi ta khử khuẩn thì hết mùi hôi và ngược lại. Vì thế dùng bóng đèn ôzôn trong các trại chăn nuôi không chỉ giúp tăng lượng ô xi cho gia súc, gia cầm mà còn có tác dụng khử khuẩn, khử mùi, phòng chống dịch bệnh. Tới đây, tôi sẽ đưa bóng đèn ôzôn công suất cực thấp vào để có thể thắp rất tốt trong chuồng nuôi khi mùa hè bởi hầu như nó không toả nhiệt.
Còn công suất bóng bao nhiêu, thông số kỹ thuật của bóng đó thế nào tôi không thể công bố vì lộ thông tin là có người làm giả ngay từ khi mình bắt tay vào làm khuôn chế tạo hàng loạt". Ông Khải vừa nói vừa cười đầy vẻ tinh quái.
Có thể bạn quan tâm
Vụ đông này, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) trồng được khoảng 90 ha ớt, tập trung ở 2 xã: Nguyên Giáp 35 ha, Hà Thanh 35 ha.
Khu chuyển đổi rộng 3.600 m2 của gia đình ông Đào Đình Tuy ở thôn An Cư, xã Nghĩa An (Ninh Giang - Hải Dương) được quy hoạch khá đẹp mắt.
Theo tin từ Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh, dự án "Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Hòa Lộc cho sản phẩm xoài cát, hỗ trợ quảng bá sản phẩm" do KS. Ngô Kỷ chủ nhiệm (Sở Khoa học và Công nghệ) chủ trì đã được nghiệm thu.
Tôm nuôi đang chết hàng loạt tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị khiến người dân miền Trung thấp thỏm khi hàng vạn hécta ao hồ nước nợ tại đây vừa xuống giống vụ nuôi trồng thủy sản năm 2013.
Trước tình hình dịch bệnh trên gia cầm đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là vi rút gây bệnh cúm xuất hiện thêm nhiều nhánh, chủng mới, ngành thú y và người chăn nuôi trong tỉnh Phú Yên đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp phòng chống, nhất là trong mùa vịt chạy đồng.